Giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc, áp dụng nguyên tắc 5K... để phòng dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu giao dịch tài chính trực tuyến gia tăng đột biến. Năm 2021, hàng loạt các ngân hàng đã triển khai hàng loạt các dịch vụ trực tuyến như gửi tiết kiệm trực tuyến, cho vay trực tuyến để thu hút khách hàng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Đến nay, các ngân hàng đã cho ra mắt dịch vụ mở thẻ tín dụng trực tuyến để đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch của khách hàng.
Đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng trực tuyến giúp khách hàng không mất thời gian chờ đợi và chi phí đăng ký mở thẻ mới (Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Bắc Nam Định). |
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-NHNN ngày 16-11-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30-6-2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; trong đó, bổ sung quy định: Tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử. Từ ngày 1-1-2022, người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức trực tuyến, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc khi dịch COVID-19 phức tạp. Ngoài ra, mở thẻ phi vật lý sẽ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, đẩy nhanh quá trình số hóa các dịch vụ ngân hàng, hướng tới mô hình ngân hàng số “đúng nghĩa” trong tương lai. Với loại hình dịch vụ mở thẻ này, khách hàng không cần phải trực tiếp đến chi nhánh làm thủ tục phức tạp mà chỉ cần thao tác đơn giản trên điện thoại đã có thể mở thẻ online hoàn toàn miễn phí, tính bảo mật cao. Một chiếc thẻ tín dụng điện tử không chỉ đáp ứng được nhu cầu mua sắm online nhanh chóng mà còn giúp khách hàng được nhận thêm nhiều ưu đãi từ ngân hàng như thẻ vật lý thông thường. Bởi vậy không có gì bất ngờ khi những chiếc thẻ tín dụng điện tử nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Thẻ này tích hợp đầy đủ các chức năng của một chiếc thẻ tín dụng vật lý như chi tiêu ngắn hạn (tối đa 45 ngày) được miễn lãi, hưởng nhiều chương trình ưu đãi, quản lý chi tiêu dễ dàng, khả năng mua trả góp hàng lãi suất 0%, mua sắm online nhanh chóng... là những đặc điểm cơ bản của cả thẻ điện tử và thẻ vật lý. Tuy nhiên, thẻ tín dụng điện tử lại sở hữu thêm lợi thế “ghi điểm” với người sử dụng bởi sự tiện lợi, an toàn. Thay bằng việc phải mang theo thẻ hoặc tiền mặt có nguy cơ bị trộm, rơi mất, không đảm bảo an toàn phòng tránh dịch... thẻ điện tử này sẽ hỗ trợ khách hàng thanh toán chỉ thông qua vài cú bấm trên điện thoại.
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Chi nhánh Nam Định, với ứng dụng MBBank cài sẵn, khách hàng có thể mở thẻ thanh toán nội địa MB Active Plus phi vật lý trực tuyến ở bất cứ nơi đâu và bắt đầu chi tiêu chỉ sau vài phút đăng ký. Thẻ thanh toán nội địa MB Active Plus phi vật lý là sản phẩm tài chính - ngân hàng chứa hàm lượng công nghệ cao, dẫn đầu xu thế số với các tiện ích như đăng ký mở thẻ siêu tốc, hoàn toàn miễn phí, không phải chứng minh thu nhập với App MBBank và tận hưởng các tính năng ưu việt như: Mở tài khoản trùng số điện thoại, số thần tài, tứ quý; Phát hành thẻ trực tuyến với công nghệ định danh eKYC; Thanh toán bằng mã VietQR và miễn trọn đời phí đăng ký, phí thường niên...Với chức năng tương tự như thẻ cứng, chủ thẻ thanh toán nội địa MB Active Plus phi vật lý có thể rút tiền mặt qua App MBBank tại tất cả các điểm giao dịch, bao gồm các cây ATM, CRM (máy gửi rút tiền tự động), phòng giao dịch MB hoặc hệ thống MB SmartBank trên toàn quốc. Bên cạnh đó, khi sở hữu thẻ phi vật lý MB Active Plus, khách hàng có thể xem thông tin thẻ ngay trên App MBBank, thuận tiện giao dịch trực tuyến mà không cần mang theo thẻ cứng; Thiết lập và thay đổi mã PIN dễ dàng ngay trên App, bảo vệ thông tin cá nhân tốt hơn; đóng/mở tính năng chi tiêu của thẻ trên App MBBank để giảm thiểu những sự cố thanh toán ngoài ý muốn; phòng ngừa rủi ro mất thẻ, lộ thông tin thẻ so với thẻ vật lý truyền thống... Ngoài ra, thẻ MB Active Plus phi vật lý có thể liên kết với nhiều loại ví điện tử khác như MoMo, ShopeePay, ZaloPay, ViettelPay, Moca, VinID,... có kèm theo vô số ưu đãi khi mua sắm và sử dụng dịch vụ. Từ gọi xe công nghệ, ăn uống tại nhà hàng, săn đơn hàng giảm giá trên các sàn thương mại điện tử cho đến chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng… Từ ngày 5-11 đến hết ngày 30-4-2022, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Nam Định đã đưa ra khuyến mãi “Mở thẻ ảo - Hoàn tiền thật” áp dụng cho khách hàng mở mới thẻ phi vật lý. Theo đó, VPBank sẽ hoàn tiền 300 nghìn đồng cho khách hàng mở thẻ tín dụng phi vật lý và chi tiêu trong vòng 30 ngày kể từ ngày mở thẻ đạt từ 600 nghìn đồng trở lên. Thẻ VPBank Super Shopee không chỉ tặng khách hàng phiếu giảm giá mua sắm tại sàn thương mại điện tử Shopee mà còn có tỷ lệ hoàn tiền hấp dẫn lên đến 10%, giúp khách hàng có những khoảng thời gian mua sắm trực tuyến dễ dàng, tiện nghi hơn. Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank) Chi nhánh Nam Định cũng cung cấp dịch vụ mở Thẻ tín dụng phi vật lý Sacombank nhận thông tin thẻ trả trước qua email. Kích hoạt và sử dụng sau khi giao dịch hoàn tất, thanh toán chuyển khoản trên eBanking. Hạn mức tiền nạp vào thẻ là 30 triệu đồng đồng/lần, 100 triệu đồng/ngày. Có tất cả mọi tính năng giao dịch, mua sắm, chuyển khoản thanh toán online, xác thực tài khoản quốc tế như thẻ chính. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng cho phép mở thẻ tín dụng phi vật lý (visa Card Prepaid) trực tuyến để phục vụ mục đích thanh toán các giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, để thẻ có thể hoạt động như thẻ vật lý khách hàng cần nạp tiền vào thẻ mới có thể sử dụng được. Hạn mức nạp tiền vào thẻ tín dụng điện tử Vietinbank là từ 5 triệu đồng/lần. Hạn chế duy nhất của các thẻ điện tử là khách hàng không thể rút tiền tại các điểm ATM.
Có thể nói xu thế phát hành “thẻ điện tử” của các ngân hàng kịp thời đáp ứng yêu cầu “chung sống” với dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện “bình thường mới”, góp phần không nhỏ giúp người dân tiếp cận nhanh và dễ dàng hơn các dịch vụ hiện đại của ngân hàng số. Đây là một trong các tiền đề thúc đẩy nhanh nền kinh tế số, đưa xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, không tiếp xúc ngày càng phổ biến hơn./.
Bài và ảnh: Đức Toàn