Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam năm 2022, với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”, Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền kiểm tra chất lượng hàng hóa; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nhằm động viên khuyến khích các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và NTD trên địa bàn tỉnh tham gia, từng bước đưa Ngày Quyền của NTD thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống - xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi NTD.
Cán bộ Sở Công Thương kiểm tra cây xăng tại huyện Nam Trực trước thời điểm xăng dầu tăng giá. |
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đời sống thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn; giá nhiên liệu xăng dầu tăng kỷ lục khiến thị trường đã và đang hình thành mặt bằng giá mới tăng cao. Theo quy luật thị trường, thời điểm này dễ phát sinh nhiều hình thức gian lận thương mại trục lợi NTD, vì vậy Sở Công Thương đã gia tăng các chương trình, giải pháp để bảo vệ quyền lợi NTD. Trong đó tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ cơ bản là: Tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; tư vấn, hỗ trợ, giải quyết khiếu nại của NTD; kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực bảo vệ NTD; hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cán bộ thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi NTD ở địa phương; phát triển mạng lưới Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương phối hợp tuyên truyền, xây dựng các phóng sự, tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu và tuyên truyền về Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2022 tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu vực tập trung đông người; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam vào các chương trình hoạt động của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện và xử lý các hành vi gian lận thương mại, vi phạm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, giá, đo lường chất lượng, an toàn thực phẩm. Ngay trong những ngày cuối tháng 2-2022, khi giá xăng dầu tăng kỷ lục, ở một số địa phương trên cả nước có hiện tượng khan hiếm nguồn cung, găm hàng; Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường Nam Định đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, nắm bắt tình hình dự trữ, cung ứng xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn tỉnh như: Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh, Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Nam Định, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh đúng vào thời điểm thị trường xăng dầu “nhạy cảm” nhất đã giúp Sở Công Thương kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về chất lượng, số lượng, niêm yết giá và thời gian bán hàng…, góp phần giữ ổn định hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Song song với công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng đã hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các quy trình, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến như: VietGAP, GMP, HACCP (đối với nông sản thực phẩm); ISO 9000, 5S, TPM, Lean, KPI, Lean Six Sigma, Kaizen (đối với sản phẩm dệt may)… Ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm, ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn hỗ trợ phát triển sản xuất theo liên kết chuỗi, áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật giúp 109 sản phẩm được đánh giá đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên, đưa tổng số sản phẩm OCOP của toàn tỉnh lên 251 sản phẩm. Phối hợp với các tập đoàn viễn thông đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử để người sản xuất và người dân mua bán thuận tiện trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Sự hỗ trợ tích cực, đồng bộ của các cơ quan chức năng đã giúp các cơ sở, doanh nghiệp không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý bán hàng, chống hàng nhái hàng giả, gian lận thương mại cho các sản phẩm; NTD hình thành thói quen, kỹ năng tiêu dùng an toàn, phù hợp với tình trạng bình thường mới.
Về phía các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng tích cực chấp hành nghiêm các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Trong đó, đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; chú trọng xây dựng hình ảnh doanh nghiệp; thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD, tổ chức sản xuất, kinh doanh lành mạnh; xử lý nhanh những yêu cầu, khiếu nại của NTD về chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như chính sách chăm sóc khách hàng, hậu mãi... Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của NTD; công khai đường dây nóng, địa chỉ email chăm sóc khách hàng trên website của doanh nghiệp và của Chương trình Bảo vệ quyền lợi NTD Trung ương (Bộ Công Thương), Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ KH và CN)…
Quan tâm công tác bảo vệ quyền lợi NTD không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định. Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh như: Ban Chỉ đạo chống gian lận thương mại, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Công khai danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD. Phổ biến rộng rãi số điện thoại tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD trên toàn quốc 1800-6838; đường dây nóng Hội Bảo vệ NTD tỉnh. Hỗ trợ Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh cũng như các tổ chức xã hội khác trong tỉnh tham gia tích cực hơn nữa vào công tác bảo vệ quyền lợi NTD./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương