Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hải Hậu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn nhằm tạo sự chuyển biến của tổ chức, cá nhân về nề nếp, cách làm việc, phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Trong đó xây dựng hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông là nhiệm vụ trọng tâm đang được các cấp, ngành huyện Hải Hậu tích cực triển khai.
Cán bộ bộ phận một cửa huyện Hải Hậu hướng dẫn công dân quy trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính. |
Nhiều năm liền, Hải Hậu là một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh trong thực hiện cải cách hành chính; nhất là lĩnh vực hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền số. Kết quả đó có được là do huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa; xử lý văn bản trên phần mềm tác nghiệp quản lý văn bản và duy trì hoạt động của trang thông tin điện tử. Đến nay, tỷ lệ văn bản điện tử và tỷ lệ văn bản ký số của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các xã, thị trấn đạt 100%. Cùng với đó, huyện tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ, làm điểm mô hình CĐS trên các lĩnh vực: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trước mắt, huyện đầu tư phát triển hạ tầng số và các hệ thống thông tin cốt lõi bảo đảm tính kết nối, liên thông và đồng bộ của các hệ thống dữ liệu. Theo đó, huyện đầu tư nâng cấp máy vi tính cho 100% cán bộ công chức cấp huyện, xã, thị trấn; trang bị các máy móc thiết bị phụ trợ kết nối dữ liệu và đảm bảo an toàn thông tin. Bổ sung lưu lượng, tăng cường mật độ các trạm thu phát sóng mặt đất 4G và mạng di động 5G; đưa vào khai thác các phần mềm dùng chung, hệ thống thông tin báo cáo cho các cơ quan, đơn vị từ cấp huyện đến cấp xã, thị trấn. Triển khai giải pháp thuê dịch vụ công nghệ đối với hệ thống Quản lý văn bản điều hành, Cổng dịch vụ công và hội nghị truyền hình trực tuyến. Huyện tổ chức đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực quản trị mạng, hệ thống thông tin của các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn. Trên cơ sở hạ tầng CNTT, huyện tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động của các cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Trong đó chú trọng đẩy mạnh ký số, gửi, nhận hồ sơ văn bản điện tử trên trục liên thông văn bản; xây dựng bổ sung chức năng trao đổi dữ liệu liên thông giữa các đơn vị hành chính sự nghiệp, đơn vị cấp xã. Tiếp tục số hóa hồ sơ lưu trữ các ngành, lĩnh vực; xây dựng các ứng dụng cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công trên điện thoại di động, cung cấp trải nghiệm tốt nhất, thân thiện cho người dùng. Nâng cấp trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, duy trì cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 qua cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa liên thông tại cấp huyện, xã. Cải tiến quy trình công việc, chuẩn hóa nghiệp vụ theo tiêu chuẩn ISO để ứng dụng CNTT và quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan hành chính Nhà nước đáp ứng yêu cầu công việc; rút ngắn 40-60% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy. Để tập trung xây dựng chính quyền số, hướng tới đô thị thông minh, huyện đang rà soát, lập danh sách các nền tảng số, ứng dụng có khả năng dùng chung để thực hiện như: Thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường... Bố trí nhân lực có chuyên môn về CNTT để hỗ trợ các cơ quan CĐS. Huyện đầu tư, nâng cấp hệ thống trang thiết bị họp trực tuyến của các cơ quan Nhà nước; nghiên cứu triển khai mô hình phòng họp thông minh hướng đến mục tiêu họp không tập trung và không giấy tờ; xây dựng cổng thông tin điện tử thành phần tại 100% xã, thị trấn. Huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) huyện để theo dõi, điều hành quản lý; triển khai thí điểm mô hình CĐS trên từng lĩnh vực để nhân rộng ra toàn huyện.
Năm 2021, xóm 4 xã Hải Bắc được chọn làm điểm CĐS của huyện và của cả tỉnh. Đến nay xóm 4, xã Hải Bắc đã có cơ sở hạ tầng CNTT tương đối tốt với diện phủ sóng 3G, 4G của các nhà mạng; trên 90% người dân trong độ tuổi sử dụng điện thoại thông minh (theo quy định của ngành TT và TT) có kỹ năng thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng; xóm có trang thông tin điện tử riêng để giới thiệu quảng bá về địa phương; phủ sóng wifi miễn phí khu vực nhà văn hóa xã để người dân tiện sử dụng; đa số doanh nghiệp đã biết ứng dụng CNTT phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đây là nền tảng cơ bản để xóm thực hiện CĐS trong xây dựng NTM. Đồng chí Vũ Viết Hảo, Bí thư Chi bộ xóm 4 cho biết: Chi bộ xóm 4 và người dân trong xóm rất phấn khởi vì đây là cơ hội cho xóm 4 được quan tâm đầu tư và chỉ dẫn triển khai công nghệ mới hy vọng có bước đột phá trong xây dựng NTM thời đại công nghệ 4.0. Cùng với làm điểm ở xóm 4, xã Hải Bắc đã nâng cấp hệ thống mạng LAN, mạng internet và tường lửa bảo đảm an toàn thông tin cho toàn bộ hệ thống thiết bị CNTT; lắp đặt mạng wifi miễn phí tại bộ phận một cửa và camera an ninh giám sát tại trụ sở UBND xã; triển khai hệ thống tổng đài thông minh hành chính công hỗ trợ công dân giải quyết TTHC. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, nhân dân về sử dụng dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần hình thành công dân số.
Với quyết tâm cao, lộ trình CĐS phù hợp, huyện Hải Hậu phấn đấu đến năm 2030 xây dựng thành công nền tảng đô thị thông minh với các mục tiêu cụ thể như: 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; trên 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương