Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều địa phương phải thực hiện biện pháp giãn cách phòng chống dịch COVID-19 cộng với giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển, cung ứng hàng hóa khiến giá nhiều loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao. Cụ thể giá phân bón tăng 40-50%; giống cây trồng tăng 10-15%; thuốc bảo vệ thực vật tăng 10-20%; thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản tăng 15-20%; thuốc thú y, thuỷ sản tăng 10-15% so với năm trước. Trong khi đó, giá bán một số nông sản lại lên xuống bấp bênh và thiên về chiều hướng giảm (giá cá thương phẩm giảm 10-15%; thịt lợn hơi giảm từ 30-50%…) đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân. Trước thực trạng này, ngành Nông nghiệp, doanh nghiệp cung ứng vật tư sản xuất và người nông dân đã có nhiều giải pháp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào của các khâu sản xuất.
Phụ phẩm sau khi chế biến dầu lạc được người dân xã Yên Nhân (Ý Yên) tận dụng phối trộn làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm. |
Các cơ quan chức năng của tỉnh đã siết chặt quản lý, giám sát các yếu tố cấu thành, ngăn ngừa gian thương lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra chất lượng các loại vật tư phục vụ nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi… hạn chế tối đa tình trạng gian lận về chất lượng vật tư đầu vào của sản xuất. Hướng dẫn người dân tự chế biến thức ăn chăn nuôi, phân bón vi sinh và tự nhân giống cây trồng đảm bảo chất lượng, khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, giảm chi phí đầu vào, tạo nguồn nông sản sạch, an toàn phục vụ chế biến, xuất khẩu, hạn chế chi tiêu giảm chi phí đầu vào trong thời điểm khó khăn. Đẩy mạnh thông tin tình hình thị trường tiêu thụ nông sản, đưa ra các dự báo về vật tư đầu vào trong từng thời điểm để người nông dân chủ động định hướng sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện của mình, bảo đảm lợi nhuận. Cùng với ngành chức năng, hầu hết các doanh nghiệp cung ứng thức ăn chăn nuôi, phân bón trên địa bàn tỉnh đã có nhiều biện pháp chia sẻ, hỗ trợ người nông dân khắc phục khó khăn. Trong đó, các đại lý cấp I đã chú trọng nhập hàng lúc giá chưa thật cao để có hàng cung ứng cho bà con nông dân rớt giá hợp lý, không bị tăng quá cao thời điểm chính vụ giá phân bón, thức ăn chăn nuôi bị đẩy lên cao. Đồng thời hỗ trợ đại lý cấp II và người trực tiếp sản xuất sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi theo hình thức trả chậm. Các doanh nghiệp cung ứng phân bón đã ưu tiên nhập, bán dòng sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, ít bị tăng giá thất thường, đột biến như sản phẩm có nguồn gốc hóa học. Công ty TNHH Thương mại Vật tư nông nghiệp Tấn Anh, xã Yên Thắng (Ý Yên) đã thực hiện trợ giá và hỗ trợ gần 500 đại lý cung ứng khoảng 15 nghìn tấn phân bón cho người dân trên địa bàn. Trong đó tập trung chủ yếu vào sản phẩm phân bón có nguồn gốc hữu cơ vi sinh để hạn chế chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời nghiên cứu đặt hàng riêng nhà sản xuất sản phẩm phân bón Ong Bay với tiêu chuẩn chất lượng thành phần N-P-K là 15.15.10 để cung cấp độc quyền cho bà con nông dân trong khu vực. Giám đốc Công ty Bùi Đức Tấn cho biết, trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng phi mã, Công ty tích cực định hướng, hỗ trợ người dân sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ để giảm chi phí đầu vào và bảo vệ đất trồng giảm ô nhiễm vì hóa chất. Cùng với các ngành chức năng, doanh nghiệp, người nông dân cũng tự tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý nguyên liệu là phế phẩm, phụ phẩm của các khâu sản xuất nông nghiệp phân bón, làm thức ăn chăn nuôi. Trang trại của anh Trần Hữu Chung xã Giao Lạc (Giao Thủy) đã áp dụng biện pháp tự ủ phân hữu cơ cho từng loại cây trồng. Trong đó phân bón tự chế từ nguyên liệu cá anh dùng cho hầu hết các loại cây lấy củ, cây ăn lá; riêng cây cà chua, anh sử dụng phân bón làm từ trứng gà, trứng vịt. Đối với thuốc trừ sâu, thay vì sử dụng sản phẩm nguồn gốc hóa học, anh tự pha chế bằng gừng, tỏi, ớt và một số dung môi khác để bẫy diệt sâu. Với cách làm này trang trại gần 10ha của anh không phải sử dụng đến phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, vừa đảm bảo cung cấp sản phẩm an toàn lại tiết kiệm chi phí. Ở những vùng nuôi thủy sản truyền thống, các hộ nuôi điều chỉnh cơ cấu, giảm tỷ lệ loài cá “ăn hỗn” tiêu tốn thức ăn như rô phi, cá chim, diêu hồng; đồng thời thay vì dùng 100% thức ăn công nghiệp, hộ nuôi tích cực phối trộn thức ăn theo công thức sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên tại địa phương như gạo, cám, ngô, cá bột, thân chuối, bèo, rau củ, thậm chí là các loại thảo dược tự nhiên như cỏ mền trầu, lá tài bi (cúc tần), sắn thuyền và lá chùm ngây, mầm thóc. Anh Trần Văn Phòng ở vùng nuôi xã Mỹ Hà (Mỹ lộc) cho biết: Tự phối trộn thức ăn giảm đáng kể chi phí so với sử dụng thức ăn công nghiệp, không chỉ giúp chúng tôi khắc phục khó khăn về giá nguyên liệu đầu vào mà còn giúp cho con nuôi đạt chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên áp dụng cách này chủ trang trại phải nắm vững công thức phối trộn và các nguyên tắc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh môi trường ẩm ướt gây nấm mốc để không tạo nguồn bệnh cho đàn vật nuôi, cây trồng.
Với những giải pháp thiết thực kể trên đã góp phần giúp bà con nông dân trên toàn tỉnh khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất ổn định, phát triển để nông nghiệp tiếp tục giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương