Kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế phục hồi mạnh mẽ, sản xuất, kinh doanh ổn định trong trạng thái “bình thường mới” là những yếu tố tích cực tạo điều kiện tối ưu cho các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn, giải ngân tín dụng ngay từ những ngày đầu tiên của năm. Năm 2022, ngành Ngân hàng tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 14% (có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế) và hướng vào giải ngân các lĩnh vực ưu tiên, khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19.
Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Nam Định sau Tết Nhâm Dần 2022. |
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã trở lại hoạt động với khí thế quyết tâm cao nhất ngay từ đầu năm, tạo đà hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2022. Đây cũng là thời điểm thuận tiện nhất để các ngân hàng tăng huy động tiền gửi từ người dân với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, lãi suất ưu đãi để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ phục hồi kinh tế. Hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn đều chủ động điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động, đồng thời phân công cán bộ tín dụng tiếp cận khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức có nguồn tiền lớn; quán triệt tới cán bộ giao dịch yêu cầu làm việc với tinh thần phục vụ nhanh nhất, hỗ trợ tạo thuận lợi tối đa về thủ tục giải ngân cho khách hàng. Tại các ngân hàng, giao dịch tại quầy trong những ngày đầu năm luôn sôi động đến gửi tiền tiết kiệm từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng mỗi khách hàng, với các kỳ hạn khác nhau.
Chị Trần Thị Anh Đào, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh Bắc Nam Định cho biết: “Năm 2021, Chi nhánh tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm với tổng vốn huy động đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm; dư nợ đạt 10.779 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Năm 2022, Chi nhánh đặt mục tiêu tăng trưởng từ 15-20%. Chính vì thế, ngay từ cuối tháng 12-2021, Chi nhánh đã phân bổ, giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng xuyên suốt từ trụ sở Chi nhánh đến các phòng giao dịch, phòng chuyên môn và cán bộ, nhân viên. Đồng thời, thường xuyên theo dõi đôn đốc cán bộ, nhân viên bám sát thực hiện theo kế hoạch hàng tuần trước, trong và sau Tết với tinh thần “Ngân hàng không nghỉ Tết”. Với các giao dịch đầu tiên của năm, Chi nhánh đều tặng lì xì đầu năm đối với các khách hàng giao dịch tại quầy; đồng thời, khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ tiết kiệm online của Vietinbank với nhiều ưu đãi hấp dẫn, đặc biệt là tặng thêm lãi suất khi gửi online. Tại hệ thống Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) trên địa bàn tỉnh, nhằm khuyến khích khách hàng, đặc biệt là các khách hàng trẻ, hình thành thói quen tích lũy từ sớm và đầu tư an toàn, VPBank ra mắt sản phẩm tiết kiệm Prime Savings trên VPBank NEO với 3 ưu điểm vượt trội: Nhân đôi lãi suất ngay trong tháng đầu tiên, gửi 100% online và giúp tiết kiệm từ những khoản tiền nhỏ nhất. Cụ thể, với các khoản tiền gửi mới từ 10 triệu đồng với kỳ hạn 6 tháng trở lên khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất nhân đôi ngay trong tháng đầu tiên. Ưu đãi này giúp VPBank trở thành một trong những ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi hấp dẫn, cạnh tranh nhất trên thị trường, cao hơn các sản phẩm tiền gửi khác tới 0,7%/năm. Không chỉ đưa ra ưu đãi hấp dẫn về lãi suất, sản phẩm này còn có ưu điểm thu hút khách hàng là có thể gửi online, chỉ qua một vài thao tác vô cùng đơn giản nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn và bảo mật cao. Khách hàng chỉ cần truy cập ứng dụng VPBank NEO (trên điện thoại hoặc máy tính) và làm theo hướng dẫn. Sau khoảng 1 phút khi gửi tiết kiệm thành công, khách hàng sẽ nhận được chứng thực tiết kiệm trên màn hình VPBank NEO, cũng như qua tin nhắn và email cá nhân. Hình thức gửi tiết kiệm online không chỉ giúp linh hoạt khi gửi, mà khi đáo hạn và tất toán sổ cũng hết sức tiện lợi bởi khách hàng cũng chỉ cần thực hiện online. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng có thể rút tiền ra bất cứ lúc nào mà không phụ thuộc vào giờ làm việc của quầy giao dịch cũng như không mất thời gian di chuyển, góp phần thay đổi thói quen quản lý tài chính của người dùng khi khuyến khích tiết kiệm từ những khoản tích lũy nhỏ với nhiều hình thức gửi đơn giản, tiện lợi, điển hình là qua kênh online. Cùng với đó, một số ngân hàng cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng từ 0,15-0,4%/năm. Như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Chi nhánh Nam Định tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn 36 tháng 0,3-0,4%/năm, lên 5,2-5,4%/năm tùy theo khách hàng từ ngày 18-1. Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank) Chi nhánh Nam Định tăng lãi suất 0,1-0,2%/năm, mức lãi suất cao nhất là 6,8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Trong khi đó, các ngân hàng: Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank cũng đồng loạt áp dụng mức lãi suất cao nhất là 5,5-5,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên. Hầu hết các chương trình gửi tiền tiết kiệm của các ngân hàng đều áp dụng cả 2 hình thức: gửi tiền tại quầy hoặc qua kênh trực tuyến giúp hạn chế tiếp xúc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh đã tăng tốc triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng năm 2022 được triển khai thực hiện ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngay khi nhận được nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH Trung ương và địa phương, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã tham mưu Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh có văn bản đề nghị lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền địa phương các cấp, phối hợp với Ngân hàng CSXH kịp thời hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ và ưu tiên giải ngân cho khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Với nỗ lực cùng các giải pháp đồng bộ của toàn ngành Ngân hàng, chắc chắn nguồn vốn cho vay sẽ tiếp tục được thông suốt, bền bỉ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống sau đại dịch, sớm đưa nền kinh tế trở lại nhịp bình thường./.
Bài và ảnh: Đức Toàn