Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, qua quá trình thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, các địa phương đã chuyển trọng tâm sản xuất từ coi trọng số lượng sang chất lượng. Các giống lúa, rau màu chống chịu tốt với sâu bệnh, cứng cây, chịu úng, mặn, hạn và thích ứng với biến đổi khí hậu đã từng bước được mở rộng để nâng cao tỷ trọng nông sản hàng hóa, giá trị gia tăng của các sản phẩm, phục vụ chế biến và xuất khẩu bền vững.
Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) thử nghiệm thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho lúa. |
Việc chuyển đổi cơ cấu giống được thực hiện với các đối tượng cây trồng chủ lực của tỉnh. Cụ thể đã đổi mới cơ bản bộ giống lúa và các giống cây trồng chủ lực của tỉnh; tỷ lệ lúa chất lượng cao tăng từ 29% năm 2008 lên 85% năm 2020, các giống lúa nhiễm sâu bệnh nặng, yếu cây, kém chịu úng trong vụ mùa được thay thế bằng giống chất lượng cao, hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10% so với trước đây. Các giống cây rau màu được chuyển đổi theo hướng chất lượng, đáp ứng yêu cầu chế biến và xuất khẩu. Một số giống cây trồng mới, có hiệu quả kinh tế cao như: các loại cây dược liệu, khoai tây Đức, ngô ngọt... được du nhập và mở rộng nhanh diện tích trồng. Các địa phương chú trọng khuyến khích, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để hình thành, phát triển các mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Toàn tỉnh đã hình thành được 458 cánh đồng lớn ổn định với quy mô từ 30ha trở lên, trong đó có 12 cánh đồng liên kết chuỗi giá trị giữa hộ nông dân, HTX nông nghiệp với doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất từ các mô hình cánh đồng lớn và mô hình liên kết đều tăng từ 15-20% so với cách làm cũ. Việc chuyển đổi linh hoạt đất lúa và chuyển đổi hợp lý phương thức canh tác trên đất trồng lúa đã được chú trọng, đến hết năm 2020 đã chuyển đổi được hơn 15.400ha đất trồng lúa sang gieo trồng các loại cây ăn quả, cây cảnh, rau màu các loại với nhiều mô hình chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 đến hàng chục lần so với trồng lúa như: mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khoai môn tại xã Đồng Sơn (Nam Trực) với diện tích 30ha, lợi nhuận 100-120 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5-6 lần trồng lúa; mô hình chuyển đổi sang trồng sen tại xã Minh Tân (Vụ Bản) với quy mô 4,5ha, lợi nhuận 80 triệu đồng/ha, cao gấp 4-5 lần trồng lúa; mô hình chuyển đổi sang trồng cây măng tây tại HTX Trường Xuân, xã Giao Lạc (Giao Thủy), quy mô 8ha, lợi nhuận cao gấp 4-5 lần trồng lúa; mô hình chuyển đổi sang trồng cây màu và cây dược liệu của Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc tại xã Xuân Bắc (Xuân Trường), xã Giao Tiến (Giao Thủy), quy mô 41ha, lợi nhuận cao gấp 2-3 lần trồng lúa... Qua chương trình hợp tác của tỉnh ta với tỉnh Miyazaky (Nhật Bản) nhiều công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản đã được chuyển giao ứng dụng để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Hàng năm, các địa phương thực hiện được hàng chục mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn công nghệ Nhật Bản. Đồng thời đã tăng cường tiếp thu, ứng dụng công nghệ sản xuất phân hữu cơ để sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và theo công nghệ Nhật Bản của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) với quy mô 7ha, sản lượng rau đạt 150 tấn/năm, hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Sản xuất lúa, nhất là khâu gieo cấy và khâu thu hoạch được cơ giới hóa mạnh mẽ, đã tiết kiệm thời gian đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh mùa vụ, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thực hiện cơ cấu lại trồng trọt đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, tập trung phát triển các cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao nhằm phát huy tốt lợi thế về đất đai, thị trường. Riêng với cây lúa, diện tích gieo cấy các giống lúa hàng hóa, chất lượng trên địa bàn tỉnh tăng 63% so năm 2015 lên 85% diện tích; sản lượng lúa chất lượng cao đạt hơn 730 nghìn tấn, tăng 33% so với năm 2020. Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được thực hiện tích cực, tạo thuận lợi cho nông dân mở rộng sản xuất cây ăn quả, thâm canh nuôi thủy sản. Các cơ chế, chính sách của tỉnh đã thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất. Đến nay, một số doanh nghiệp đầu tư ổn định vào sản xuất rau, củ, quả, lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao theo mô hình chuỗi liên kết giá trị; giá trị sản xuất bình quân trên 1ha canh tác tại các mô hình liên kết tăng từ 15-20% so với ngoài đại trà.
Theo đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, để đẩy mạnh cơ cấu lại trồng trọt, ngành Nông nghiệp sẽ bám sát thực hiện hiệu quả định hướng cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 của tỉnh. Tiếp tục thực hiện theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản; đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất. Yêu cầu đặt ra là cơ cấu lại trồng trọt trong sản xuất nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, tiềm năng, lợi thế của tỉnh và của từng địa phương; phát huy vai trò của các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, HTX nhằm đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi và tổ chức sản xuất hiệu quả hơn. Để thực hiện hiệu quả chủ trương này, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó có giải pháp thực hiện hiệu quả Luật Trồng trọt và các nghị định quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, đẩy mạnh quản lý quy hoạch và sử dụng hiệu quả đất đai. Tiếp tục xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm cho một số nông sản chủ lực của tỉnh; thực hiện chu trình và hoàn thiện sản phảm để trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh. Tăng cường lựa chọn các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, có sức cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu thị trường để tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất; Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn./.
Bài và ảnh: Văn Đại