Những sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của hội viên phụ nữ

08:02, 15/02/2022

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tạo mọi điều kiện giúp hội viên khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, đặc biệt là các mô hình khởi nghiệp gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, giúp hội viên, phụ nữ tạo ra các sản phẩm mới, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần giảm nghèo bền vững.

Sản phẩm  tỏi đen  Khang Linh của chị Nguyễn  Thị Duyên,  xã Hải Xuân  (Hải Hậu).
Sản phẩm tỏi đen Khang Linh của chị Nguyễn Thị Duyên, xã Hải Xuân (Hải Hậu).

Những ngày này, chị Nguyễn Thị Duyên, chủ cơ sở sản xuất tỏi đen Khang Linh, xóm Xuân Lập, xã Hải Xuân (Hải Hậu) nhận được khá nhiều đơn hàng đặt mua sản phẩm tỏi đen. Bởi tỏi đen có nhiều công dụng như: giảm cholesterol, giảm tiến trình xơ cứng động mạch, cân bằng đường huyết, phòng chống ung thư, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, giúp ăn ngon, ngủ tốt… nên từ năm 2015, chị Duyên đầu tư mua hệ thống máy móc hiện đại theo công nghệ cao của Nhật Bản; tìm các vùng nguyên liệu tỏi tươi phù hợp. Chị Duyên cho biết, để làm được một mẻ tỏi đen, quá trình không hề đơn giản, thậm chí rất công phu, đòi hỏi chị phải “kỹ” từ khâu chọn nguyên liệu. Theo đó, chị Duyên đã đến tận các hộ gia đình trồng tỏi cô đơn (còn gọi là tỏi một nhánh) loại 1 ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để khảo sát và nhập tỏi rồi tiến hành phơi nắng, vệ sinh, làm sạch rồi mới cho vào máy chuyên dụng để tỏi lên men tự nhiên ở điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn. Hàng ngày, chị Duyên cùng các nhân viên kỹ thuật luân phiên nhau trực máy điều chỉnh nhiệt độ theo giờ “sáng, trưa, chiều” phù hợp với thời tiết ngoài trời. Tuân thủ nghiêm ngặt 3 yếu tố: nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, sau thời gian sấy khoảng 70 ngày, những nhánh tỏi tươi màu trắng trong các tủ sấy của chị Duyên đã dần chuyển sang màu đen. Lúc này, mùi vị của tỏi đã thay đổi, có vị ngọt thanh như ô mai, không còn mùi hăng cay của tỏi tươi. Tuy nhiên, không phải lúc nào chị Duyên cũng thành công trong việc “biến đổi” tỏi. Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm trong việc kiểm soát nhiệt độ, thời gian đảo khay nên nhiều mẻ tỏi của chị Duyên bị hỏng phải bỏ đi. Không nản lòng, chị xác định phải mất “học phí” học nghề. Vừa học, vừa rút kinh nghiệm và chủ động tiếp cận với các ứng dụng công nghệ hiện đại, chị Duyên dần tìm được hướng sản xuất và kinh doanh tỏi đen phù hợp. Từ sản xuất “cầm chừng” vài chục cân, đến nay, mỗi tháng chị Duyên đã phải nhập số lượng lớn tỏi tươi để chế biến. Với giá bán hiện tại từ 650-700 nghìn đồng/kg, năm 2021, sau khi trừ chi phí, chị Duyên thu về khoảng 400 triệu đồng tiền lãi, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương. Sản phẩm được sản xuất bằng máy móc công nghệ hiện đại, không sử dụng bất kỳ hóa chất hay phụ gia nào trong việc chế biến, lên men tỏi, sản phẩm tỏi đen Khang Linh đã tạo được niềm tin cho thị trường, ngày càng “phủ sóng” rộng rãi hơn, được hệ thống siêu thị nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhập bán; được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Từ lâu thương hiệu gạo nếp Vò Gi đã nổi tiếng khắp trong, ngoài huyện Hải Hậu bởi chất gạo dẻo, ngọt thơm đặc trưng. Với tâm nguyện giữ gìn giống lúa quý có từ lâu đời, chị Phạm Thị Hoài, xóm 4, Hải Hà (Hải Hậu) đã mở rộng diện tích trồng lúa và phát triển thương hiệu gạo nếp Vò Gi, cẩn trọng từ khâu chọn giống để chăm sóc và thu hoạch. Sau khi gặt lúa về, chị Hoài tiến hành phơi thóc ngay lập tức. Ở mỗi bó lúa, chị chỉ chọn từ 5-7 bông to, hạt đều, mẩy đem tuốt làm giống. Những hạt thóc giống này tiếp tục được phơi trong 3-4 nắng nữa, mục đích để giúp thóc thật “già”, không bị mối mọt. Quá trình trồng cấy, ngoài kinh nghiệm của bản thân, chị Hoài còn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn về mặt kỹ thuật của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hải Hà. Ngoài ra, để bảo quản gạo tốt hơn, chị Hoài còn sử dụng các túi nilong từ 2 đến 3 lớp nhằm tránh cho không khí xâm nhập. Sản phẩm gạo nếp Vò Gi hiện được chị Hoài đóng túi zip để bán cho các đại lý, nhà cung cấp gạo với giá thành từ 20-25 nghìn đồng/kg. Đây là sản phẩm đã có tem nhãn, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được đăng ký và công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ưu điểm lớn nhất của giống lúa này là gieo trồng, thu hoạch và sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên rất “sạch”, giữ được hương vị vốn có của giống nếp được khách hàng ưa chuộng, thị trường rất rộng mở. Thành công trong việc trồng cấy lúa nếp cổ Vò Gi còn giúp chị Hoài trở thành “triệu phú” thu về từ 200-250 triệu đồng tiền lãi mỗi năm sau khi trừ chi phí.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục mô hình khởi nghiệp thành công của hội viên phụ nữ trong tỉnh gắn với Chương trình OCOP. Ngay khi Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh, các cấp Hội Phụ nữ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP, góp phần nâng cao nhận thức và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho hội viên. Các cấp Hội cũng tổ chức các lớp tập huấn, cuộc thi khởi nghiệp nhằm động viên hội viên phụ nữ tham gia chương trình; hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khởi nghiệp, nhất là lựa chọn những hồ sơ chỉ rõ được thế mạnh, hướng phát triển của sản phẩm; tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của hội viên phụ nữ đến với người tiêu dùng cả nước thông qua hội chợ, trang thương mại điện tử, zalo, facebook, fanpage. Định hướng cho hội viên tham gia vào các tổ chức, mô hình kinh tế tập thể ở địa phương, hình thành ý tưởng phát triển sản phẩm và xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội... Với nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, Hội Phụ nữ các cấp đã động viên, khích lệ được nhiều cán bộ, hội viên tham gia và thành công từ Chương trình OCOP. Từ năm 2020 đến nay đã có hàng chục sản phẩm OCOP được hội viên phụ nữ phát triển gắn với các chương trình khởi nghiệp. Tiêu biểu như: sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của chị Bùi Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Green&Book Ambassadors xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường; sản phẩm Bánh nhãn tết vua của chị Lưu Liên Phương, xóm Giáp Nội, xã Hải Bắc (Hải Hậu)... Bên cạnh đó, tại cuộc thi “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” hàng năm đều có nhiều ý tưởng của hội viên phụ nữ thể hiện quyết tâm phấn đấu đưa sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh.

Tích cực tham gia lao động sản xuất, mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh đã tạo ra các sản phẩm OCOP tiêu biểu, chất lượng. Từ đó góp phần cùng với các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com