Sau 2 năm bị tác động không nhỏ bởi dịch bệnh COVID-19, không ít doanh nghiệp trên toàn quốc phải rời bỏ thị trường thì đại đa số các doanh nghiệp của tỉnh ta đã thể hiện sức chống chịu, khả năng thích ứng tốt. Không chỉ phòng, chống dịch bệnh hiệu quả mà các doanh nghiệp còn duy trì sản xuất, giữ được đà tăng doanh thu, lợi nhuận, tiếp tục khắc họa đậm nét những điểm khởi sắc cho “bức tranh kinh tế” của tỉnh.
Sản xuất tại nhà máy Pro Sport Hồng Thuận (Công ty Cổ phần Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy). |
Theo đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại An Lành (thành phố Nam Định) - doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu băng, gạc y tế, thiết bị, dụng cụ y tế cho biết, Công ty đã chủ động khai thác hiệu suất của dây chuyền và công nghệ sản xuất khép kín, hiện đại, đồng bộ, nhập khẩu từ các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc để sản xuất các sản phẩm truyền thống đạt chất lượng tốt nhất. Riêng sản phẩm gạc của Công ty luôn đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001, ISO 13485, CE, USP, BP, đủ tiêu chuẩn xuất sang các nước châu Âu, Mỹ, Canada... Nhờ đó, năm 2021 lợi nhuận cả năm của Công ty tăng 150-160% so với năm trước và tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các nước Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia; giữ vị trí là một trong những nhà máy sản xuất gạc có thương hiệu trong nước. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu có thương hiệu của tỉnh như Công ty CP Dược phẩm Nam Hà, Công ty TNHH Nam Dược, Công ty CP Dược phẩm Trường Thọ, Công ty CP Dược phẩm Minh Dân... cũng đã tận dụng hiệu quả các cơ hội phát sinh ngắn hạn, đẩy mạnh sản xuất, cung ứng nhanh, đạt chuẩn chất lượng các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục khẳng định được vị thế và tiếp cận thêm nhiều bạn hàng mới trong và ngoài nước với không ít đơn hàng dài hạn.
Bên cạnh ưu tiên số một là đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người lao động, khối doanh nghiệp Dệt may đã đối phó với những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 bằng cách chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh cơ cấu mặt hàng truyền thống, tham gia sản xuất thêm các dòng sản phẩm phục vụ phòng chống dịch. Nhiều doanh nghiệp dệt may nỗ lực biến “nguy” thành “cơ”, nhanh nhạy khai thác hiệu quả đơn hàng dịch chuyển địa bàn khi các địa phương thực hiện giãn cách, phong tỏa chống dịch; tranh thủ thiết lập sự tin tưởng, hợp tác sâu hơn; được nhiều bạn hàng có tên tuổi, thương hiệu lớn ký kết các đơn hàng dài hạn, duy trì việc làm cho người lao động, thậm chí có doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đảm bảo việc làm đến hết năm 2022. Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định, chỉ trong một quý của năm 2021, Công ty đã ký kết cung ứng đơn hàng có sản lượng tương đương với đơn hàng cả hai năm 2019, 2020; hiện Công ty cũng đã ký đơn hàng đảm bảo việc làm cho toàn bộ lao động đến hết năm 2022 và đang tiếp tục ký kết những đơn hàng dài hơi hơn. Từ tháng 6 đến hết năm 2021 là giai đoạn nhiều doanh nghiệp dệt may của tỉnh phải tăng tốc để đảm bảo thời hạn giao hàng đã ký kết, vì vậy không ít doanh nghiệp đã dồn lực, liên kết, chia sẻ, cùng làm chung đơn để đảm bảo giao hàng đúng hạn. Nhóm doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp có điều kiện về tài chính như: Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty CP Muối và Thương mại Nam Định, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, Công ty TNHH Cường Tân... đã tăng cường liên kết với bà con nông dân và các HTX đẩy mạnh sản xuất nông sản sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc với quy mô lớn giúp tỉnh tiếp tục đạt nhiều bước tiến tích cực trong xuất khẩu gạo chất lượng cao; sản phẩm ngao đạt chứng nhận ASC tiếp tục thâm nhập sâu vào các thị trường xuất khẩu khó tính; rau màu được đẩy mạnh sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm; gia công chăn nuôi gà và lợn theo hướng an toàn cho các tập đoàn chăn nuôi lớn trong nước.
Để ứng phó với tình trạng sút giảm sức tiêu dùng trên toàn cầu các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm, chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới, giảm rủi ro khi quá phụ thuộc vào các thị trường truyền thống; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới ký. Tiêu biểu là các doanh nghiệp xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, dệt may, dược phẩm, thiết bị y tế đều gia tăng sản lượng xuất khẩu tại các thị trường quan trọng và khó tính như châu Âu, Mỹ... Từ tháng 10-2021 đến nay, toàn quốc thống nhất áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, các doanh nghiệp của tỉnh tiếp tục nắm bắt các cơ hội, tăng tốc sản xuất nỗ lực bắt kịp tốc độ hồi phục của kinh tế thế giới và các xu hướng mới của thị trường. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, thương mại bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông sản… đã gia tăng ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, quản trị, tạo nền tảng để tiết giảm chi phí về thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, từng bước bắt kịp với thế giới.
Đánh giá kết quả năm 2021, tỉnh khẳng định mặc dù chịu ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng bởi đại dịch COVID-19 nhưng hoạt động của doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó có 814 doanh nghiệp và 60 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 22.759 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 10.286 doanh nghiệp và 818 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 94.211 tỷ đồng. Ngoài ra, 402 doanh nghiệp đã khôi phục, quay trở lại hoạt động. Các doanh nghiệp đã góp phần cơ bản ổn định năng suất, sản lượng nông nghiệp; duy trì đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá cho sản xuất công nghiệp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh nhà; khẳng định khả năng thích ứng trước mọi tác động./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy