Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng lớn đến công tác thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên cả 3 trụ cột chính là nguồn thu, chính sách thu và tổ chức thu. Tuy nhiên, thu NSNN năm 2021 của tỉnh đã đạt kết quả ấn tượng.
Sản xuất băng gạc y tế tại Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại An Lành (thành phố Nam Định). |
Theo Cục Thuế tỉnh, tổng thu ngân sách nội địa toàn tỉnh năm 2021 đạt 7.299 tỷ đồng, bằng 146% dự toán Trung ương giao, bằng 138% dự toán tỉnh giao, tăng 28% so với năm 2020. Đáng kể là kết quả đạt được vượt cao so với dự toán, tăng so với cùng kỳ; tất cả các huyện, thành phố đều hoàn thành vượt mức dự toán. Tiêu biểu như huyện Hải Hậu, tổng thu NSNN năm 2021 ước đạt 1.571 tỷ đồng; trong đó thu ngân sách trên địa bàn đạt 678,5 tỷ đồng, đạt 151% dự toán tỉnh giao và bằng 101% so với năm 2020. Nếu trừ thu tiền cấp quyền sử dụng đất thì tổng thu thường xuyên từ kinh tế trên địa bàn đạt 144,5 tỷ đồng, tăng 11,4% so với chỉ tiêu tỉnh giao và bằng 96% so với năm 2020. Đạt được kết quả ấn tượng trên phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự đồng thuận của cộng đồng người nộp thuế và nỗ lực vượt khó của tập thể công chức, người lao động ngành Thuế. Đặc biệt là sự phối hợp của các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh trong thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo các nghị quyết, nghị định của Quốc hội, Chính phủ. Trong năm 2021 ngành Thuế tỉnh đã gia hạn nộp thuế trên 310 tỷ đồng; miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, tiền chậm nộp khoảng 125 tỷ đồng cho gần 9.500 hộ kinh doanh và hàng nghìn lượt doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, cơ sở, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, phát triển kinh tế biển. Trong đó chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của huyện. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp, các làng nghề xây dựng sản phẩm OCOP và phát triển các ngành nghề thế mạnh của tỉnh như dệt may, sản xuất cơ khí, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm...
Nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 được xác định là hết sức khó khăn trong bối cảnh rủi ro, lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn; dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường với những biến chủng mới lây lan mạnh hơn, dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Trong năm 2022 tiếp tục thực hiện các chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 cũng sẽ làm giảm nguồn thu. Năm 2022, tỉnh đặt nhiệm vụ thu mục tiêu đạt tổng thu NSNN là 15.774 tỷ 156 triệu đồng (phần ngân sách địa phương được điều hành là 14.629 tỷ 156 triệu đồng), bao gồm: Thu NSNN trên địa bàn là 6.600 tỷ đồng, trong đó thu hoạt động xuất, nhập khẩu là 600 tỷ đồng; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương là 9.174 tỷ 156 triệu đồng. Trước tình hình đó, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2022, góp phần hoàn thành mục tiêu tài chính - ngân sách cả giai đoạn 2021-2025 đã đề ra, tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành xác định chỉ tiêu thu ngân sách tỉnh giao là mức tối thiểu và thực hiện hiệu quả quy định phân cấp nguồn thu theo địa bàn phát sinh khoản thu đúng tinh thần Nghị quyết số 58/2021/NQ-HĐND ngày 2-12-2021 của HĐND tỉnh về phương án phân bổ ngân sách tỉnh năm 2022. Đây là quy định mới giúp các địa phương gia tăng động lực quản lý, thu ngân sách theo tốc độ tăng trưởng kinh tế, gắn nhiệm vụ thu với nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành phải chú trọng quản lý, triển khai thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, các khoản thu từ đất đai vào NSNN. Tăng cường chống thất thu thuế với các biện pháp: Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định pháp luật về thuế như kê khai thuế, khai báo tên hàng, mã hàng, thuế suất, giá trị, số lượng... để kịp thời phát hiện các trường hợp gian lận, kê khai thuế không đúng, không đủ; ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế; quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế, chiếm đoạt tiền từ ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm tạo cơ sở tăng thu ngân sách bằng các giải pháp: Chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, thuỷ sản, du lịch, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới... Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, dịch vụ. Về phía ngành Thuế tỉnh, sẽ bám sát chỉ đạo của tỉnh, Tổng cục Thuế đẩy mạnh điện tử hóa, chuyển đổi số trong quản lý thuế, trọng tâm là triển khai hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế; đẩy mạnh chống gian lận thuế; quản lý thu các lĩnh vực còn tiềm năng, tiềm ẩn nhiều rủi ro như thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số...
Với các giải pháp đồng bộ kể trên, các cấp chính quyền, ngành chức năng tích cực đồng hành cùng người nộp thuế vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN năm 2022./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy