Phát triển nông nghiệp hữu cơ là đòi hỏi tất yếu từ thực tế, gắn với việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung. Nông nghiệp hữu cơ không chỉ tạo ra những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác được thế mạnh của từng vùng, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững nền nông nghiệp.
Mô hình nuôi vịt trời theo tiêu chuẩn hữu cơ tại Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường). |
Thực hiện Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời áp dụng lồng ghép các cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh để hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ như: Kết hợp chính sách hỗ trợ đào tạo ngành nghề nông thôn để đào tạo tập huấn cho người lao động ở các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; vận dụng các nguồn kinh phí hợp pháp từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu dân số - y tế... để hỗ trợ cho các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các quy phạm thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, hữu cơ, xây dựng nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đến cuối năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ cho 128 cơ sở, doanh nghiệp được chứng nhận áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (127 cơ sở, doanh nghiệp được công nhận áp dụng VietGAP, HACCP; 1 doanh nghiệp được chứng nhận phù hợp theo yêu cầu của TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ) và 1 “Vùng nuôi liên kết Lenger Farm” 500ha ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) được chứng nhận nuôi bền vững theo tiêu chuẩn ASC. Sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án, tỉnh đã và đang xây dựng, hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung ở 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Đã xây dựng 1 mô hình sản xuất rau quả hữu cơ của Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) với diện tích 2ha, đã được chứng nhận trong giai đoạn chuyển đổi theo TCVN 11041-2:2017; 1 mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản với diện tích 10ha của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và đang chuyển đổi sang áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, hiện có 2 mô hình sản xuất rau khác là Công ty Cổ phần Dược liệu Ngọc Anh sản xuất 5ha rau má, các loại rau gia vị theo hình thức khép kín để chế biến thành các loại nước uống giải nhiệt tại xã Trực Hùng (Trực Ninh) và mô hình của Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) sản xuất 10ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP đang đăng ký chuyển đổi áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ trong năm 2022. Với sản xuất lúa, tỉnh đã triển khai hỗ trợ ban đầu cho 1 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 10ha áp dụng sản xuất lúa hữu cơ của cơ sở sản xuất và chế biến lương thực thực phẩm Toán Lý (Trực Ninh). Đồng thời đang khảo sát, hướng dẫn 2 mô hình sản xuất lúa hữu cơ trong năm 2022 là HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải Toàn (Hải Hậu) sản xuất 50ha lúa chất lượng cao và chuỗi sản xuất lúa, rươi liên kết của Công ty TNHH Toản Xuân với diện tích 150ha ở vùng ven sông Ninh Cơ (Nghĩa Hưng). Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã triển khai xây dựng 1 mô hình chăn nuôi lợn quy mô 200 con theo tiêu chuẩn hữu cơ của trang trại chăn nuôi Hiền Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) và đang triển khai hướng dẫn chuỗi liên kết chăn nuôi giữa Công ty TNHH Công Danh, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) với 3 trang trại chăn nuôi lợn áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, đệm lót sinh học chuyển đổi sang áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ. Ở lĩnh vực thủy sản, tỉnh tiếp tục chỉ đạo duy trì giữ vững vùng nuôi ngao huyện Nghĩa Hưng 500ha đã được chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC, song hành với việc chuyển đổi, đánh giá đạt tiêu chuẩn nuôi hữu cơ và chế biến sản phẩm ngao hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như nhận thức về nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ của các doanh nghiệp, HTX, nông hộ và người tiêu dùng còn rất hạn chế. Các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh như hệ thống điện, nước, thủy lợi, xử lý nguồn xả thải... Nguồn nhân lực để chỉ đạo sản xuất hữu cơ và người lao động am hiểu để sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang rất thiếu hụt. Người tiêu dùng chưa mặn mà với sản phẩm hữu cơ do giá cao, còn có thói quen tiêu dùng thực phẩm giá rẻ nên sản phẩm hữu cơ khó tiêu thụ. Chi phí sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao, giá bán sản phẩm hiện nay chưa tương xứng. Đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ xây dựng được các vùng trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, khu chăn nuôi đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ tại các vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ và Bộ Tiêu chuẩn quốc gia có liên quan. Định hướng đến năm 2030 tỉnh duy trì, phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ đã xây dựng trong giai đoạn 2020-2025; tổ chức thực hiện vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và có 30-40 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ gắn liền với chuỗi giá trị, chuỗi kết nối cung cầu trên các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản, sản xuất muối chủ lực của tỉnh. Tập trung cao đối với các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với các nhà máy chế biến sản phẩm hữu cơ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Để khắc phục khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thời gian tới, tỉnh sẽ minh bạch quy hoạch sản xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp hữu cơ nói riêng và các nguồn lực huy động để đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp; tổ chức tham quan học tập các mô hình sản xuất hữu cơ đạt hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm hữu cơ. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ cho các cơ sở. Tăng cường giám sát việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, ngăn chặn hàng giả... để nâng cao uy tín cho sản phẩm hữu cơ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Hiện nay, một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh ta đã định hình được vị thế, sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đây là tiền đề quan trọng cho ngành Nông nghiệp Nam Định mở ra hướng đi mới, từ đó phát triển hiệu quả, bền vững./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh