Mặc dù dịch bệnh trên người, động vật diễn biến phức tạp nhưng do có sự chủ động, tích cực bám sát nhu cầu thị trường để sản xuất nên nguồn cung các loại nông sản phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 khá dồi dào. Đây là cơ sở để bảo đảm giá bán các loại nông sản ổn định, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, ổn định an sinh xã hội.
Người dân xã Yên Dương (Ý Yên) thu hoạch su hào. |
Tính đến hết tháng 12-2021, tổng đàn lợn của tỉnh đạt 638.389 con, tăng 0,2%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 113.934 tấn, tăng 195 tấn so với cùng kỳ năm trước; đàn trâu, bò đạt 7.522 con, tăng 0,6%; đàn gia cầm đạt 9 triệu 154 nghìn con, tăng 524 nghìn con, trong đó đàn gà 6 triệu 509 nghìn con, tăng 321 nghìn con so với cùng kỳ năm 2020… Theo đánh giá của ngành chức năng, việc chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ không lo thiếu hụt nguồn cung. Việc nuôi lợn được các hộ chú trọng tăng tốc chuẩn bị cho dịp Tết. HTX chăn nuôi Yên Lợi, xã Yên Lợi (Ý Yên) luôn duy trì ổn định 20 con lợn nái, hơn 200 con lợn thịt để bảo đảm trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường 3,5-4 tạ thịt lợn sạch. Năm nay những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 trên người, bệnh dịch trên đàn vật nuôi và nhất là giá thịt lợn giảm, giá thức ăn tăng cao đã tác động không nhỏ đến người chăn nuôi nên có thể dịp Tết năm nay giá bán thịt lợn sẽ tăng. Vì vậy, HTX đã chủ động giữ lại đàn lợn thịt, đồng thời tăng lượng đàn lên để bảo đảm sản lượng tăng từ 1,5 đến 2 lần so với thời điểm Tết năm ngoái. Anh Hoàng Trung Vương, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, khu vực Nam Định - Ninh Bình - Hà Nam cho biết: Chủ động đón bắt nhu cầu thị trường, đơn vị đã chuẩn bị đủ nguồn thức ăn cho hàng nghìn đầu lợn thịt tại các trang trại mà đơn vị đã hợp đồng bảo đảm nguồn lợn ổn định để giết mổ trong dịp Tết, đồng thời là cơ sở giữ ổn định giá bán, góp phần hỗ trợ người dân trong thời điểm khó khăn hiện nay… Tuy nhiên, theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT thì việc kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc, gia cầm là yếu tố quan trọng bảo đảm nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi dịp cuối năm. Theo đó, các huyện, thành phố, đặc biệt là các hộ chăn nuôi, chủ trang trại, gia trại phải nỗ lực duy trì các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, các mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây là giải pháp căn cơ để bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tạo nguồn cung ổn định đáp ứng nhu cầu thực phẩm từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán năm 2022.
Ngoài nguồn cung thực phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm dồi dào thì nguồn cung rau, củ, quả cũng khá phong phú. Hiện nay, ở các địa phương trong tỉnh các vùng sản xuất rau, củ, quả đều đã được quy hoạch tập trung, người dân đã chú trọng gieo trồng bám sát nhu cầu thực tiễn. Vụ đông năm 2022, các huyện, thành phố gieo trồng được 10.960ha cây rau, màu; trong đó 1.920ha khoai tây, 350ha cà chua, 595ha bí xanh và 6.010ha rau, đậu các loại. Theo tính toán, diện tích phục vụ cho dịp Tết chiếm trên 50% cây vụ đông. Tại HTX Sản xuất kinh, doanh dịch vụ nông nghiệp Yên Dương (Ý Yên), năm nay trồng gần 100ha cây rau màu, trong đó chủ yếu là bắp cải, su hào, súp lơ, cải xoong, hành hoa theo hướng sản xuất an toàn, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Dự kiến, toàn HTX cung cấp hàng chục tấn rau mỗi ngày cho thị trường thành phố Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng. Hầu hết sản phẩm rau, củ, quả của HTX đều được thương lái thu mua tận ruộng với giá bán từ 4.500-5.000 đồng/kg bắp cải, súp lơ 9-10 nghìn đồng/cái… Tuy đầu vụ sản xuất có khó khăn do mưa kéo dài nhưng bù lại thời điểm chính vụ thời tiết thuận hòa, năng suất, giá bán cao nên bà con rất phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Hòa ở thôn Cẩm cho biết: Để phục vụ thị trường Tết, ngay sau khi thu hoạch lứa rau đông sớm, gia đình tôi đã tiếp tục xuống giống lứa rau súp lơ, su hào, bắp cải. Hiện tại đang tập trung chăm bón, bảo vệ để mươi lăm ngày nữa sẽ bắt đầu thu hoạch, đúng thời điểm Tết Nguyên đán. Dự kiến năng suất sẽ đạt khoảng 45-50 tấn/ha. Toàn bộ diện tích hơn 5 sào rau đã được các thương lái đặt mua. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, vụ đông năm nay bà con nông dân đã thực hiện nghiêm việc chăm sóc cho cây trồng theo đúng khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, Phòng NN và PTNT, Trung tâm dịch Nông nghiệp các huyện, thành phố thường xuyên phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, bám sát đồng ruộng để điều tra, nắm bắt tình hình sâu bệnh để hướng dẫn nông dân phòng trừ hiệu quả, kịp thời. Trước khi thu hoạch tiến hành lấy mẫu kiểm tra dư lượng và hướng dẫn nông dân điều chỉnh kịp thời bảo đảm đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Tại xã Thành Lợi (Vụ Bản), từ gần một tháng nay, bà con xã viên ở các HTX Cốc Thành, Mỹ Trung đã đồng loạt xuống giống các loại rau: súp lơ, xà lách, cải xanh, cải thảo, su hào, hành, tỏi, mùi… Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Các HTX đã lên kế hoạch cụ thể cho từng đội sản xuất tập trung gieo trồng loại rau gì để bảo đảm đa dạng chủng loại, đủ số lượng cung cấp cho thị trường theo hợp đồng ký kết với các đơn vị doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị trên địa bàn thành phố Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhu cầu tiêu thụ các loại nông sản của người dân sẽ tăng. Vì vậy, cùng với việc thúc đẩy sản xuất, bảo đảm nguồn cung, ngành Nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp, HTX… thiết lập nhiều kênh phân phối, kết nối tiêu thụ nông sản, góp phần bình ổn giá trên thị trường và mang lại khoản thu nhập tốt dịp cuối năm cho nông dân./.
Bài và ảnh: Văn Đại