Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) năm 2021 gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Chương trình OCOP đã đạt được kết quả tích cực, góp phần hoàn thành tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Sản phẩm gạo sạch đóng hút chân không của Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP hạng 4 sao năm 2021. |
Năm 2021 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Chương trình OCOP, vì vậy UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, thực hiện chương trình. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện tốt các nội dung Chương trình OCOP theo kế hoạch. Các địa phương, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đã chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm truyền thống làng nghề và quan tâm đầu tư, cải tiến, nâng cấp sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP. Tổ chức tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2021. Các sở, ngành, tổ chức hội, đoàn thể của tỉnh đã tích cực triển khai lồng ghép nội dung Chương trình OCOP vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP 2021 trên địa bàn, kiện toàn thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, cơ sở sản xuất đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2021. Một số huyện đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn như: huyện Ý Yên hỗ trợ 10 triệu đồng/sản phẩm đạt chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/cơ sở; huyện Giao Thủy ban hành Đề án khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP huyện Giao Thủy giai đoạn 2021-2025; huyện Hải Hậu hỗ trợ kinh phí xây dựng video quảng bá các sản phẩm cho cơ sở sản xuất. Các xã, phường, thị trấn đã rà soát và tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất đăng ký tham gia thực hiện chương trình. Công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP cũng được duy trì thường xuyên trên Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, trên website của Chương trình và tại các hội nghị chuyên đề của các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, của huyện. Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản tuyên truyền trong hệ thống trường học và cán bộ giáo viên sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh; Hội Phụ nữ tỉnh phát động các phong trào thi đua hội viên khởi nghiệp và 101 cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT đã chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức 2 hội nghị triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2021; tập huấn cho hơn 80 cơ sở sản xuất tham gia chương trình về nâng cao kỹ năng quản lý sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh, xây dựng thương hiệu, marketing, quảng bá, phát triển sản phẩm; xây dựng và hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP… Văn phòng Điều phối NTM tỉnh chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất cải tiến, nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm theo Bộ tiêu chí Chương trình OCOP. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên các nhóm chuyên gia tư vấn OCOP đã linh hoạt hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp tại các cơ sở sản xuất và qua các nền tảng trực tuyến như: zoom, zalo, facebook, điện thoại...
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp nên năm 2021, UBND tỉnh đã xét công nhận 109 sản phẩm OCOP, tăng 49 sản phẩm và vượt 81,7% so với kế hoạch đề ra. Trong đó có 11 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao và 98 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao. Như vậy hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 251 sản phẩm OCOP (39 sản phẩm hạng 4 sao và 212 sản phẩm hạng 3 sao), trong đó có 4 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Xét theo ngành, có 99 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, 7 sản phẩm ngành đồ uống, 2 sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ, 1 sản phẩm ngành du lịch (nông thôn)… Tuy nhiên, công tác tuyên truyền và nhận thức của một số chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình ở cơ sở còn hạn chế. Số lượng cơ sở sản xuất cơ bản vẫn còn nhỏ lẻ, sự liên kết sản xuất và chế biến tiêu thụ chưa chặt chẽ. Số lượng sản phẩm OCOP không đồng đều giữa các địa phương; sản phẩm OCOP từ những ý tưởng mới còn ít; phương án kinh doanh của nhiều chủ thể chưa có tính đột phá, chưa đổi mới nhiều. Sự cải tiến, nâng cấp sản phẩm OCOP sau khi được công nhận ở một số cơ sở sản xuất chưa rõ nét, chưa đầu tư thay đổi nhiều trong quá trình chế biến sản phẩm. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và kênh bán các sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng còn hạn chế.
Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 60 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Tiếp tục hỗ trợ tư vấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm cho các chủ thể đã tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2019-2021. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, chuyển đổi số trong triển khai, thực hiện chương trình, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh… Để hoàn thành mục tiêu trên, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở triển khai chương trình, nhất là vai trò của lãnh đạo cấp xã trong việc tuyên truyền phát triển các phương án sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm OCOP. Xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí quan trọng bắt buộc trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên website Chương trình OCOP của tỉnh; thực hiện truyền thông và xúc tiến thương mại điện tử sản phẩm OCOP; tăng cường kết nối sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tử; tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh với các điểm bán hàng OCOP trên cả nước... Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai chương trình: hỗ trợ tư vấn phát triển sản phẩm, hướng dẫn, xây dựng hồ sơ sản phẩm; phát triển vùng nguyên liệu; xây dựng chuỗi giá trị; hỗ trợ cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, thiết bị chế biến phù hợp; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; đào tạo nghề và nâng cao năng lực cộng đồng; thành lập Trung tâm OCOP cấp tỉnh... Quan tâm đầu tư kinh phí hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP mới được sản xuất từ sản phẩm chủ lực, làng nghề và đặc sản truyền thống của các địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP. Hỗ trợ xây dựng, thiết lập mã QrCode, đăng ký sở hữu trí tuệ, hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã bao bì và tem nhãn hàng hóa đúng quy định. Thực hiện quản lý giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP. Các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn: tăng cường công tác chỉ đạo rà soát và có phương án khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng phát triển sản phẩm OCOP; xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương; phân công lãnh đạo theo dõi, quản lý công tác triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Đại