Năm 2022, sản xuất chăn nuôi của tỉnh sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức do tác động cực đoan của thời tiết; giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan; nhận thức của người chăn nuôi còn hạn chế, chưa tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc tiêm phòng vắc-xin. Vì vậy, các sở, ngành chức năng và các địa phương đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bảo đảm an toàn đàn vật nuôi.
Cán bộ thú y xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò trên địa bàn. |
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), năm 2021 sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm (GSGC) của tỉnh phát triển ổn định, chăn nuôi lợn dần phục hồi. Chăn nuôi có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, nuôi trang trại, gia trại, an toàn sinh học, theo mô hình VietGAP được mở rộng. Tổng đàn lợn ước đạt hơn 641 nghìn con, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020; đàn gia cầm ước đạt 9,467 triệu con, tăng 6,1% so cùng kỳ năm trước; đàn trâu, bò ước đạt 35.737 con… Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tái đàn tăng mạnh, trong khi thời tiết sẽ xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe đàn vật nuôi và là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển, gây bệnh. Đặc biệt, các dịch bệnh nguy hiểm ở GSGC như: bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục… vẫn diễn biến phức tạp từ cuối năm 2021. Cụ thể, ngày 4-12-2021 đàn vịt của hộ ông Nguyễn Văn Quyết ở thôn 9, xã Trực Thuận (Trực Ninh) có các triệu chứng ủ rũ, giảm ăn, tiêu chảy phân xanh, phân trắng, sưng phù đầu và mặt, nghẹo cổ, viêm mắt, một số con có triệu chứng thần kinh. Số lượng vịt chết từ ngày 4-12 đến 8-12-2021 khoảng 200 con. Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) đã phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện Trực Ninh, UBND xã Trực Thuận kiểm tra, xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Ngày 9-12-2021, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 13194/CĐ-XN kết luận mẫu bệnh phẩm dương tính với vi-rút cúm gia cầm A/H5N8. Đây là lần đầu tiên ổ dịch cúm gia cầm do chủng vi-rút A/H5N8 xuất hiện tại tỉnh ta... Bên cạnh đó, dịp Tết Nguyên đán 2022 hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật tăng mạnh. Do vậy, nguy cơ các loại dịch bệnh phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi và không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) rất cao. Vì vậy để bảo đảm an toàn cho đàn GSGC, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật. Chủ động phát hiện sớm, tổ chức bao vây, khống chế không để dịch phát sinh, lây lan trên diện rộng, bảo đảm an toàn cho chăn nuôi và sức khỏe của nhân dân; tiếp tục xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo chuỗi kinh tế tuần hoàn; xây dựng các chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản sản phẩm để tạo thị trường đầu ra ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, ban hành quy định điều kiện chăn nuôi, khu vực không được phép chăn nuôi GSGC. Ngành chức năng, các địa phương phải rà soát, bổ sung, kiện toàn và tăng cường trách nhiệm của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên xuống địa bàn để chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, cảnh báo dịch để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả; tổ chức quản lý, nắm chắc tình hình chăn nuôi, dịch bệnh đến tận hộ nuôi. Rà soát, giao chỉ tiêu tiêm phòng bắt buộc về số lượng GSGC phải tiêm cho từng xã, phường, thị trấn; tổ chức triển khai, thực hiện tốt 2 đợt tiêm phòng vắc-xin chính vụ với yêu cầu tiêm đồng loạt, nhanh gọn, đúng thời gian quy định để phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin. Tổ chức tốt các đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán, khu vực giết mổ GSGC, nơi có ổ dịch cũ; xử lý tốt chất thải chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; ký cam kết thực hiện sản xuất an toàn với các hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền cấp xã trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y...
Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 5-1-2022 Sở NN và PTNT đã có công văn số 25/SNN-CNTY về việc đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi; phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho GSGC. Sở đề nghị UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành chức năng quan tâm chỉ đạo bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp để phát triển chăn nuôi, thủy sản, phòng, chống dịch bệnh động vật theo chỉ đạo tại Công văn số 8878/BNN-TY ngày 27-12-2021 của Bộ NN và PTNT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm; Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 24-12-2021 của UBND tỉnh. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi; vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi, rắc vôi bột lối đi và xung quanh khu vực chuồng nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng từ 1-2 lần/tuần; những ngày rét hại không chăn thả trâu bò, gia cầm ra ngoài mà nên nuôi nhốt trong chuồng, nếu đốt lửa để sưởi ấm cho vật nuôi cần lưu ý không để vật nuôi bị ngạt hoặc gây hỏa hoạn. Chỉ đạo chính quyền cơ sở, nhất là lực lượng trưởng thôn, xóm, mạng lưới thú y cơ sở giám sát dịch bệnh, giám sát ATTP đến tận hộ chăn nuôi, cơ sở sản xuất. Vận động các tổ chức đoàn thể, người dân cùng tham gia giám sát dịch bệnh, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm của GSGC có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh để xác định nguyên nhân gây bệnh, kịp thời cảnh báo, xử lý ổ dịch theo quy định; chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để chủ động xử lý khi dịch bệnh động vật xảy ra. Khi xuất hiện các ổ dịch tại các địa phương, yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện hướng dẫn các hộ có dịch thực hiện cách ly triệt để đàn vật nuôi, không bán chạy, giết mổ động vật bị bệnh. Thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi, tiến hành thu gom và xử lý chất thải bằng cách ủ với vôi bột hoặc chôn; rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi, lối đi lại; phun thuốc khử trùng và thuốc diệt côn trùng khu vực chuồng nuôi 1 lần/ngày, xóm có dịch phun 2 ngày/lần, các xóm chưa bị dịch 2 lần/tuần; rắc vôi bột trên các trục đường ra vào khu vực ổ dịch và khu vực chăn nuôi. Tổ chức tiêu hủy theo đúng quy trình những con mắc bệnh nặng, chết, đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm phát tán mầm bệnh.
Việc triển khai thực hiện hiệu quả những biện pháp bảo đảm an toàn đàn vật nuôi sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong năm 2022 theo kế hoạch đề ra./.
Bài và ảnh: Văn Đại