Theo đánh giá của UBND tỉnh, tổ chức bộ máy quản lý môi trường của tỉnh dù đã được kiện toàn nhưng đội ngũ cán bộ còn thiếu nhiều về số lượng, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT), thực tế tại địa phương.
Cán bộ phụ trách môi trường Công ty Cổ phần Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam (KCN Bảo Minh) vận hành trạm xử lý nước thải công nghiệp. |
Cụ thể, cán bộ quản lý về tài nguyên môi trường ở cấp huyện, cấp xã còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; đặc biệt cán bộ cấp xã được phân công kiêm nhiệm nhiều việc (địa chính, xây dựng, môi trường) nhưng chủ yếu tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai. Vẫn còn tình trạng chồng chéo, phân tán chức năng, nhiệm vụ quản lý giữa một số sở, ngành; sự phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành còn gặp khó khăn và hiệu quả còn hạn chế. Một số cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa bố trí cán bộ chuyên trách về môi trường. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, những bất cập của tổ chức bộ máy quản lý cùng ý thức, trách nhiệm chấp hành Luật BVMT của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ BVMT của tỉnh chưa đảm bảo yêu cầu. Công tác BVMT làng nghề, trong các cụm công nghiệp còn hạn chế; công tác xử lý môi trường nông thôn chưa đảm bảo, chưa có khu xử lý rác tập trung quy mô cấp huyện; ô nhiễm môi trường cục bộ vẫn còn xảy ra. Thực trạng này buộc tỉnh phải gia tăng các biện pháp hướng đến mục tiêu hoàn thiện hệ thống tổ chức, gia tăng trách nhiệm quản lý môi trường của các cấp chính quyền.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực bộ máy quản lý về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT các cấp, nhất là cấp cơ sở. Kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường, tăng số lượng cán bộ quản lý về BVMT ở các cấp; xử lý dứt điểm tình trạng chồng chéo, vướng mắc, phân tán trong phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước, tập trung đầu mối quản lý Nhà nước về BVMT. Đối với cán bộ cấp xã nên bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn về môi trường, không để cán bộ cấp xã kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ như hiện nay; bố trí cán bộ chuyên trách quản lý môi trường làng nghề tại các xã, thị trấn có làng nghề. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ về quản lý BVMT cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên môn các cấp. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương phải bám sát Luật BVMT 2020 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 để nắm vững và thực thi đầy đủ, hiệu quả trách nhiệm quản lý về BVMT theo quyền hạn, chức năng của mình. Trong đó, các cấp chính quyền cần lưu ý, Luật BVMT 2020 lần đầu tiên có chế định về thẩm quyền quản lý Nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện nhằm bảo đảm được tính hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo nhiều cơ quan cùng quản lý. Luật đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong giấy phép môi trường nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; đồng thời, giảm mạnh số lượng thủ tục hành chính phải thực hiện cho doanh nghiệp. Song song với chế định này, Luật cũng đã bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền tham gia, phản biện và đồng thuận của cơ quan quản lý công trình thủy lợi ngay từ giai đoạn đánh giá tác động môi trường cho đến khi cấp giấy phép môi trường đối với cơ sở xả nước thải vào công trình thủy lợi nhằm tăng cường công tác phối hợp của các cơ quan. Luật BVMT 2020 phân cấp triệt để trách nhiệm quản lý cho địa phương thông qua chế định giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (quy định trước đó phân cấp các bộ, ngành đều có thể thẩm định báo cáo tác động môi trường); đồng thời, quy định các bộ liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả. Quy định này bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương như hệ thống pháp luật hiện hành. Luật BVMT 2020 cũng quy định cụ thể trách nhiệm quản lý Nhà nước về BVMT của UBND các cấp. Trong đó, UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, bao gồm cả nhiệm vụ phải: Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch BVMT theo ủy quyền; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT của hộ gia đình, cá nhân; phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về BVMT hoặc báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT cấp trên trực tiếp; hòa giải tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật về hòa giải; chủ trì, phối hợp với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tổ chức công khai thông tin về BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với cộng đồng dân cư; chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.
Để thực thi hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước theo Luật BVMT năm 2020, tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để cụ thể hóa các quy định liên quan của Luật gắn với xây dựng, thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình hoạt động phát triển kinh tế của ngành, địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách để đẩy mạnh, khuyến khích, ưu đãi xã hội hóa trong đầu tư các công trình xử lý chất thải, nhất là các khu xử lý chất thải rắn quy mô vùng liên huyện, liên tỉnh, hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung trong các cụm công nghiệp, làng nghề. Tăng cường đầu tư nguồn lực, kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường, nâng cao nhận thức, ý thức BVMT của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật đối với các đối tượng chịu tác động để đảm bảo các chính sách được thực thi hiệu quả, đảm bảo tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm trong công tác BVMT. Đây là những biện pháp quan trọng để các cấp chính quyền nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về BVMT./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy