Thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số thì việc xây dựng hạ tầng số là nhiệm vụ cốt lõi, chiến lược phải “đi trước một bước”, nhiệm vụ này đã được tỉnh ta tích cực triển khai hiệu quả.
Cán bộ Chi cục Hải quan Nam Định ứng dụng phần mềm khai hải quan điện tử trong giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. |
Tỉnh đã chủ động nhận diện hiện trạng để đưa ra định hướng khắc phục, xử lý những điểm tồn tại nhằm bảo đảm đầu tư hạ tầng số hiệu quả theo hướng đồng bộ, hiện đại, tránh lãng phí, chệch nhịp ứng dụng công nghệ mới với hạ tầng số của quốc gia. Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) dùng chung của tỉnh đã từng bước được nâng cấp đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành an toàn, thông suốt; 100% cơ quan, địa phương được đầu tư trang thiết bị CNTT, lắp đặt hệ thống mạng LAN, kết nối internet tốc độ cao; 100% cơ quan kết nối mạng diện rộng, mạng truyền số liệu chuyên dùng từ cấp tỉnh đến cấp xã; 100% cán bộ, công chức có máy tính kết nối internet phục vụ công tác chuyên môn. Trung tâm Dữ liệu tỉnh được vận hành ổn định các thiết bị phần cứng, phần mềm cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, an ninh thông tin. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng viễn thông, CNTT của tỉnh còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển internet vạn vật, thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh. Hạ tầng vật lý (hệ thống máy tính, máy chủ, máy chuyên dùng cảm biến, hệ thống phân tích số liệu...) chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các phương thức quản lý thông minh. Hệ thống hạ tầng CSDL dùng chung, quy mô toàn tỉnh, kết nối toàn quốc tạo nền tảng cho kinh tế số còn phân tán, thiếu, chưa được chuẩn hóa và đồng bộ. Hạ tầng thanh toán số cũng chưa đồng bộ, chưa tận dụng được các hạ tầng chung, độ phủ chưa lớn. Tỉnh đã huy động tối đa mọi nguồn tài chính gồm ngân sách Nhà nước, nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và nguồn kinh phí hợp pháp khác để đầu tư xây dựng hạ tầng số. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tỉnh tập trung đầu tư các nhóm cơ sở hạ tầng vật lý, các hệ thống thông tin nền (HTTT) nền tảng dùng chung, CSDL dùng chung thuộc khối cơ quan Nhà nước và phục vụ cung ứng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Tỉnh khuyến khích người dân chủ động đầu tư hạ tầng số theo nhu cầu sử dụng, phát triển của cá nhân, đơn vị; nhất là các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần tăng tốc hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng số theo hướng tham gia sâu vào nền kinh tế số toàn cầu. Huy động, khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông, CNTT đẩy mạnh chuyển đổi từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số đảm bảo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cả phù hợp. Tỉnh chú trọng sử dụng hình thức thuê dịch vụ CNTT do các doanh nghiệp CNTT trong nước đáp ứng yêu cầu về chất lượng, giá cả cung cấp. Theo đó, tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số, trong đó có nhiệm vụ hợp tác phát triển hạ tầng, nền tảng, dữ liệu số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với Tập đoàn VNPT và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Trong năm 2021, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã đẩy mạnh đầu tư phủ sóng các vùng lõm sóng 3G, 4G, vùng chưa có đường truyền internet cáp quang. Dự kiến, đến hết quý II-2022 trên toàn tỉnh không còn vùng lõm sóng 4G và phủ internet cáp quang đến 100% địa bàn vùng dân cư. Từ năm 2020, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh và vận hành thí điểm một số dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh (cung cấp thông tin chung từ chính quyền; thông tin về: y tế, giao thông; du lịch; giáo dục và đào tạo; dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương; hỗ trợ du khách; tổng hợp thông tin; phản ánh hiện trường...). Hết năm 2021, toàn tỉnh đã triển khai hiệu quả các HTTT nền tảng dùng chung của quốc gia: Hệ thống CSDL quốc gia về thủ tục hành chính (TTHC), HTTT về văn bản quy phạm pháp luật, HTTT lý lịch tư pháp, HTTT quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hệ thống CSDL quốc gia về khiếu nại, tố cáo, hệ thống CSDL về cán bộ công chức giúp xây dựng môi trường nhập dữ liệu và khai thác dữ liệu thống nhất từ Trung ương tới địa phương trên môi trường mạng; cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin quản lý. Đã xây dựng, triển khai có hiệu quả các HTTT nền tảng, dùng chung của tỉnh gồm các phần mềm: Quản lý văn bản và điều hành, Một cửa điện tử tích hợp Cổng cung cấp dịch vụ công, chứng thư số chuyên dùng, quản lý cán bộ công chức, quản lý thư điện tử công vụ. Các CSDL dùng chung về cung cấp dịch vụ công (CSDL TTHC, CSDL văn hóa, du lịch, CSDL người dùng, CSDL kết quả giải quyết TTHC) đã xây dựng, hoàn thiện, sẵn sàng kết nối, liên thông với nền tảng tích hợp LGSP của tỉnh, chia sẻ dữ liệu quốc gia NGSP. Các CSDL ứng dụng HTTT địa lý (GIS) dùng chung (CSDL nền địa hình, CSDL địa chính, CSDL quy hoạch sử dụng đất, đô thị, giao thông tỉnh, đầu tư, CSDL hiện trạng sử dụng đất, xây dựng, dự án đầu tư, thống kê), các HTTT và CSDL GIS chuyên ngành về y tế, du lịch, viễn thông, lao động được xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng... Các ứng dụng CNTT được đầu tư phát triển kịp thời, hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước, quản lý chuyên ngành, lĩnh vực và đặc biệt là phục vụ công tác cải cách hành chính. Đáng kể, 100% cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến xã triển khai phần mềm Một cửa điện tử tích hợp Cổng cung cấp dịch vụ công, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân. Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được kết nối với Cổng cung cấp dịch vụ công quốc gia; cung cấp 976 dịch vụ công mức độ 3, 4 của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối với nền tảng thanh toán trực tuyến của Chính phủ và kết nối đến HTTT của một số bộ, ngành, như: phần mềm cấp lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp, phần mềm đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến nay, 100% các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh niêm yết công khai 100% TTHC của 3 cấp chính quyền là tỉnh, huyện, xã, cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đủ điều kiện; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,5%.
Để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số, năm 2022, tỉnh tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng mạng, hạ tầng kết nối, hạ tầng an toàn thông tin tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh. Xây dựng mạng diện rộng (WAN) của tỉnh, qua đó tổ chức tái cấu trúc hạ tầng CNTT của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo hướng kết hợp giữa mô hình tập trung và mô hình phân tán dựa trên các công nghệ điện toán đám mây nhằm khai thác sử dụng hiệu quả hạ tầng hiện có, đồng thời tăng cường khả năng bảo mật, sao lưu, phòng chống thảm họa, bảo đảm vận hành ổn định, an toàn thông tin, an ninh mạng của các HTTT, cơ sở dữ liệu. Đầu tư thiết bị, phần mềm bảo vệ hạ tầng mạng diện rộng, hỗ trợ theo dõi, phân tích sự kiện an toàn thông tin, phát hiện và phòng, chống xâm nhập cho các HTTT trước các cuộc tấn công mạng từ ngoài vào, đồng thời kiểm soát được các vấn đề bên trong hệ thống mạng. Phát triển hạ tầng mạng internet kết nối vạn vật (loT); xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số. Tiếp tục phát triển các HTTT nền tảng dùng chung của tỉnh và tích hợp, kết nối với nền tảng Chính phủ điện tử quốc gia.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai, phát triển các CSDL quốc gia trên địa bàn tỉnh, CSDL chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tỉnh hướng tới từng bước hình thành các hệ thống CSDL dùng chung, CSDL mở cấp tỉnh. Phát triển các ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan Nhà nước; ứng dụng CNTT phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy