Trực Ninh phát triển kinh tế sinh vật cảnh

08:01, 07/01/2022

Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Trực Ninh được thành lập từ năm 1991 đến nay đã phát triển được hơn 1.700 hội viên; trong đó có 33 hội viên được công nhận là “Nghệ nhân SVC” gồm: 2 nghệ nhân cấp Trung ương, 31 nghệ nhân cấp tỉnh. 18 xã, thị trấn trong huyện đã thành lập Hội SVC và một số câu lạc bộ (CLB) SVC chuyên sâu.

Gia đình ông Đỗ Quang Tuyến, xóm 2 Trực Hải, xã Liêm Hải có thu nhập ổn định mỗi năm từ trồng cây cảnh.
Gia đình ông Đỗ Quang Tuyến, xóm 2 Trực Hải, xã Liêm Hải có thu nhập ổn định mỗi năm từ trồng cây cảnh.

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 28-6-2006 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển phong trào SVC thành một ngành kinh tế, những năm qua, Hội SVC huyện Trực Ninh đã chú trọng  tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của phong trào SVC đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tích cực vận động hội viên chuyển đổi sản xuất theo hướng đa dạng các loại hình cây cảnh nghệ thuật; tăng cường giao lưu học hỏi, tìm tòi, sáng tạo kỹ thuật cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh để có nhiều tác phẩm đẹp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 5 năm qua, Hội SVC huyện đã tổ chức cho 1.320 lượt hội viên tham quan, học hỏi nâng cao kiến thức, tay nghề SVC tại các tỉnh, thành trong cả nước như: Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nội… Hội SVC các xã, thị trấn đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền mạnh dạn chuyển đổi hơn 100ha diện tích đất bỏ hoang, đất trồng lúa kém hiệu quả và cải tạo vườn tạp sang làm SVC. Điển hình như xã Trực Thắng chuyển đổi được 47ha; thị trấn Cổ Lễ chuyển đổi được 30ha; xã Liêm Hải chuyển đổi được 15ha; xã Trực Đạo chuyển đổi được 13ha; các địa phương còn lại chuyển đổi được từ 3-7ha… Kinh tế SVC các xã, thị trấn đã đem lại nguồn thu khá lớn cho người dân địa phương với tổng giá trị thu nhập mỗi năm đạt từ 4-5,5 tỷ đồng/xã, thị trấn; bình quân thu nhập đạt từ 300-350 triệu đồng/ha. Cùng với việc duy trì hoạt động của tổ kỹ thuật cây cảnh gồm các nghệ nhân SVC có tay nghề cao trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc, tạo dáng cây thế theo phương pháp “cầm tay, chỉ việc”, từ năm 2016 đến năm 2020, Hội SVC các xã, thị trấn đã phối hợp với Trung tâm GDTX-GDNN huyện mở 8 lớp nâng cao kỹ năng tay nghề SVC cho 251 hội viên. Thông qua các lớp học dạy nghề, hội viên đã nắm bắt và áp dụng kỹ thuật cơ bản vào uốn tỉa cây cảnh nghệ thuật, cây bon sai, chăm sóc phong lan, địa lan và các loại hoa... 

Ở thị trấn Cổ Lễ, nghề trồng đào thế đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân. Tiêu biểu như hộ các ông Vũ Ngọc, Nguyễn Duy Chiến mỗi hộ sở hữu vườn đào thế rộng trên 1.000m2 với nhiều dáng đào cổ độc đáo, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng. Nghệ nhân SVC cấp tỉnh Nguyễn Duy Chiến (tổ dân phố Thượng Đền) đến với SVC từ năm 1990. Vừa làm, vừa học kinh nghiệm từ các nghệ nhân đi trước, đến nay, anh Chiến sở hữu nhà vườn quy mô hơn 1.000m2 với tổng số hàng trăm cây cảnh nghệ thuật, cây bon-sai như: sanh, si, tùng la hán, tùng lá kim…, cây công trình, cây bóng mát như: đa, đề, cau, cọ… Các tác phẩm cây cảnh của anh Chiến được khách hàng đánh giá cao và nhiều lần tham gia trưng bày tại Triển lãm SVC tỉnh và khu vực. Năm 2018, tại Triển lãm SVC tỉnh, tác phẩm cây bon-sai nghệ thuật dáng “thác đổ” của anh đã xuất sắc đạt giải Bạc. Nghệ nhân SVC Việt Nam Trần Văn Bẩy (tổ dân phố Song Khê) chuyên sản xuất, kinh doanh các loại cây hoa trang trí, cây bóng mát. Với tay nghề của một nghệ nhân giàu kinh nghiệm, có nhiều tác phẩm SVC có giá trị nên ông có nhiều khách hàng ở khắp nơi từ: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đài Loan, Trung Quốc đại lục tìm đến mua cây của ông. Hiện ông Bẩy sở hữu 2 vườn cây với tổng diện tích 5.000m2 trồng các loại như: mẫu đơn, tường vi, cây công trình, cây bóng mát với tổng giá trị hàng tỷ đồng. 

Ở xã Trực Thắng, nghề SVC đã trở thành nghề chính, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân trong xã. Điển hình như hộ các ông Trần Văn Chi, Trần Văn Nghi ở xóm 2; Lưu Văn Uyển ở xóm 1; Vũ Văn Dương ở xóm 8; Hoàng Văn Khoái ở xóm 7… thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ nghề trồng cây cảnh. Hàng năm, các hội viên SVC xã thường xuyên tổ chức tham quan, học hỏi các mô hình trồng cây cảnh đạt hiệu quả kinh tế cao ở các xã Điền Xá (Nam Trực), Hải Hòa (Hải Hậu)… Ở xã Việt Hùng, những năm gần đây, mô hình kinh tế trang trại, nhà vườn kiểu mẫu được đầu tư theo hướng chuyên nghiệp với hệ thống chăm sóc cây tự động hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dày công tạo tác những cây cảnh nghệ thuật đẹp, độc, lạ để thu hút khách và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhà vườn của Nghệ nhân quốc gia Trần Văn Hải rộng 1ha, khoảng 300 cây thế hàng chục năm tuổi và hàng trăm cây phôi; trong đó nhiều cây có giá trị từ 1-5 tỷ đồng. Xã Liêm Hải có nhiều nghệ nhân cấp tỉnh như các ông: Nguyễn Ngọc Khang, xóm 20 Trực Liêm; Trần Văn Hùng, xóm 15 Trực Liêm; Nguyễn Văn Thành, xóm 19 Trực Liêm; Đỗ Văn Tịnh, xóm 2 Trực Liêm. Gắn bó với Hội SVC xã Liêm Hải hơn 20 năm, ông Đỗ Quang Tuyến ở xóm 9 Trực Hải đã xây dựng được một vườn cây cảnh đẹp rộng gần 1.000m2, trong đó chủ yếu là cây cảnh nghệ thuật, cây bon-sai, các loại hoa lan. Nhiều giống cây như: sanh, si, sung, lộc vừng, tùng la hán, tùng kim, mai, mộc hương, phong lan, địa lan... dưới bàn tay khéo léo, tinh tế của ông đã biến thành các tác phẩm nghệ thuật có giá trị kinh tế cao; nhiều cây có giá từ vài chục triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/cây. Thời điểm cây cảnh thịnh vượng gia đình ông thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm. Gần đây thị trường cây cảnh chững lại, ông duy trì ổn định thu nhập 100-200 triệu đồng/năm.

Giai đoạn 2016-2020, Hội SVC huyện Trực Ninh đã tham gia 2 Triển lãm SVC cấp tỉnh, 1 Triển lãm SVC toàn quốc. Triển lãm SVC tỉnh lần thứ III năm 2018 tổ chức tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp (thành phố Nam Định), các nghệ nhân SVC Trực Ninh đã mang đến trưng bày 109 tác phẩm (20 tác phẩm cỡ đại, 47 tác phẩm cỡ trung, 42 tác phẩm cỡ tiểu); trong đó có 5 giải Vàng, 14 giải Bạc và 15 giải Đồng. Triển lãm SVC toàn quốc tổ chức tại làng văn hóa Đồng Mô (Hà Nội) nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hội SVC Việt Nam, huyện Trực Ninh có 6 tác phẩm của nghệ nhân Trần Văn Hải (xã Việt Hùng) tham gia và đạt 1 giải Đồng. Phong trào SVC ở Trực Ninh không chỉ thỏa mãn đam mê với thú vui tao nhã mà còn mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với trên 6.000 người tham gia phát triển kinh tế từ SVC. Đến nay, toàn huyện có 98% hộ gia đình chơi cây cảnh. Cùng với hoạt động SVC, các hội viên còn tham mưu cho lãnh đạo chính quyền các địa phương chung tay chăm sóc, tôn tạo các cây cổ thụ, cây di sản trên địa bàn với 86 cây có tuổi đời trên 100 năm tuổi. Bên cạnh đó, các hội viên SVC huyện còn tích cực đóng góp ủng hộ thực hiện các tiêu chí “xanh - sạch - đẹp” cho phong trào xây dựng NTM. 5 năm qua, Hội SVC huyện đã ủng hộ gần 2.000 cây cho các công trình, đơn vị: Nghĩa trang liệt sĩ, nhà thờ, di tích, trường học, trạm y tế, trụ sở UBND các xã, thị trấn trên địa bàn.

Để phát triển kinh tế SVC, thời gian tới, Hội SVC huyện Trực Ninh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, lợi ích của SVC trong đời sống xã hội, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; nhân rộng các mô hình kinh tế SVC tiêu biểu ở các địa phương. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Hội Nông dân các cấp, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn huyện xây dựng chương trình đào tạo nghề SVC, mở các đợt tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề cho các hội viên. Hội SVC các xã, thị trấn xây dựng quy hoạch, định hướng sản xuất kinh doanh SVC; mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa, cây cảnh. Tích cực tham mưu cho lãnh đạo các địa phương xây dựng, hình thành các làng nghề SVC, trong đó quy hoạch xây dựng làng sinh thái SVC tại xã Trực Thái; tận dụng, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây cảnh, mở rộng mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế SVC./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com