Khắc phục hạn chế trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa

08:03, 29/03/2022

Thời gian qua, hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (CLSPHH) được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn những sai sót do hàng hóa không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, uy tín quốc gia, cũng như của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. 

Lực lượng liên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Quản lý thị trường kiểm tra chất lượng phân bón lưu thông trên thị trường.
Lực lượng liên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Quản lý thị trường kiểm tra chất lượng phân bón lưu thông trên thị trường.

Năm 2021, với chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan quản lý Nhà nước về CLSPHH bám sát quy định của pháp luật có liên quan và tình hình thực tiễn của địa phương đã làm tốt công tác xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CLSPHH trên địa bàn, tạo điều kiện cho việc thực thi kiểm soát trong thực tế. Trong đó, các sở, ngành, địa phương đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành 19 văn bản về quản lý CLSPHH, đặc biệt chú trọng vào các nhóm hàng hóa là sản phẩm thiết yếu, sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định của pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến pháp luật; xây dựng chuyên mục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; cấp phát tờ rơi; kẽ vẽ pa nô, khẩu hiệu… Cùng với công tác tuyên truyền, các ngành chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 6.223 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa trên địa bàn, phát hiện, xử lý vi phạm 683 lượt cơ sở (chiếm 11% cơ sở được kiểm tra) vi phạm các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng, nhãn mác hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm… Các lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo và phạt tiền trị giá 1.867 tỷ đồng, tạm giữ, tiêu hủy nhiều loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Trong đó Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức 3 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ, đo lường và  6 cuộc kiểm tra tại 41 cơ sở thuộc các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, vàng, trang sức mỹ nghệ, thiết bị điện, điện tử và kiểm tra, hiệu chuẩn các thiết bị đo… Qua đó đã phát hiện nhiều phương tiện đo chưa đạt quy chuẩn Việt Nam; 4 cơ sở kinh doanh xăng dầu không đảm bảo chất lượng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 128 đợt thanh tra, kiểm tra tại 1.387 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản;  kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống cây trồng… phát hiện 56 cơ sở vi phạm, phạt hành chính 317,6 triệu đồng. Cùng với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương cũng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ quản lý CLSPHH theo chức năng nhiệm vụ được giao. Trong đó, các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy là những địa phương tiêu biểu làm tốt việc quản lý CLSPHH ở cả khâu tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra thực tế chất lượng hàng hóa sản xuất, lưu thông trên địa bàn. Các địa phương này đã tập trung cao độ vào nhiệm vụ kiểm tra CLSPHH, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất và hàng hóa có ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn của người dân như: dược phẩm; nông, lâm, hải sản; ATVSTP; mũ bảo hiểm; xăng dầu; hóa chất; rượu, bia; vật tư nông nghiệp… Qua đó đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn nhiều hành vi gian lận về chất lượng, đo lường, ghi nhãn hàng hóa; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong tỉnh. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý CLSPHH hiện nay gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các đơn vị. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có lúc còn hạn chế. Một số doanh nghiệp chưa tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, kiểm tra xử lý đối với hàng hóa là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp; người dân chưa tích cực trong việc tố giác vi phạm với các cơ quan chức năng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực còn bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn. Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước chưa được sâu rộng. Một số doanh nghiệp chưa nắm bắt được các quy định của Nhà nước về CLSPHH đối với sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh nên có biểu hiện không hợp tác, gây khó khăn, cản trở lực lượng chức năng tác nghiệp. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rau, củ, quả vẫn còn tồn dư kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật; các sản phẩm rượu nấu, rượu ngoại chưa được kiểm soát chất lượng triệt để. Năng lực của các phòng thử nghiệm chưa đáp ứng nhu cầu thử nghiệm CLSPHH; thiếu các thiết bị kiểm tra nhanh, đặc biệt là các nhóm sản phẩm như mỹ phẩm, thủy hải sản… Kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, số mẫu lấy thử nghiệm chất lượng còn ít nên chưa đánh giá được một cách khách quan toàn diện về tình hình CLSPHH trong các khâu sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong công tác kiểm tra CLSPHH trong sản xuất, lưu thông, nhập khẩu; hoạt động tập huấn nghiệp vụ về quản lý CLSPHH, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra cho cán bộ quản lý chất lượng tại địa phương cũng như việc tổ chức đánh giá sự phù hợp của SPHH đối với tiêu chuẩn Việt Nam còn hạn chế so với yêu cầu. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương chưa được chặt chẽ, trong khi các địa phương thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu nghiệp vụ và địa bàn rộng, đa lĩnh vực nên rất khó kiểm soát CLSPHH.

Để khắc phục những khó khăn, thách thức trên, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động thanh, kiểm tra CLSPHH và thông tin cảnh báo đối với hàng hóa vi phạm quy chuẩn để người tiêu dùng cảnh giác khi mua bán, sử dụng. Tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý CLSPHH. Đầu tư tăng năng lực cho các phòng thử nghiệm để đánh giá sự phù hợp cho một số loại sản phẩm hàng hóa phục vụ công tác kiểm tra, giám định chất lượng hàng hóa từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Thực hiện tốt công tác trao đổi, phối hợp, chia sẻ thông tin trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng giữa cơ quan chuyên môn trong từng lĩnh vực với lực lượng chuyên trách như Quản lý thị trường, Hải quan, Công an... Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho công tác quản lý CLSPHH. Tiếp tục kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành chức năng xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế kiểm soát chất lượng từ xa đối với hàng hóa nhập khẩu./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com