Khắc phục khó khăn khi đưa nông sản lên các sàn giao dịch thương mại điện tử

08:03, 21/03/2022

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc quảng bá, mở rộng thị trường, đặc biệt là các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương. Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương bằng kênh TMĐT, các ngành chức năng, doanh nghiệp viễn thông của tỉnh đã phối hợp đưa thử nghiệm trên 100 doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại PostMart.vn (Bưu điện Việt Nam) và Voso.vn (Tập đoàn Viễn thông Viettel). Qua 5 tháng triển khai bên cạnh kết quả đáng ghi nhận vẫn còn những bất cập cần tháo gỡ để nông sản đứng vững trên sàn giao dịch TMĐT. 

Sản phẩm bánh đa của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (Xuân Trường) được chào bán hiệu quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Sản phẩm bánh đa của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (Xuân Trường) được chào bán hiệu quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Theo nhận định của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) hiện nay, TMĐT đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 25%. Trên địa bàn tỉnh ta, theo ước tính của các ngành chức năng, tốc độ tăng trưởng TMĐT trong năm 2021 đạt khoảng 35% với sự tham gia các sàn giao dịch TMĐT lớn Shopee, Lazada, Sendo, sàn thương mại điện tử Nam Định, PostMart.vn, Voso.vn. Đồng thời đa dạng hóa các kênh bán hàng qua các giao diện mạng xã hội như Facebook, zalo và website như: ocopnamdinh.gov.vn; ocopvietnam.gov.vn… Đây được coi là giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm đến rộng rãi và gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đặc biệt sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT), các doanh nghiệp viễn thông đưa nông sản của tỉnh lên 2 sàn giao dịch TMĐT là PostMart.vn, Voso.vn đã mang lại hiệu quả cao. Hiện tại đã có hơn 400 sản phẩm của trên 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giới thiệu, kinh doanh trên 2 sàn giao dịch này. Trong đó, có rất nhiều cơ sở khai thác hiệu quả việc kinh doanh trên sàn TMĐT. Trong đó sản phẩm truyền thống của tỉnh như gạo tẻ, gạo đặc sản tám xoan, nếp hương của các đơn vị uy tín như HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Toàn (Hải Hậu); HTX dịch vụ nông nghiệp Bốn Thuận (Vụ Bản); nước mắm truyền thống Lâm Bão, Ninh Cơ (Hải Hậu); Ninh Cường (Trực Ninh); muối thảo dược, muối biển nhạt Roya của Công ty TNHH Thương mại Muối sạch Nam Định; dây thìa canh, cà gai leo, đông trùng hạ thảo; miến gạo, miến dong, bánh nhãn (Hải Hậu); kẹo sừu châu (thành phố Nam Định)… Đại diện Công ty CP Đầu tư Hải Âu Việt, xã Hải Cường (Hải Hậu) cho biết: là đơn vị cung ứng sản phẩm gạo đặc sản, thời gian vừa qua, đơn vị đã kết nối với Bưu điện Nam Định, đưa sản phẩm cung ứng tại TMĐT là PostMart.vn. Thật bất ngờ chỉ trong vòng 1 tháng giới thiệu sản phẩm, sản lượng gạo bán lẻ thị trường nội tỉnh đạt 11 tấn. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư  hoàn thiện chứng nhận tiêu chuẩn và đưa nhiều nông sản khác nữa trên sàn TMĐT. 

Bên cạnh những thuận lợi thì không ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh gặp khó khăn khi khai thác kênh bán hàng hiện đại này. Trong đó chủ yếu là nhóm hàng thủy sản tươi sống, thực phẩm đông lạnh và rau củ tươi. Khó khăn rõ nhất là quá trình vận chuyển, bảo quản nông sản tươi, hay đã chế biến bảo quản lạnh đến tay người tiêu dùng nông sản… không thể vận chuyển qua đường bưu chính của 2 đơn vị chủ sàn giao dịch. Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát (thành phố Nam Định) chuyên kinh doanh sản phẩm từ thịt lợn chế biến sẵn như giò, chả, xúc xich, thịt nguội… Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ sản phẩm không những gặp nhiều khó khăn mà còn khiến doanh nghiệp phải chi trả rất nhiều tiền bảo quản, vận chuyển sản phẩm. Có thêm kênh tiêu thụ qua sàn TMĐT sẽ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho công ty, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thương lái. Tuy nhiên sản phẩm của công ty là hàng công nghệ thực phẩm đã qua chế biến cần quy trình bảo quản nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Hiện đơn vị đang lúng túng tìm giải pháp cho việc đảm bảo nguyên vẹn chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Một khó khăn nữa là các cơ sở kinh doanh, chế biến nông sản theo quy mô hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế cả về quy mô sản xuất và kinh nghiệm quản trị hiện đại như kỹ năng marketing, đặc biệt là marketing online, nên cách đăng tin giới thiệu sản phẩm chưa gây được ấn tượng với khách hàng; lúng túng trong cách tư vấn, chốt đơn hàng. Sau nhiều tháng được các ngành chức năng và 2 đơn vị chủ quản sàn TMĐT PostMart.vn, Voso.vn hỗ trợ nhưng nhiều hộ sản xuất tinh bột nghệ, bột sắn dây, tương ớt, nước mắm truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn tỉnh hay như sản phẩm bánh gai Bà Thi, bánh xíu páo…  vẫn không phát sinh đơn hàng mặc dù kênh tiêu thụ truyền thống lại bán hàng rất tốt. Ngoài việc tạo thành công gian hàng, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần phải được tập huấn kỹ năng bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh doanh nghiệp, cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm…

Nhận diện những khó khăn này của các cơ sở kinh doanh khi tham gia sàn giao dịch TMĐT, các Sở TT và TT, Công Thương, NN và PTNT đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và đại diện các sàn TMĐT trực tiếp hướng dẫn các hộ sản xuất những quy định về hàng hóa theo cam kết, bảo đảm nông sản an toàn, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất cũng được hỗ trợ hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn TMĐT… Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại và hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh như: Thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giá giống và phân bón… để chủ động phương án kinh doanh. Sở TT và TT cũng phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông cung cấp các giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh quản lý tập trung và bán hàng đa kênh để có thể đảm bảo tính thống nhất, liên tục và đồng bộ của cả hệ thống trong cách quản lý các kênh, chi nhánh và sản phẩm của mình. Để khắc phục tình trạng không thể kết nối đến đúng đối tượng khách hàng do sản phẩm bị lẫn vào các sản phẩm khác, các sàn TMĐT có đại diện tại địa phương như PostMart.vn, Voso.vn trực tiếp phối hợp chặt chẽ với địa phương để lựa chọn, đưa các nông sản đặc trưng, chất lượng cao lên sàn giao dịch điện tử và có chương trình quảng bá, giới thiệu riêng cho từng loại nông sản. Riêng đối với những nông sản đặc thù có thời gian bảo quản ngắn và vận chuyển có điều kiện, các ngành chức năng khuyến khích cơ sở sản xuất tập trung đơn hàng quy mô lớn để đơn vị vận chuyển phân bổ xe chuyên dụng và đề xuất với sàn giao dịch áp dụng phương án khai thác tính năng quảng cáo để khách hàng biết đến sản phẩm và linh hoạt trong khâu vận chuyển, không phụ thuộc vào nhân viên chuyển phát của sàn giao dịch TMĐT. Về phía các hộ sản xuất, kinh doanh cần tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao kỹ năng bán hàng, tương tác trên môi trường điện tử để khai thác hiệu quả kênh bán hàng hiện đại này./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com