Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó, ngành Du lịch tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hầu hết các hoạt động dịch vụ du lịch của tỉnh đều ngưng hoạt động, các khu, điểm du lịch trên địa bàn đã tạm dừng đón khách du lịch từ tháng 5-2021 để tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Để ứng phó với dịch bệnh, nhiều biện pháp đồng bộ đã được ngành Du lịch tỉnh triển khai, đẩy mạnh, từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới; trong đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch là một trong những giải pháp quan trọng để phục hồi kinh tế du lịch của tỉnh sau thời gian dài “ngủ đông”.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách du lịch văn hóa tâm linh về di tích Chùa Tháp (thành phố Nam Định) sụt giảm hẳn. |
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, ngành Du lịch tỉnh đã nỗ lực vượt khó, vừa tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch, vừa đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Với mục tiêu xây dựng, phát triển thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc thù, quảng bá sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của du khách, ngành Du lịch tỉnh đã tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới bạn bè trong nước và quốc tế để tạo sức hấp dẫn đối với du khách và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế du lịch. Năm 2021, ngành Du lịch tỉnh đã phối hợp với Truyền hình Nhân dân thực hiện phóng sự quảng bá, giới thiệu điểm đến hấp dẫn của quê hương Nam Định. Qua những góc quay ấn tượng, hình ảnh các điểm, khu du lịch Nam Định đã hiện lên với những nét độc đáo riêng từ di sản Cầu Ngói - Chùa Lương, Bảo tàng Đồng quê đến các làng nghề truyền thống… Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch qua các ấn phẩm, tập san cũng được ngành Du lịch tỉnh quan tâm. Thông qua việc tập hợp, biên tập trong cuốn cẩm nang “Văn hóa - Du lịch Nam Định”, tập bản đồ “Du lịch Nam Định” với những thông tin, hình ảnh về các điểm đến du lịch: di tích, danh thắng, lễ hội, làng nghề, đặc sản ẩm thực, các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch… đã phản ánh nét đẹp về con người, bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Nam Định. Năm 2021, ngành Du lịch tỉnh đã tham gia gian hàng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trưng bày sản phẩm, hình ảnh giới thiệu về du lịch Nam Định, tạo ấn tượng cho du khách tham quan. Cũng trong năm, ngành triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2021 tại Hoa Lư (Ninh Bình); xây dựng kế hoạch tham gia Triển lãm “Di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và sản phẩm thủ công truyền thống” tại Ninh Bình; phối hợp với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của ẩm thực quê hương thông qua cuộc thi sáng tác ảnh và bài viết về ẩm thực Nam Định.
Theo báo cáo cuối năm 2021 của Tổ chức Du lịch thế giới (Liên hợp quốc), hy vọng du lịch toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2022 mặc dù lĩnh vực này có thể sẽ không đạt được mức tăng trưởng như trước đại dịch cho đến năm 2023, năm 2024. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, xu hướng du lịch ở tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung, tuy mục đích của đa số thị trường khách vẫn là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, song nhiều nhu cầu mới sẽ hình thành. Du khách ngày càng quan tâm tới nhu cầu trải nghiệm hướng tới giá trị văn hóa truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản của mỗi địa phương, vùng miền), giá trị tự nhiên, giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Do vậy, việc phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng vừa là xu hướng, vừa là đòi hỏi tất yếu đối với ngành Du lịch tỉnh để phát triển bền vững. Ngành Du lịch tỉnh đang xây dựng chương trình khai thác các điểm tham quan hệ thống nhà thờ Thiên chúa giáo kết hợp với du lịch, du khảo đồng quê, làng nghề, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm cộng đồng ở các huyện phía nam của tỉnh: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh đến phương thức quản lý và kinh doanh du lịch, hình thành các xu hướng du lịch mới như: du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, chú trọng đến lợi ích của du khách, đảm bảo mức chi phí thấp, an toàn, thuận tiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ và sử dụng các thiết bị hiện đại và thông tin, dữ liệu toàn cầu. Thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh đã bước đầu triển khai hiệu quả Dự án “Du lịch thông minh - gắn QR-Code tại các điểm du lịch”.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp thì khi “mở cửa” du lịch trong điều kiện bình thường mới, du lịch an toàn trở thành yêu cầu bắt buộc trong mọi hoạt động của ngành Du lịch. Các loại phương tiện vận chuyển du khách đến các khu, điểm du lịch phải đảm bảo an toàn theo tiêu chí quy định phòng, chống dịch bệnh. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành kiểm soát chặt chẽ các tour, tuyến du lịch, số lượng du khách trong hành trình tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, xây dựng điểm đến an toàn cho du khách. Để hoạt động du lịch phục hồi hiệu quả sau dịch COVID-19 và thích ứng trong tình hình mới, Bộ VH, TT và DL đã ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL ngày 7-9-2021 với các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch cả nước. Kế hoạch triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch lữ hành của ngành Du lịch tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu: Chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực du lịch; kêu gọi các doanh nghiệp, cộng đồng chung tay xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, thu hút du khách. Tăng cường truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch; tập trung vào các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn du khách; từ đó xây dựng thương hiệu du lịch Nam Định trên bản đồ du lịch vùng nam đồng bằng sông Hồng nói riêng, cả nước nói chung. Ngoài việc tiếp tục hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch theo các chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”, ngành Du lịch tỉnh tiếp tục đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý các hoạt động du lịch; triển khai xây dựng các chương trình trực tuyến, khai thác sử dụng hiệu quả hệ thống du lịch thông minh, đưa sản phẩm du lịch lên nền tảng số. Đẩy mạnh số hóa các điểm đến, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thực tế ảo nhằm giới thiệu, đưa sản phẩm du lịch đến với du khách. Phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh, sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch (các công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí…) trong triển khai các hoạt động xúc tiến phát triển du lịch.
Với định hướng chiến lược tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch rõ ràng, quyết liệt cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và người dân, tỉnh ta hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế trong bối cảnh “mở cửa” du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng