Nghĩa Thịnh khai thác lợi thế thương mại dịch vụ

08:02, 28/02/2022

Địa bàn xã Nghĩa Thịnh xưa là trung tâm kinh tế, văn hóa của huyện Nghĩa Hưng nơi làng có phố Hải Lạng - địa điểm tập trung đầu mối giao thương trên bến dưới thuyền. Đầu thế kỷ XIV khi sông Đào trở thành tuyến giao thông quan trọng trên tuyến đường thủy nội tỉnh, Hải Lạng đã trở thành một trung tâm buôn bán sầm uất của cả vùng. Một bộ phận dân cư làng Hải Lạng đã chuyển từ nghề nông sang buôn bán, dịch vụ. Cuộc sống của người dân Hải Lạng nói riêng và cả xã luôn sôi động, hối hả. Sự biến thiên của thời gian và sự phát triển của hạ tầng giao thông đường bộ đã khiến con sông Đào thuộc địa phận xã Nghĩa Thịnh không còn là nơi trung chuyển hàng hóa, giao thương sầm uất như xưa nhưng tư duy năng động, hoạt bát trong kinh doanh thương mại của người dân thì vẫn tiếp nối. Vì vậy cấp ủy, chính quyền xã luôn khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân phát huy lợi thế này, đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển thương mại dịch vụ và kinh tế nông nghiệp hàng hóa, cung cấp sản phẩm chất lượng cao ra thị trường. 

Người dân xã Nghĩa Thịnh kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của giống lúa chất lượng cao ST25 canh tác theo quy trình VietGAP.  Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Người dân xã Nghĩa Thịnh kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của giống lúa chất lượng cao ST25 canh tác theo quy trình VietGAP. 

UBND xã khuyến khích người dân kinh doanh, buôn bán, tổ chức các loại hình dịch vụ theo dọc tuyến phố thương mại Hải Lạng xưa và nâng cấp chợ truyền thống khang trang hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô để thúc đẩy giao thương hàng hóa, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh của người dân trong vùng. Đến nay trên tuyến phố thương mại này đã có trên 100 hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh và sản xuất hàng hóa của người dân trong xã và khu vực lân cận. Xã cũng quy hoạch đất nông nghiệp cho gọn vùng, khuyến khích các hộ dân khai thác diện tích đất bãi ven đê, mặt nước sông Đào để phát triển sản xuất hàng hóa đặc trưng của địa phương trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, UBND xã phối hợp với các sở, ngành mở các lớp tập huấn khởi nghiệp, quản trị kinh doanh và kết nối, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã tích cực hướng dẫn xã viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: đổi mới cơ cấu giống; cơ giới hóa các khâu làm đất, chăm bón, thu hoạch và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại 99% diện tích đất trồng lúa của xã chuyên cấy lúa thuần chất lượng cao nhưng vẫn cho năng suất tới 76 tạ/ha (vụ xuân) và 55 tạ/ha (vụ mùa). Xã cũng đã phối hợp với Công ty TNHH Toản Xuân xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa theo quy trình VietGAP có tổng diện tích hơn 30ha. Cùng với canh tác lúa xã khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả và tận dụng diện tích mặt nước sang nuôi thuỷ sản kết hợp với chăn nuôi trên bờ theo hình thức trang trại, gia trại tập trung. Đến nay, diện tích nuôi thủy sản của xã đạt trên 54ha tập trung ở khu vực ven đê sông Đào. Trong nuôi thủy sản, người dân Nghĩa Thịnh tập trung vào sản xuất cá giống và nuôi cá thương phẩm kỹ thuật cao để đảm bảo có đầu ra ổn định. Trung bình mỗi năm, các hộ nuôi thuỷ sản đã sản xuất được trên 50 nghìn con cá giống; tổng sản lượng cá thương phẩm đạt trên 180 tấn. Trong đó, các hộ gia đình ông Hoàng Văn Tuân, Hoàng Văn Hiền, xóm Long Yến đã tận dụng mặt nước sông Đào nuôi cá lồng. Ông Hiền cho biết, phát huy lợi thế nguồn nước tự nhiên của sông Đào, tôi đóng bè, nuôi cá trên sông. Với phương thức nuôi này vừa tiết kiệm được chi phí đào ao, vừa tận dụng dòng chảy cho nước lưu thông liên tục và nguồn thức ăn tự nhiên, ít sử dụng thức ăn công nghiệp nên thịt cá chắc và ngon như cá tự nhiên, được thị trường ưa chuộng. Ngoài cá truyền thống như trắm, chép, tôi nuôi thêm cá lăng chấm. Đây là loài cá đặc sản vùng cửa sông rất thích nghi với điều kiện nuôi lồng bè nên cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các giống cá khác. Sau 2 năm nuôi thả, trọng lượng trung bình của cá lăng chấm là 4-6kg/con. Mỗi lồng trên 100m3 đã cho anh em chúng tôi thu khoảng 4-5 tấn cá/năm, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần nuôi cá nội đồng. Hiện tại, chúng tôi đang thả 10 lồng cá các loại trên sông, các lồng thả giống gối sóng để lúc nào cũng có cá cung ứng ra thị trường, tránh thu hoạch ồ ạt cùng vào một thời điểm khó tiêu thụ và bị tư thương ép giá. Nhờ phát triển thương mại, người dân Nghĩa Thịnh cũng du nhập thêm nhiều mô hình sản xuất linh hoạt phù hợp với tay nghề và điều kiện của người dân để đa dạng hóa ngành nghề như trồng, chế biến nấm và chế biến lương thực, thực phẩm. Xã Nghĩa Thịnh vì thế mà vẫn giữ được không khí sôi động, hối hả bán buôn; chợ Hải Lạng không chỉ duy trì các phiên vào ngày lẻ như trước mà mở rộng quy mô, giao thương hàng hóa ở tất cả các ngày trong tháng. Sau nhiều năm tập trung phát triển thương mại dịch vụ, xã Nghĩa Thịnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ xã thuần nông, cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển dịch tích cực. Năm 2021, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ của xã đã chiếm xấp xỉ 80% trong cơ cấu kinh tế; giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác đạt trên 120 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 54 triệu đồng. 

Với định hướng đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện về vốn phát triển sản xuất, khuyến khích nhân dân nâng cao sức cạnh tranh của các nông sản chủ lực, xã Nghĩa Thịnh tập trung thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại đáp ứng các tiêu chí của thương mại hiện đại, phấn đấu giữ vững vai trò trung tâm kinh tế khu vực các xã miền thượng huyện Nghĩa Hưng. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến vận động các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại. Chủ động phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên địa bàn để bảo vệ sản xuất, người tiêu dùng và thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương./. 

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com