Khởi nghiệp từ đồng đất quê hương

09:02, 25/02/2022

Phong trào phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng thời gian qua đã được nhiều cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Nam Trực tích cực hưởng ứng. Trong đó điển hình là anh Đỗ Văn Hợp, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Nam Thái (Nam Trực) một tấm gương thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Anh Đỗ Văn Hợp, xã Nam Thái (Nam Trực) thu hoạch hoa sen.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Anh Đỗ Văn Hợp, xã Nam Thái (Nam Trực) thu hoạch hoa sen.

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Anh Hợp cho biết, qua tìm hiểu, cánh đồng lúa thôn 9, xóm Trung Nghĩa, những năm trước là diện tích cấy lúa kém hiệu quả, nhiều thửa ruộng của nông dân bỏ hoang, khô cằn cỏ mọc um tùm. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, hơn ai hết anh Hợp hiểu được sự vất vả của người nông dân. Chính sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là nguyên nhân dẫn đến chi phí cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, mỗi hộ chỉ cấy 2-3 sào, các thửa ruộng lại bị chia nhỏ ở nhiều cánh đồng khác nhau, một số lao động nông thôn đi làm ở các công ty, xí nghiệp nhiều nên cây lúa không được quan tâm chăm sóc, vì thế thu nhập chẳng đáng là bao, nhiều hộ đã bỏ ruộng. Nhìn thấy cánh đồng màu mỡ ngày nào bỗng chốc hoang hóa, cỏ mọc quá nhiều, anh không khỏi chạnh lòng. Suy nghĩ, rồi cùng với niềm đam mê về nông nghiệp sạch, anh Hợp đã kết hợp với một số người bạn có cùng chí hướng lập nghiệp ngay chính trên mảnh đất quê hương với mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên mang tên “DOFARM” (mô hình nông nghiệp sạch, 100% không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học). Năm 2020, được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, anh đã đứng lên thuê, mượn lại đất của người dân. Ngoài việc trả hết các chi phí dịch vụ nông nghiệp, mỗi năm anh chỉ phải trả cho chủ đất 40kg thóc/sào. Thời gian đầu sản xuất lúa theo mô hình thuận tự nhiên, anh đã gặp không ít những khó khăn, thất bại vì chưa chủ động được nguồn nước, chưa có kinh nghiệm xử lý ốc bươu vàng, chuột phá hoại dẫn tới mất mùa, năng suất thấp. Từ những thất bại đó, anh đã tìm tòi, học hỏi trên internet, trao đổi với những người có cùng mô hình trồng lúa giống mình, đúc rút được kinh nghiệm, đầu tư và áp dụng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp như: máy cày bừa, máy bơm, máy phun hạt giống và sử dụng thiết bị Flycam để thuận lợi thăm đồng. Với tổng diện tích đất trồng của “DOFARM” là 2ha, trong đó hơn 1ha lúa, còn lại trồng sen. Đối với trồng lúa, anh Hợp trồng những giống lúa Bắc Thơm số 7 và giống lúa Huyết rồng nhằm cung cấp cho khách hàng, nhất là cho những người ăn chay, huyết áp không ổn định, máu nhiễm mỡ, giảm cân… Với phương pháp sản xuất thuận tự nhiên nên năng suất một vụ đạt khoảng 120kg thóc/sào, tuy nhiên chất lượng và giá thành cao gấp 2-3 lần so với sản xuất thông thường. Còn diện tích trồng sen, anh kết hợp xây dựng cầu, chòi, làm điểm tham quan, trải nghiệm thực tế… thu hút nhiều lượt khách đến tham quan và chụp ảnh.

Từ những thành công bước đầu, mô hình nông nghiệp sạch của “DOFARM” đã có lượng khách hàng tin tưởng, thân quen. Vụ xuân năm nay, anh Hợp triển khai chương trình “farm to table” (từ nông trại tới bàn ăn của gia đình), tức là khách hàng cùng tham gia trồng lúa với DOFARM. Khi tham gia vào quy trình, khách hàng có thể làm cùng người nông dân bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Từng công đoạn, từng giai đoạn trong quá trình sản xuất cho đến khi sản phẩm đến tay khách hàng đều công khai. Ngoài những tiêu chí là sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, chương trình còn rất quan tâm tới trải nghiệm thực tế, đặc biệt là đối với các gia đình có con nhỏ. Theo thỏa thuận với khách hàng đăng ký cấy ruộng, anh Hợp tiếp tục đưa vào gieo trồng giống lúa Bắc Thơm số 7 với năng suất dự kiến 150kg thóc/sào, giá gạo 25 nghìn đồng/kg. Với hình thức này, mô hình trồng lúa của anh Hợp đảm bảo được đầu ra ổn định của sản phẩm, khách hàng hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý. Đến thời điểm này lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra để hỗ trợ trong khâu chăm sóc, làm cỏ, anh thuê thêm 5 lao động thời vụ với mức giá từ 250-300 nghìn đồng/người/ngày công. Tấm gương làm kinh tế giỏi và tích cực tham gia các phong trào Đoàn và địa phương của anh Đỗ Văn Hợp đã được các cấp bộ đoàn, cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao. Năm 2020, anh vinh dự được nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên. Anh Hợp cho biết, trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng mô hình liên kết với các hộ dân, bao tiêu đầu ra và giá thành ổn định kết hợp phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, cải tiến một số máy móc phục vụ cho sản xuất đáp ứng cho cả trồng cây màu và chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong tương lai khi tìm được thị trường phù hợp.

Mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên “DOFARM” của anh Đỗ Văn Hợp là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương về tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình rất cần được nhân rộng, nhất là trong tình hình hiện nay, do xu hướng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp đồng thời hiện nay một số nơi trên địa bàn tỉnh còn ruộng bỏ hoang. Qua đây, giúp đoàn viên, thanh niên nông thôn tiếp cận mô hình làm ăn hiệu quả, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương./.

Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com