Những ngày cuối năm, trên khắp các cánh đồng của xã Nam Hoa (Nam Trực) đã được phủ một màu xanh của rau màu vụ đông. Mùa nào thức ấy, khi lúa ngoài đồng thu hoạch xong cũng là lúc cây giống khoai tây, rau các loại được nông dân vào bầu chuẩn bị sẵn chỉ chờ đưa ra ruộng... Cứ như vậy, với công thức luân canh, gối vụ, cùng sự cần mẫn của nông dân nơi đây đã tạo ra cánh đồng “không nghỉ” cho thu nhập hàng trăm triệu đồng trên mỗi ha.
Cán bộ Ban Nông nghiệp xã Nam Hoa kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của cây dưa chuột vụ đông. |
Đang hối hả vun gốc cho cây khoai tây, ông Lê Văn Uy, xóm 16 cho biết: “Gia đình tôi có 4 sào ruộng. Thực hiện chủ trương luân canh tăng vụ của xã, trên diện tích này, tôi tổ chức 3 vụ sản xuất là lạc xuân - lúa mùa sớm - khoai tây đông. Năm trước là một năm được mùa, được giá ở cả 3 vụ. Tính riêng vụ đông năm trước tôi đã lãi hơn 30 triệu đồng từ trồng khoai tây khi khoai được mùa năng suất đạt trên 9 tạ/sào, lại được giá (9.500 đồng/kg). Vụ đông này thời tiết rất thuận lợi, mới ra ruộng 1,5 tháng mà khoai tây đã có củ to bằng quả trứng. Dự kiến 1 tháng nữa chúng tôi bắt đầu thu hoạch”. Đến cánh đồng xóm 1, người dân cũng đang tất bật thu lứa rau giống. Nhanh tay thu hoạch luống xà lách giống, bà Triệu Thị Mão cho biết: “Thu nhập chính của gia đình tôi từ hơn 1 mẫu ruộng này. Vụ đông cũng là vụ cho tiền nhiều nhất nhờ quay vòng được 2-3 lứa rau giống. Bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch hàng năm, cứ sau 20-25 ngày là người trồng có thể thu được 1 lứa rau giống: súp lơ, su hào, bắp cải, xà lách, cải bẹ, cải thìa... để phục vụ nhu cầu trồng rau của bà con trong huyện. Sản xuất rau giống tốn công và đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhưng hiệu quả kinh tế có thể cao hơn gấp 2-3 lần so với trồng rau thương phẩm và gấp nhiều lần so với cấy lúa. Mỗi sào làm rau giống có thể cho thu lãi 4-7 triệu đồng tùy từng thời điểm”.
Xã Nam Hoa có gần 400ha đất canh tác. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, UBND xã đã quy hoạch các vùng trồng màu hàng hóa; xây dựng cơ cấu cây trồng để chủ động luân canh, xen canh tăng vụ. Xã chủ trương phát triển trồng màu theo phương thức đa dạng hóa cây trồng, tập trung vào những cây dễ trồng, có năng suất cao, chất lượng, dễ tiêu thụ, giá trị kinh tế cao. Hiện xã đã quy hoạch được vùng sản xuất “2 màu 1 lúa” và vùng chuyên màu với tổng diện tích 157ha. Với vùng “2 màu, 1 lúa”, xã chỉ đạo nông dân vẫn giữ 1 vụ lúa để đảm bảo an ninh lương thực, những vụ còn lại “trồng màu để làm giàu” với công thức luân canh lên đến 3-4 vụ/năm. Ở vụ xuân, lạc được nông dân Nam Hoa chọn làm cây trồng chủ lực, một số ít diện tích khác trồng dưa lê, dưa hồng, dưa chuột, bí xanh với thời gian bắt đầu xung quanh tiết lập xuân (thường là tháng 2 dương lịch) đến tháng 5 là kết thúc. Từ đầu tháng 6, nông dân chuyển sang trồng lúa mùa sớm đến tháng 9 cho thu hoạch. Vụ đông ở nơi đây được bắt đầu từ tháng 10 khi người dân xuống giống khoai tây và trồng cây rau màu các loại gối lứa đến gần Tết Nguyên đán. Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Doanh Tuyên, phấn khởi cho biết: “Tính đơn giản cứ thế này, năng suất lạc xuân bình quân của xã đạt 175 kg/sào, bán 23 nghìn đồng/kg; năng suất lúa mùa đạt bình quân 200 kg/sào, giá bán 8.000 đồng/kg; năng suất khoai tây đạt 8-9 tạ/sào, giá bán 9-10 nghìn đồng/kg nên giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác chắc chắn trên 300 triệu đồng/năm”. “Con số này cũng chưa là gì so với vùng chuyên canh rau màu” - anh Tuyên cho biết thêm. Đối với vùng chuyên màu, nông dân thậm chí còn quay vòng lên 5-7 vụ trong năm với nhiều công thức luân canh, gối vụ phù hợp từ dưa chuột, su hào, dưa lê… cho đến các loại cây ăn lá như: xà lách, hành, mùng tơi, mùi, húng… Thời vụ đuổi nhau, đất và người không một ngày ngơi nghỉ, đồng ruộng quay vòng liên tiếp luôn phủ màu xanh của cây rau màu. Với công thức canh tác này, giá trị sản xuất trên 1ha đất không dưới 350 triệu đồng/năm. Không chỉ cần mẫn, nông dân Nam Hoa còn nhanh chóng tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nhất là về giống. Các giống cây trồng cũ dần được thay bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn như các giống khoai tây Hà Lan Actrice, Marabel; lạc Sán dầu, L22; lúa Đài thơm 8, BC15… Một số hộ đã đầu tư hệ thống bơm tưới tự động, các đầu béc xoay tròn dạng phun mưa vừa tưới phủ đều vừa tiết kiệm được công lao động, tăng độ ẩm và kích thích cây trồng phát triển. Sản xuất phát triển kéo theo các dịch vụ phát triển. Một số hộ đầu tư kho lạnh bảo quản khoai tây giống; một số hộ sản xuất cây giống đáp ứng nhu cầu không chỉ bà con nông dân trong xã mà còn ở nhiều địa phương khác trong huyện như: Nam Hùng, Nam Hồng, Nam Dương, thị trấn Nam Giang… Ở Nam Hoa có khoảng hơn 20 hộ chuyên trồng rau giống, tập trung ở xóm 1, xóm 2 với các loại rau được ươm trồng khá đa dạng như: súp lơ, su hào, bắp cải, xà lách, cải bẹ, cải thìa... mỗi năm cũng lãi cả trăm triệu đồng. Nhờ các công thức luân canh tăng vụ đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Nam Hoa phát triển, bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 55 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,59%. Khi được hỏi về những khó khăn trong sản xuất rau màu, theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, hiện vẫn còn 7 xóm nằm xa nguồn nước kênh cấp I, chủ yếu sử dụng nước giếng khoan tự tạo nên chất lượng nước chưa tốt. Giá vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao. Đầu ra sản phẩm vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái, chưa có hợp đồng liên kết nên còn tình trạng nông dân bị ép giá khi được mùa. Hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chưa được nhiều. Để khắc phục những vấn đề này, thời gian tới, UBND xã sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của huyện từng bước tạo chuỗi liên kết cho người dân. Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và tạo sức cạnh tranh cho hàng nông sản của địa phương, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Năm 2022 đang đến gần, những cánh đồng màu ở Nam Hoa như thêm xanh, cho giá trị hàng trăm triệu đồng/ha, góp phần vào sự phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân. Vượt qua những cơ cực của nghề nông, người dân Nam Hoa vẫn luôn gửi niềm tin vào đất, thủy chung với đồng ruộng quê mình, biến khó khăn thành những cơ hội để phát triển./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh