Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) phi nông nghiệp trong tỉnh đã phát huy hiệu quả hoạt động, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.
Sản xuất lò sấy nông sản tại HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp và cơ khí Xuân Trường (Xuân Trường). |
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 475 HTX trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế; trong đó các HTX phi nông nghiệp gồm: 30 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 1 HTX xây dựng, 3 HTX thương mại, 20 HTX vận tải, 13 HTX khác và 42 Quỹ tín dụng nhân dân. Hầu hết các HTX lĩnh vực phi nông nghiệp đều tổ chức hoạt động phù hợp với Luật HTX năm 2012; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên. Đến ngày 31-12-2021, HTX lĩnh vực phi nông nghiệp (trừ Quỹ tín dụng nhân dân) có tổng số vốn hoạt động 2.670 tỷ đồng; tổng doanh thu của HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 59 tỷ đồng, HTX Thương mại 9,2 tỷ đồng, HTX Vận tải 1.138 tỷ đồng, các HTX khác 85 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động của HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 43 triệu đồng/người/năm, HTX Thương mại 37,5 triệu đồng/người/năm, HTX Vận tải 45,5 triệu đồng/người/năm, các HTX khác 42 triệu đồng/người/năm. Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thị trường, mạnh dạn đầu tư thiết bị, phương tiện để duy trì mở rộng sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập cho thành viên, người lao động. Tiêu biểu như HTX Vận tải Hoà Bình (thành phố Nam Định) kinh doanh vận tải hành khách trong bối cảnh thị trường kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nói chung, đặc biệt là kinh doanh vận tải hành khách nói riêng ngày càng cạnh tranh gay gắt, Hội đồng quản trị HTX đã năng động tìm giải pháp đột phá cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. HTX đã tập trung đổi mới cơ chế quản lý, tích cực hỗ trợ thành viên nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải một cách cơ bản; tư vấn, tạo điều kiện pháp lý cho thành viên huy động nguồn tài chính tự có làm vốn đối ứng vay tín dụng tại các Ngân hàng Thương mại cổ phần để đầu tư đổi mới phương tiện. Trong 4 năm (2016-2019) các thành viên trong HTX đã mua mới 42 xe với tổng tải trọng 1.346 chỗ (trong đó có 29 xe giường nằm) với tổng giá trị hơn 105 tỷ đồng, qua đó đã nâng cao năng lực, chất lượng vận tải hành khách trên các tuyến liên tỉnh, nhất là các tuyến liên tỉnh phía Nam mà đơn vị đăng ký khai thác. Năm 2021 mặc dù tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng HTX Vận tải Hòa Bình vẫn động viên cán bộ, công nhân viên vươn lên trong kinh doanh. HTX Nước sạch và Môi trường Sông Đào thành lập tháng 12-1997, đi vào hoạt động từ tháng 3-1998, cung cấp nước sạch cho gần 4.000 hộ dân của thị trấn Nam Giang và toàn bộ khối cơ quan hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn trung tâm huyện Nam Trực. HTX ngày càng hoạt động ổn định, kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm tăng lên rõ rệt, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, đời sống của cán bộ thành viên HTX và người lao động được nâng cao, 100% thành viên được đóng BHXH, đóng góp ngân sách Nhà nước mỗi năm trên 500 triệu đồng. HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ Trung Hiếu, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) được thành lập năm 2015 theo Luật HTX năm 2012, ban đầu với 8 thành viên sáng lập, đến nay đã có 786 thành viên đại diện hộ nằm trên địa bàn 3 xã. HTX có 11 ngành nghề được cấp chứng nhận đăng ký khi thành lập, trong đó hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ chính sản xuất các loại sản phẩm bao bì, đồ thủ công mỹ nghệ đan bằng cói xuất khẩu. Doanh thu của HTX năm 2021 dự kiến đạt 9,2 tỷ đồng; tạo thu nhập cho thành viên từ 3,5 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng…
Sự phát triển của các HTX lĩnh vực phi nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong các lĩnh vực sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa cho nông dân, đa dạng loại hình dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, đóng vai trò khá quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nói chung, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp nói riêng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kế hoạch, chương trình hành động, văn bản chỉ đạo và các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX phù hợp với từng giai đoạn. Để nâng cao năng lực quản lý, điều hành trong HTX, thực hiện đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX của Chính phủ, hàng năm UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý HTX thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh HTX tỉnh. Giai đoạn 2012-2021, tổng kinh phí hỗ trợ trên 13,7 tỷ đồng, đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 17.025 lượt cán bộ quản lý và thành viên HTX. UBND tỉnh cũng đã giao Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thực tế để đổi mới thủ tục cho vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi giúp các HTX tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại. Liên minh HTX tỉnh tích cực thường xuyên tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đề xuất các giải pháp phát triển KTTT, HTX của tỉnh; tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện Luật HTX, các chính sách pháp luật liên quan tới kinh tế HTX; tư vấn hỗ trợ thành lập; theo dõi, nắm bắt kết quả hoạt động của các HTX.
Với sự quan tâm các HTX lĩnh vực phi nông nghiệp của tỉnh ngày càng đổi mới, phát triển, hiệu quả ngày càng rõ nét. Các HTX đã có bước chuyển căn bản về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát triển thêm nhiều ngành nghề mới, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị, phát triển chuỗi cung ứng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của các HTX, khẳng định vai trò, giá trị đích thực của KTTT, HTX trong phát triển kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Lam Hồng