Ngày Nước Thế giới (22-3) là một sự kiện quốc tế được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý của người dân trên khắp trái đất thấy được tầm quan trọng của tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt và góp phần tăng cường quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. Năm 2022, Liên hợp quốc chọn chủ đề Ngày Nước Thế giới là “Nước ngầm” nhằm thu hút sự chú ý đến nguồn tài nguyên nước tiềm ẩn luôn được coi trọng nhưng chưa được công nhận đầy đủ giá trị trong hoạch định chính sách phát triển bền vững.
Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) đảm bảo xử lý nước thải công nghiệp trước khi xả ra môi trường, tránh gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. |
Tại tỉnh ta, công tác quản lý, tránh các tác nhân tiêu cực gây ảnh hưởng, bảo vệ chất lượng nước ngầm đến nay đã được triển khai đồng bộ theo quy định và đã đạt kết quả khá tốt. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 124/QĐ-UBND ngày 15-1-2016 phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo cơ sở cho quản lý, thẩm định, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, các dự án hỗ trợ, đầu tư có liên quan đảm bảo khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, trong đó có nguồn tài nguyên nước dưới đất. Năm 2018, đã thực hiện Đề án điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước và khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Ngày 31-12-2019, UBND tỉnh đã phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 3025/QĐ-UBND làm căn cứ để triển khai cấp phép cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân xả nước thải ra ngoài môi trường. Đến nay, tỉnh đã cấp phép, quản lý tích cực 9 đơn vị phát sinh nước thải lớn (từ 1.000 m3/ngày.đêm trở lên) gồm: Công ty Cổ phần TCE Vina Denim (KCN Hoà Xá) sản xuất dệt nhuộm, phát sinh nước thải 4.000 m3/ngày.đêm; Công ty Cổ phần Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam (KCN Bảo Minh) sản xuất dệt nhuộm, phát sinh nước thải 4.686 m3/ngày.đêm, Công ty TNHH Youngone Nam Định sản xuất giặt may, phát sinh nước thải 3.000 m3/ngày.đêm, Nhà máy nhuộm - Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định (KCN Hoà Xá) hoạt động nhuộm, phát sinh nước thải 1.700 m3/ngày.đêm; Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định hoạt động dệt nhuộm phát sinh nước thải 2.000 m3/ngày.đêm, Công ty TNHH Padmac Việt Nam hoạt động giặt may phát sinh nước thải 1.000 m3/ngày.đêm, Công ty TNHH May mặc Junzhen (KCN Bảo Minh) hoạt động dệt nhuộm phát sinh nước thải 1.900m3/ngày.đêm, Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Hoà Xá phát sinh nước thải 4.500 m3/ngày.đêm, Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Bảo Minh phát sinh nước thải 7.500 m3/ngày.đêm. Ngày 19-11-2020 tỉnh phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 2772/QĐ-UBND với 273 điểm, 10 cụm và 10 trạm. Hàng năm tỉnh dành kinh phí khoảng 3 tỷ đồng quan trắc hiện trạng môi trường trên địa bàn, nhờ đó cập nhật sát diễn biến nguồn nước ngầm, các yếu tố tác động đến chất lượng nước ngầm. Năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quan trắc hiện trạng chất lượng thành phần môi trường 6 đợt/năm, trong đó đã quan trắc môi trường nước dưới đất được tại 11 cụm giếng và 3 giếng trong khu dân cư.
Thông qua các biện pháp quản lý, kiểm soát đã phát hiện và kịp thời thực hiện các biện pháp khắc phục các bất cập liên quan đến nguồn nước ngầm. Hết năm 2019, 16/16 bệnh viện (bao gồm 11 bệnh viện đa khoa tuyến huyện và 5 bệnh viện chuyên khoa) đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và ra khỏi danh sách các đơn vị theo Quyết định 1788/QĐ-TTg ngày 1-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 phải xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường. Hiện nay, hầu hết các khu đô thị, khu dân cư mới tại thành phố Nam Định và các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có quy hoạch xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Hệ thống thoát nước của thành phố Nam Định sử dụng chung để thoát nước mưa và nước thải là cống hộp thoát nước hạ tầng cấp I, cấp II, cấp III đã khắc phục được tình trạng ngập úng. Nước thải trên địa bàn các huyện phát sinh phân tán, thải vào các nguồn kênh mương, ao hồ hoặc các hệ thống thu gom nước thải trước khi đi vào các sông; một số khu quy hoạch mới nước thải sinh hoạt được thu gom vào hệ thống cống dẫn trước khi xả thải ra môi trường. Theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường tỉnh năm 2021 của UBND tỉnh cho thấy: Hiện nay, nước dưới đất có sự khác nhau về thành phần khoáng chất giữa các vùng và đã có hiện tượng suy giảm về chất lượng. Khu vực các huyện Hải Hậu, Giao Thủy chất lượng nước dưới đất tương đối tốt; các khu vực còn lại có dấu hiệu bị ô nhiễm nhẹ bởi các thông số Pemanganat, Coliform; nồng độ các thông số có xu hướng biến động nhẹ. Qua nhận diện thực trạng, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương gia tăng các biện pháp quản lý, đảm bảo chất lượng nguồn nước ngầm.
Để hưởng ứng Ngày Nước Thế giới năm nay, tỉnh sẽ tham gia chương trình lễ phát động hưởng ứng chung vào sáng ngày 23-3-2022 tại Tòa nhà điều hành Tổng cục Khí tượng thủy văn (Hà Nội) theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến kết nối với các điểm cầu tại một số cơ quan, đơn vị thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể liên quan căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, bám sát chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tăng cường các hoạt động truyền thông hưởng ứng theo hướng tinh gọn, ý nghĩa, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Trong đó, chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như: xây dựng phóng sự, trailer, video đồ họa tuyên truyền về chủ đề, mục đích, ý nghĩa, thông điệp Ngày Nước thế giới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ 4.0 trong công tác truyền thông trên nền tảng mạng xã hội… nhằm thu hút, lan tỏa rộng rãi ý nghĩa, thông điệp, chủ đề của các sự kiện Ngày Nước thế giới đến từng người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Về lâu dài, tỉnh cũng tăng cường thực thi pháp luật (củng cố bộ máy quản lý, thực thi hệ thống văn bản đã ban hành); tăng cường năng lực điều tra, nghiên cứu, đánh giá nguồn nước. Quan tâm nâng cấp hệ thống quan trắc, giám sát nước ngầm; thực hiện chương trình bảo vệ nước ngầm ở các đô thị; từng bước lập quy hoạch bảo vệ, khai thác sử dụng nguồn nước ngầm, trước hết tại các khu vực có tiềm năng nguồn nước ngầm lớn và đang khai thác tập trung cao. Đẩy mạnh khuyến khích, ưu đãi để thu hút xã hội hoá đầu tư xây dựng hạ tầng và công trình bảo vệ môi trường, nhất là hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, ưu tiên cho các địa phương có nguồn thu ngân sách thấp để giảm hệ lụy tiêu cực cho chất lượng nguồn nước ngầm./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy