Mười năm qua, tín dụng tiêu dùng (TDTD) đã có bước phát triển nhảy vọt cả về quy mô và chất lượng. Giai đoạn 2012-2020 TDTD đã tăng trưởng trung bình 20%/năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong giai đoạn này (14-15%). Năm 2021, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống trên địa bàn tỉnh là 6.124 tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Người dân mua sắm tiêu dùng tại Siêu thị GO (thành phố Nam Định). |
Theo các cơ quan chuyên môn, TDTD là các khoản tín dụng được cung cấp cho khách hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân như mua bất động sản (căn hộ, nhà ở, đất thổ cư), mua sắm hàng hóa tiêu dùng (xe, thiết bị điện tử, hàng gia dụng), trang trải chi phí sinh hoạt (thực phẩm, dịch vụ ăn uống, giải trí, du lịch, vận chuyển…), y tế (chi phí khám chữa bệnh), giáo dục (học phí, du học), thậm chí một vài khoản chi phí như ma chay, cưới hỏi cũng có thể được các tổ chức tín dụng đáp ứng bằng các khoản cho vay tiêu dùng ứng trước. TDTD một mặt giúp đáp ứng nhu cầu chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế phát triển và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. TDTD có thể được các tổ chức tín dụng cung cấp cho khách hàng bằng hình thức các khoản cho vay tiêu dùng hoàn trả một lần hay trả theo kỳ hạn; phát hành và sử dụng thẻ tín dụng ghi nợ cho khách hàng cá nhân, thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán hay thấu chi thẻ ghi nợ, cho vay tiêu dùng bảo đảm bằng tài khoản tiền gửi hoặc các giấy tờ đảm bảo. Thông thường các khoản vay TDTD có thời hạn ngắn hạn tối đa 1 năm hay trung, dài hạn trên 1 năm.
Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Nhiều năm trước, khi có nhu cầu vay vốn, người dân thường tìm đến ngân hàng để vay thế chấp, nghĩa là để vay được tiền, khách hàng phải có tài sản đảm bảo. Do vậy, đối với các khoản vay nhỏ, khoảng 10 triệu đồng trở xuống, khách hàng ít đến ngân hàng vì tâm lý “ngại” thủ tục và thời gian xử lý lâu trong khi nhu cầu vốn cấp bách nên một số người đã tìm đến các khoản vay tín dụng đen với lãi suất cao đi kèm nhiều nguy cơ rủi ro. Sự xuất hiện của TDTD như một giải pháp cứu cánh đối với người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định, có nhu cầu vay với giá trị nhỏ, thời gian ngắn. Đặc biệt nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhu cầu tiếp cận vốn TDTD, phục vụ đời sống của người dân tăng cao. Tích lũy được 10 triệu đồng, chị Nguyễn Huyền Trang (thành phố Nam Định) đang tính vay thêm hơn 20 triệu đồng nữa để đổi chiếc xe máy đi làm. Mỗi tháng trả cả gốc và lãi khoảng 2 triệu đồng, sau 1 năm chị sẽ trả nợ hết. Với thủ tục nhanh gọn, không yêu cầu tài sản thế chấp, cho vay tiêu dùng đang được nhiều người lựa chọn. “Tích lũy để mua được xe giá 30 triệu đồng rất lâu. Mua trả góp vừa có phương tiện tốt đi lại, vừa kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nên tôi thấy hợp lý”, chị Trang chia sẻ. Với thủ tục nhanh gọn, không yêu cầu tài sản thế chấp, cho vay tiêu dùng đang được nhiều người lựa chọn. Những cửa hàng, siêu thị điện máy thường kết hợp với công ty tài chính, cho vay trả góp, nên bình quân khoảng 50-60 người vay mỗi tháng. Ngoài ra, các ngân hàng, tổ chức tài chính còn đẩy mạnh chuyển đổi số hoá; mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay đảm bảo ngày càng nhanh, gọn. Trong năm 2021, các đơn vị: Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trên địa bàn tỉnh đều triển khai nhiều gói cho vay tiêu dùng tín chấp giá trị từ vài triệu đồng đến cả trăm triệu đồng, thực hiện trực tuyến từ khâu đăng ký vay cho đến phê duyệt và giải ngân, giúp khách hàng thuận lợi hơn trong giao dịch, không phải trực tiếp đến ngân hàng. Cùng với đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh triển khai các gói vay TDTD với lãi suất ưu đãi cùng khuyến mãi để thu hút người dân tiếp cận với TDTD chính thống.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường TDTD trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, số lượng khách hàng còn ít. Do ảnh hưởng do dịch COVID-19 khiến thu nhập của người dân sụt giảm ảnh hưởng lớn đến khả năng trả nợ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nợ xấu tăng cao. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn khi thực hiện giải ngân do vướng mắc về nhu cầu, mục đích vốn mua, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng còn bị hạn chế; quy định về tổng dư nợ và tỉ lệ tối đa cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng chưa phù hợp với nhu cầu người vay (đối tượng ở khu vực nông thôn, yếu thế, mức vay ít, phục vụ tiêu dùng thiết yếu là chủ yếu); quy định về điểm giới thiệu dịch vụ (địa điểm, hợp đồng,...) làm hạn chế kênh tiếp cận, cung ứng sản phẩm, dịch vụ khách hàng. Hoạt động truyền thông phổ biến về kiến thức tài chính, TDTD còn chưa được mạnh mẽ khiến người dân còn “ngại ngần” khi tiếp cận tìm hiểu các gói vay TDTD.
Để đẩy mạnh phát triển TDTD hơn nữa nhằm đẩy lùi tín dụng phi chính thức, đặc biệt là ‘tín dụng đen”; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát, quản lý để hạn chế rủi ro, nợ xấu tăng nhanh trong lĩnh vực TDTD khi nền kinh tế có nhiều khó khăn do dịch bệnh. Tạo điều kiện cho các công ty tài chính tín dụng quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh. Các tổ chức tín dụng cần xác định phát triển TDTD vừa là cơ hội kinh doanh vừa là thách thức, cơ hội để các tổ chức tín dụng xây dựng hình ảnh thân thiện và gần gũi với mọi nhà và mọi người. Từ đó, xây dựng chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường sau dịch bệnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng tập trung đẩy mạnh truyền thông hoạt động cho vay tiêu dùng chính thống tới khách hàng, người dân, người lao động để nâng cao nhận thức và hiểu rõ về các dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính hợp pháp. Đồng thời cần có chế tài mạnh mẽ đối với hoạt động “tín dụng đen”. Từ đó hướng người dân đến các sản phẩm dịch vụ tín dụng hợp pháp, lành mạnh, góp phần ổn định đời sống xã hội và an toàn cho người dân./.
Bài và ảnh: Đức Toàn