Đảm bảo chi ngân sách Nhà nước tiết kiệm, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh

08:02, 10/02/2022

Năm 2022, đại dịch COVID-19 với biến thể mới dự báo còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng, tác động trực tiếp đến đà phục hồi của nền kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác chi ngân sách Nhà nước (NSNN). Vì vậy, cần điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, theo dự toán giao. 

Cán bộ Cục Thuế tỉnh tư vấn, hướng dẫn Công ty TNHH Nam Dược (thành phố Nam Định) thực hiện nghĩa vụ thuế đúng quy định (ảnh 1); Thi công tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (ảnh 2). Bài và ảnh: Thanh Thúy
Cán bộ Cục Thuế tỉnh tư vấn, hướng dẫn Công ty TNHH Nam Dược (thành phố Nam Định) thực hiện nghĩa vụ thuế đúng quy định.

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước, các quy định của Trung ương và khả năng cân đối ngân sách địa phương tỉnh xác định tổng chi NSNN năm 2022 là 14.611 tỷ 556 triệu đồng (Ngân sách tỉnh chi là 8.632 tỷ 194 triệu đồng, ngân sách cấp huyện, cấp xã chi là 5.979 tỷ 362 triệu đồng). Để nâng cao hiệu quả chi NSNN, tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, các cấp, các ngành quán triệt quan điểm triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần thiết thực hiện năm 2022, phản ánh được thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn NSNN đối với từng ngành, lĩnh vực. Toàn tỉnh triệt để tiết kiệm các khoản chi, kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng chưa thực hiện phân bổ theo quy định (nhất là các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư). Dành nguồn kinh phí để bố trí chi đầu tư phát triển và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phòng chống dịch bệnh. Trong đó, ưu tiên cho các lĩnh vực: Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe của nhân dân; giáo dục - đào tạo; khoa học và công nghệ; môi trường; an sinh xã hội; phòng chống dịch bệnh; thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh... Quan tâm bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách đã được ban hành như: chính sách an sinh xã hội, chế độ cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, điều chỉnh lương hưu trong năm 2022 đối với người nghỉ hưu trước năm 1995, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 theo quy định. Các cấp, các ngành, các địa phương cũng chủ động lường đón các công việc sẽ phát sinh, bố trí hợp lý kinh phí để chi cho các nhiệm vụ được giao, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình. Chủ động bố trí kinh phí dự phòng ngân sách để phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ phát sinh đột xuất. Ngân sách tỉnh chỉ xem xét hỗ trợ cho trường hợp thiên tai diện rộng, gây hậu quả nặng nề và những nhiệm vụ giao thêm vượt quá khả năng của sở, ban, ngành, các huyện, thành phố.

Tích cực huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; thực hiện cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để huy động nguồn lực xã hội hóa từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư để đảm bảo thực hiện đầu tư đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt; quyết liệt thực hiện xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương. Tập trung bố trí vốn đầu tư từ NSNN để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các dự án khởi công mới, phải cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ bố trí vốn khởi công mới các dự án thực sự cấp bách khi xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Tăng cường các giải pháp tăng thu, tạo nguồn chi. Điểm nhấn là các ngành, các địa phương tích cực áp dụng cơ chế phân cấp nguồn thu, tỷ lệ phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi cho các cấp ngân sách tỉnh năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025 mới được HĐND tỉnh ban hành tại Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND ngày 2-12-2021; đây là cơ chế giúp các địa phương tăng tính chủ động, tích cực tăng thu, đảm bảo cân đối ngân sách. Các ngành, các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực: Công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, thuỷ sản, du lịch, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tăng thu cho ngân sách. Tích cực triển khai cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công; tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai lộ trình thực hiện giá dịch vụ công (ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực quản lý; quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước quản lý...) làm cơ sở để giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công trong năm 2022; từng bước chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế đặt hàng nhiệm vụ.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh tư vấn, hướng dẫn Công ty TNHH Nam Dược (thành phố Nam Định) thực hiện nghĩa vụ thuế đúng quy định (ảnh 1); Thi công tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (ảnh 2).  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thi công tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. 

Bám sát tinh thần chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thành phố xây dựng phương án chi ngân sách theo quy định Luật NSNN năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành; gắn phân cấp nguồn thu với nhiệm vụ chi tạo sự chủ động và nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tại Vụ Bản, năm 2022, huyện quán triệt thực hiện tăng cường quản lý chi NSNN, điều hành ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm cân đối; Quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách các cấp để phục vụ công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, nhiệm vụ khẩn cấp, đảm bảo an ninh, trật tự, an sinh xã hội. Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn phải bố trí nguồn kinh phí 10% từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất để phục vụ công tác đo đạc, quản lý đất đai. Chú trọng kiểm tra việc sử dụng tài chính ngân sách, vốn, quỹ tại các cơ quan, đơn vị, đảm bảo đúng quy định. Quản lý chặt chẽ đầu tư xây dựng cơ bản, hạn chế tối đa phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Thành phố Nam Định tập trung quản lý chặt chẽ chi ngân sách đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đúng chế độ, thực hiện tốt chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chủ động cân đối nguồn lực đảm bảo đầy đủ các khoản chi cho con người, an sinh xã hội và công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, phòng chống dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài chính theo quy định. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm.

Với các biện pháp đồng bộ, các ngành, các địa phương nỗ lực hướng đến mục tiêu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chi NSNN trong năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới và các nhiệm vụ trong năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com