Thị trường hàng hóa ổn định sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần

08:02, 07/02/2022

Nhờ chủ động chuẩn bị nguồn hàng bảo đảm cung cầu ngay từ những tháng trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nên thị trường hàng hóa trong và sau Tết trên địa bàn tỉnh khá ổn định. Ngoài một số nhóm hàng như rau xanh, hoa tươi, thịt lợn, bia, nước ngọt có tăng giá do nhu cầu mua ngày sát Tết tăng đột biến thì những mặt hàng thiết yếu khác phục vụ tiêu dùng dịp Tết đều ổn định, thị trường hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ. Việc tiêu dùng của người dân cho thấy rõ sự tiết kiệm trong mua sắm để ổn định tài chính, chi tiêu sau Tết, đón xuân an toàn, tiết kiệm. 

Người dân tham quan khu trưng bày sản phẩm Nhị độ mai và Gốm phù điêu do Trung tâm Khuyến công khu vực I (Bộ Công Thương) tổ chức.
Người dân tham quan khu trưng bày sản phẩm Nhị độ mai và Gốm phù điêu do Trung tâm Khuyến công khu vực I (Bộ Công Thương) tổ chức.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, năm nay do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người dân xa quê không về quê đón Tết cùng gia đình nên nhu cầu mua sắm hạn chế hơn các năm trước. Tuy nhiên đây vẫn là thời điểm mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm. Sức tiêu thụ hàng hóa trong dịp Tết tại hầu hết các chợ dân sinh, cơ sở kinh doanh tăng 10-15%, còn tại hệ thống các siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi sức mua trong tháng này tăng 20-25% so với trước đó. Để đảm bảo an toàn mua sắm trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các chợ dân sinh, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều triển khai áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như: thực hiện nghiêm theo quy định 5K, lắp tấm chắn tránh tiếp xúc trực tiếp, bán hàng online, vận chuyển hàng hóa tận nhà... Hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi đồng loạt áp dụng các chương trình khuyến mãi, cam kết không tăng giá bán Tết để tạo điều kiện và hỗ trợ giá cho người tiêu dùng. Giá các mặt hàng tại siêu thị ổn định do hệ thống các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung dồi dào đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân. Đến mồng 3, mồng 4 Tết, các siêu thị, trung tâm thương mại mở cửa đón khách với hàng hóa thực phẩm phong phú, đa dạng như thịt đà điểu, thịt dê, cừu, cá sấu, mực, cá ngừ đại dương, cá hồi Nhật Bản, cá kèo, cá thác lác (miền Nam), thịt lợn Mường, thịt trâu, bò gác bếp, lạp xưởng, rượu cần (của người dân các dân tộc miền núi phía Bắc)... Hàng hóa đều có chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ rõ ràng; giá bán các mặt hàng tại siêu thị ổn định so với thời điểm trước Tết âm lịch và chợ truyền thống nên thu hút được rất nhiều người dân mua sắm. Đặc biệt, năm nay thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, từ ngày 1-2-2022, hầu hết các siêu thị trên địa bàn đã áp dụng chương trình giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng tiêu dùng và dịch vụ. Tại các chợ dân sinh và cửa hàng truyền thống, giá bán hầu hết các mặt hàng tăng so với thời điểm trước ngày Tết ông Công (23-12 âm lịch) do nhu cầu mua sắm của người dân tăng. Trong đó giá các mặt hàng rau xanh, hoa tươi, củ, quả tăng cao do thời tiết chuyển mưa, rét đậm khiến nhiều loại rau ăn lá bị dập, hỏng, úng ngập, phát triển chậm, sản lượng rau giảm mạnh. Các mặt hàng như súp lơ, rau cần giá tăng gấp đôi, các loại rau như su hào, bắp cải, rau gia vị tăng cao; các sản phẩm thịt lợn, thịt bò, gà lễ 10-20 nghìn đồng/kg so với ngày thường. Giá bia và nước ngọt các loại… tăng từ 10% do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh. Tuy nhiên mức tăng trung bình các nhóm hàng hóa vẫn nằm trong ngưỡng cho phép dự tính của ngành chức năng nên đảm bảo cân đối thị trường. Dự báo sau ngày 10 tháng Giêng giá cả sẽ ổn định trở lại. Bà Trần Thị Nga, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) cho biết: “Hàng hóa, thực phẩm tại các chợ chỉ sau vài ngày Tết đã phong phú, đa dạng; giá cả có tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức chấp nhận được”. Điểm xuyết thêm cho thị trường những ngày áp Tết và sau Tết Nguyên đán là Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại khu vực I (Bộ Công Thương) đã mở gian hàng trưng bày sản phẩm Nhị độ mai và gốm phù điêu do các nghệ nhân của nhiều tỉnh, thành trong khu vực chế tác, góp phần tạo thêm không gian mua sắm tinh tế cho người dân Thành Nam. Năm nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tạm dừng tổ chức các hoạt động lễ hội Xuân để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, phiên chợ Viềng Xuân truyền thống ở các huyện Vụ Bản, Nam Trực tạm ngừng tổ chức tập trung; chỉ có các hộ dân sinh sống quanh khu vực chợ vẫn mở sạp hàng bán thịt bò thui truyền thống và các loại sản phẩm nông nghiệp để lấy may.

Để đảm bảo thị trường ổn định, hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và hàng hóa lưu thông thông suốt, từ trước Tết các ngành chức năng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp, kế hoạch cân đối cung cầu, bình ổn thị trường Tết. Trong đó, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố Nam Định tiến hành khảo sát, dự tính nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, chuẩn bị phương án lập chợ, điểm cung ứng hàng hóa dã chiến phục vụ người dân mua sắm dịp Tết Nguyên đán trong điều kiện dịch bệnh bùng phát. Đồng thời căn cứ tình hình sản xuất, kinh doanh, diễn biến thị trường, sức mua của 11 tháng cùng với kinh nghiệm phục vụ nhân dân trong các Tết trước, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hoá tăng từ 20-30% so với các tháng trong năm để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tồn kho sau Tết. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đưa ra thị trường phục vụ Tết lượng hàng hóa trị giá khoảng 1.500 tỷ đồng; trong đó tập trung dự trữ một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Song song với việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tập trung lực lượng tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn, hàng cấm… Trong đó, chú trọng kiểm soát theo nhóm hàng, ngăn chặn không cho lưu thông các loại pháo nổ, văn hóa phẩm độc hại, đồ chơi trẻ em mang tính kích động bạo lực; thuốc lá ngoại, rượu ngoại, bia, nước giải khát nhập lậu; động vật hoang dã... Đồng thời, các lực lượng nắm chắc diễn biến tình hình thị trường; kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra trên các tuyến giao thông.

Theo đại diện Sở Công Thương, sau Tết Nguyên đán, dự báo sức tiêu thụ hàng hóa sẽ tiếp tục tăng, vẫn có thể xảy ra những biến động về giá. Do đó Sở tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương liên quan bám sát tình hình, tăng cường kiểm tra, phát hiện để xử lý kịp thời tình trạng tăng giá, ép giá…, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phòng, chống và ứng phó với diễn biến của dịch COVID-19./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



Nội thất văn phòng cũ giao hàng miễn phíShop bán hàng nhập mỹ uy tín gửi hàng đi úc Đơn vị order hàng trung quốc Grand Cru công ty quà tặng doanh nghiệp uy tín Công ty Cbay Logistics nhập hàng Trung QuốcMẫu In lịch bloc 2025 mới

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com