Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, thành phố Nam Định có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo các điều kiện đô thị trung tâm vùng theo tinh thần của Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, UBND thành phố xác định đi đôi với đầu tư xây dựng là phải nâng cao năng lực quản lý và phát triển đô thị. Với vị thế là đô thị tỉnh lỵ trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo của tỉnh; trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, đào tạo, y tế, dịch vụ du lịch của vùng Nam đồng bằng sông Hồng và là đô thị có các giá trị văn hóa lịch sử nổi trội; khu vực có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh, trong năm 2021 thành phố Nam Định đã và đang tập trung huy động, bố trí nguồn vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị.
Thành phố Nam Định hôm nay. Ảnh: Viết Dư |
Sau 10 năm được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I, được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương và của tỉnh, hạ tầng đô thị thành phố Nam Định thời gian qua được nâng cấp, mở rộng; diện mạo đô thị thay đổi rõ rệt; hệ thống thương mại, dịch vụ ngày càng hiện đại, đa dạng; công tác quản lý đô thị có sự chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; khẳng định vị thế của Thành Nam là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và cả vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đó, trong năm 2021, thành phố Nam Định đã tập trung triển khai lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố theo Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 17-9-2020 như: hoàn thành Đồ án Quy hoạch phân khu I (Phân khu trung tâm); hoàn thành điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu phường Lộc Vượng (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 7-1-2021), đang trình UBND tỉnh chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu phường Lộc Hòa; rà soát, tổng kết, đánh giá thi hành pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Theo đồng chí Nguyễn Trường Anh, Trưởng Phòng Quản lý đô thị, trong năm 2021, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Thành phố đã chỉ đạo UBND các phường, xã, các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xây dựng, kiểm soát trật tự xây dựng tại các khu đô thị, khu tái định cư, nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ. Trong năm qua, UBND thành phố đã tiếp nhận 1.500 hồ sơ xin cấp phép xây dựng; xử phạt 6 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; ban hành 2 Quy chế phối hợp và hướng dẫn xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai và trật tự xây dựng đô thị, đồng thời chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị phối hợp với Đội Trật tự đô thị, UBND các phường, xã tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo trật tự xây dựng trên địa bàn. Để đảm bảo hạ tầng đô thị luôn sáng - xanh - sạch - đẹp, công tác quản lý hè đường, hệ thống biển báo, tín hiệu đèn giao thông, sơn vạch kẻ đường; điện chiếu sáng, cây xanh, thoát nước thường xuyên được duy tu, kiểm soát định kỳ. Duy trì vận hành tốt các cụm đèn tín hiệu, biển báo giao thông trên toàn thành phố; khắc phục kịp thời các sự cố liên quan đến biển báo giao thông, biển tên đường phố, dải phân cách. Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư và tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện, nhất là hạ tầng giao thông, tiêu thoát nước, chỉnh trang đô thị.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố, trong năm 2021 đã giải ngân 100% vốn kế hoạch năm với tổng trị giá thực hiện ước đạt trên 301 tỷ đồng (trong đó giá trị xây lắp đạt 187,2 tỷ đồng); đã hoàn thành quyết toán tài chính 11 dự án, công trình. Trong năm, thành phố đã hoàn thành thi công 4 công trình gồm: xây dựng cống thoát nước đường Kênh (đoạn từ đường Đông A đến cống Quán Tây); xây dựng cống thoát nước mạ điện (đoạn từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến đường Song Hào); cải tạo, nâng cấp đường Kênh (đoạn từ đường Điện Biên đến đường Đông A); cải tạo xây dựng nhà học, khu hiệu bộ và một số hạng mục phụ trợ Trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Bên cạnh các công trình đã hoàn thành, trên địa bàn thành phố cũng triển khai một số công trình, dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng gồm: tuyến đường trục phía Nam thành phố (đoạn nối từ tỉnh lộ 490C đến vị trí giao với đường dẫn cầu Tân Phong) đã hoàn thành ước đạt 97% giá trị hợp đồng; xây dựng khu đô thị mới phía Nam sông Đào giai đoạn I đã hoàn thành 70% giá trị hợp đồng, giai đoạn II được tiếp tục khởi công tháng 11-2021, đến nay khối lượng đạt 15% hợp đồng; xây dựng đường Lưu Hữu Phước kéo dài (đoạn từ đường Thanh Bình đến Khu đô thị Mỹ Trung và Khu Tái định cư Liên Hà 1) khối lượng đạt 90% giá trị hợp đồng… Trong tháng 12-2021, thành phố đã khởi công thêm 2 công trình gồm: xây dựng đường gom Quốc lộ 10 (đoạn từ đường trục phường Lộc Vượng đến đường Phù Nghĩa) tiến độ đạt 10% giá trị hợp đồng và xây dựng Khu Tái định cư phường Lộc Vượng tiến độ đạt 5% giá trị hợp đồng. Trong năm 2021, thành phố còn có 12 công trình được phê duyệt chủ trương đầu tư; 8 dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo kinh tế kỹ thuật. Trong đó có một số dự án lớn là: dự án xây dựng cầu qua sông Đào (nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi) dài khoảng 1,6km, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng và dự án xây dựng đường trục phía Nam thành phố (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B) dài 6,8km với tổng mức đầu tư 1.499 tỷ đồng.
Năm 2022, để tiếp tục tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng đô thị, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 thành phố Nam Định chủ trương: thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; tăng cường quản lý đô thị; tập trung xây dựng thành phố văn minh, hiện đại gắn với đô thị thông minh... Để thực hiện được mục tiêu đó, thành phố Nam Định tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý Nhà nước về quản lý quy hoạch kiến trúc và xây dựng, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi như các công trình: đường trục phía Nam thành phố (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); các tuyến đường gom Quốc lộ 10; cầu vượt sông Đào./.
Thành Trung