Về các làng nghề truyền thống dịp cuối năm ai cũng cảm nhận được không khí ngày Tết đã đến thật gần khi nhà nhà, người người tất bật chạy đua với thời gian để đưa sản phẩm ra thị trường kịp phục vụ người dân trong những ngày Tết đến, Xuân về, vừa gửi được chút tâm, tài làng nghề đến với khắp nơi.
Sản xuất tại làng nghề nước mắm Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy). Ảnh: Chu Thế Vĩnh |
Làng nghề chế biến lương thực - thực phẩm xóm 13, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) những ngày này, các xưởng chế biến miến dong, miến gạo luôn đỏ lửa, thợ hăng say làm việc cả ngày lẫn đêm quên cả rét, mệt. Ngoài đường làng, các loại ô tô, xe máy chuyên chở nguyên liệu đến, vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ ra, vào tấp nập. Ven đường làng, ngõ xóm, những nong, phên phơi miến phủ kín cả một vùng. Chúng tôi tìm đến xưởng sản xuất của gia đình ông Trần Văn Thế - một trong những cơ sở có quy mô lớn nhất làng nghề với hệ thống máy sản xuất liên hoàn. Ông Thế cho biết: “Thời gian này đang là cao điểm phục vụ thị trường Tết nên gia đình chúng tôi phải nỗ lực cao độ để kịp thời hạn giao hàng. Trước Tết hơn một tháng, ngày nào cũng vậy, chúng tôi phải làm việc từ sáng sớm tới tối mịt. Giờ đã có máy công nghiệp song gia đình vẫn phải thuê thêm hơn chục lao động để gia tăng sản lượng. Ngày thường, mỗi tháng nhà tôi cung ứng ra thị trường khoảng chục tấn hàng nhưng dịp cuối năm sản lượng miến bán ra lên đến vài chục tấn”. Anh Trần Văn Bân có hơn 20 năm kinh nghiệm chia sẻ: Nghề sản xuất miến ở đây làm quanh năm quanh năm, song dồn dập nhất vào những tháng giáp Tết. Để giữ được “nét riêng” của sản phẩm miến Nghĩa Lâm, người làm nghề trong làng luôn phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình từ khâu lựa chọn nguyên liệu tự nhiên, không pha trộn, không sử dụng chất tẩy trắng, cùng những bí quyết gia truyền tạo cho sợi miến có hương vị thơm đặc trưng, vừa sạch, vừa dai, vừa giòn, nấu chín không bị nát. Tất cả những ưu điểm ấy làm nên thương hiệu tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề giúp tiêu thụ thuận lợi, thu nhập tăng. Các hộ làm nghề rất phấn khởi và càng tích cực sản xuất để có khoản thu đáng kể chi tiêu dịp Tết.
Từ nhiều thế kỷ trước đến nay Nam Định được biết đến là đất “trăm nghề”, nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống lâu đời với những sản phẩm có tính độc đáo, chứa đựng hồn cốt của dân tộc, sắc màu văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương trong tỉnh. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các làng nghề đều hối hả, khẩn trương, tất bật vào vụ sản xuất chính, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục nghìn lao động, mà còn mang đến những sản phẩm độc đáo, đặc sắc phục vụ người tiêu dùng. Qua các làng nghề mộc truyền thống như: La Xuyên, Ninh Xá, Lũ Phong ở xã Yên Ninh (Ý Yên); Phạm Rỵ, xã Hải Trung và Kim Thành, xã Hải Vân (Hải Hậu); Kênh, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh)… khắp đường làng, ngõ xóm nơi đâu cũng tràn ngập âm thanh của tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục đẽo gỗ tạo ra các sản phẩm từ thông dụng như giường, tủ, bàn ghế… đến các đồ trang trí nội thất, đồ thờ được chạm khắc tỉ mỉ với những nét hoa văn độc đáo. Những người thợ ở các làng nghề đúc đồng Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên); Đồng Quỹ, xã Nam Tiến (Nam Trực); Kiên Lao (Xuân Trường)… đang miệt mài hoàn thành các sản phẩm đồ thờ như hạc, rùa, cuốn thư, đỉnh, lư hương, hoành phi, câu đối, tượng, khánh, chuông… Các làng nghề trồng cây cảnh truyền thống Vị Khê, Lã Điền, Trừng Uyên ở xã Điền Xá (Nam Trực), các nghệ nhân cũng khéo léo tạo hình nghệ thuật cho các cây thế, cây cảnh phục vụ khách hàng có nhu cầu trang trí khuôn viên, công sở, phòng làm việc… trong dịp Tết.
Nghệ nhân làng nghề cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) tạo thế cây cảnh dáng trực hoành. Ảnh: Ngọc Ánh |
Những năm qua, cùng với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các làng nghề truyền thống, tỉnh đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho các làng nghề, trong đó tập trung phát triển các làng nghề theo hướng sản xuất hàng hóa thông qua việc hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại hiện đại; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân vào đầu tư phát triển sản xuất… Để tăng giá trị sản phẩm, các doanh nghiệp, hộ sản xuất làng nghề đã chủ động đầu tư các loại máy móc, đổi mới thiết bị, cải tiến dần các phương thức sản xuất thủ công truyền thống không còn phù hợp, năng suất thấp hay công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Nhờ đó sản phẩm vừa giữ được vẻ đẹp tinh xảo, truyền thống nhưng cũng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện đại. Với hướng đi phù hợp, các làng nghề trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định, duy trì được mức tăng trưởng khá, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm ổn định cho gần 45 nghìn lao động địa phương. Việc duy trì, phát triển làng nghề truyền thống còn góp phần quan trọng bồi đắp giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc của quê hương.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, các làng nghề truyền thống được cọ xát trăn trở tìm hướng đi và tồn tại, kế thừa, trao truyền những tinh hoa kỹ thuật được chắt lọc qua bao đời cho thế hệ tiếp nối. Để rồi mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người thợ ở các làng nghề với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo cùng niềm đam mê sáng tạo bất tận của mình dâng đời những sản phẩm mang đậm nét văn hóa quê hương./.
Ngọc Ánh