Với mục tiêu phát triển đô thị thành phố Nam Định phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch các ngành trên địa bàn; là tiền đề để xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển đô thị nhằm cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các quy hoạch, kế hoạch ngành được duyệt khác, nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực phát triển đô thị, ngày 4-11-2021 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2401/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2030.
Thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường Lưu Hữu Phước (thành phố Nam Định). |
Chương trình phát triển đô thị thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2030 được ban hành là cơ sở pháp lý cho việc nâng cấp và thực hiện mở rộng địa giới hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đề xuất giải pháp chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt cho từng giai đoạn. Phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I, sớm hoàn thành việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định và nâng cấp ít nhất 2 xã (của thành phố Nam Định hiện nay) thành phường. Phát triển thành phố Nam Định mở rộng đảm bảo quy mô, không gian và các điều kiện đô thị trung tâm vùng trước năm 2025. Theo Quyết định số 2401/QĐ-UBND, 16 chỉ tiêu phát triển đô thị chủ yếu của thành phố Nam Định đến năm 2025 là: diện tích sàn nhà ở bình quân nội thị đạt 33,9m2/người; nhà kiên cố đạt trên 98,5%; tỷ lệ đất dân dụng đạt 65m2/người; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị đạt 28,5%; mật độ đường đạt 8km/km2; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 25%; 100% hộ dân được cấp nước; 60% nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý; 100% chất thải rắn được xử lý hợp vệ sinh; 100% chất thải y tế được xử lý, tiêu huỷ; 100% đường chính và 95% đường ngõ, xóm được chiếu sáng; tỷ lệ đất cây xanh toàn đô thị đạt 10m2/người, đất cây xanh công cộng khu vực nội thành đạt 6m2/người. Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và căn cứ thực tế tiềm năng, yêu cầu định hướng các khu vực phát triển đô thị trong giai đoạn 2021-2030 thành phố Nam Định gồm 8 khu vực chính là khu trung tâm đô thị hiện hữu; khu vực phát triển đan xen phía Nam vành đai 1 (Quốc lộ 10); khu đô thị dịch vụ, thương mại phía Tây Bắc thành phố; trung tâm cửa ngõ phía tây đường vành đai 1; khu đô thị mới nam sông Đào; khu công nghiệp, dịch vụ, dân cư phía tây thành phố; khu vực làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái, thể dục thể thao phía nam sông Châu Giang và khu vực làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái phía nam thành phố. Để từng bước thực hiện chương trình Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành danh mục các dự án đầu tư xây dựng theo từng giai đoạn, gồm nhóm các dự án về hạ tầng xã hội (nhà ở, công trình hành chính, y tế - giáo dục, công trình văn hoá - thể dục thể thao, công viên cây xanh và thương mại dịch vụ) và nhóm các dự án hạ tầng kỹ thuật (giao thông; cấp nước; thu gom và xử lý nước mưa, nước thải…). Trong nhóm các dự án về hạ tầng xã hội, điểm nhấn của Chương trình là các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố gồm các dự án nhà ở xã hội và xây dựng các khu đô thị mới Thành An, Nguyễn Công Trứ, Lộc Vượng, Nam Phong - Nam Vân, khu đô thị mới phía nam thành phố, khu đô thị sinh thái và vui chơi giải trí Mỹ Lộc, Khu đô thị mới Phú Ốc... và hoàn thiện các khu đô thị đã triển khai. Hoàn thiện dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định tại Khu đô thị Mỹ Trung, nâng cấp Bệnh viện Phụ sản mang tính chất vùng, xây dựng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, khu đào tạo phía bắc đại lộ Thiên Trường; thu hút đầu tư xã hội hoá, nâng cấp, cải tạo hệ thống y tế, giáo dục trên địa bàn. Nhóm công trình văn hóa, thể dục thể thao gồm: Hoàn thiện đầu tư xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần, xây dựng trung tâm văn hoá phía nam thành phố (trung tâm hội chợ, triển lãm); học viện golf tại khu vực xã Mỹ Hà (thuộc khu đô thị sinh thái và vui chơi giải trí Mỹ Lộc); khu cây xanh thể dục thể thao vui chơi giải trí tại phía bắc đường vành đai 2 (thuộc xã Mỹ Hà); đầu tư xây dựng các công trình thể dục thể thao tại các khu đô thị mới, cải tạo, nâng cấp các công trình thể dục thể thao hiện có. Tiếp tục đẩy mạnh, hình thành các khu dịch vụ thương mại tập trung tại khu vực phía bắc hai bên đại lộ Thiên Trường, đường Lê Đức Thọ, tuyến đường dẫn cầu Tân Phong. Trong nhóm các dự án về hạ tầng kỹ thuật, điểm nhấn là các dự án cải tạo và nâng cấp các tuyến Quốc lộ 10, 38B, 21, 21B; xây dựng đường gom Quốc lộ 10 đoạn từ đường Lộc Vượng đến đường Phù Nghĩa; xây dựng đường vành đai II (cầu Tân Phong đến Quốc lộ 21B); xây dựng đường trục chính gắn kết cửa ngõ phía Tây và các trục đường tại khu vực phía Tây Bắc thành phố; xây dựng đường trục phía nam thành phố (đoạn từ Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21); xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi... Nâng công suất các nhà máy nước thành phố Nam Định, xây dựng Nhà máy nước Tân Đệ; hoàn thiện hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước truyền tải; xây dựng Trạm bơm Cống Mý, hồ điều hoà Trạm bơm Kênh Gia; nạo vét mạng lưới kênh mương; xây dựng hệ thống cống thoát nước mưa chính và 3 trạm xử lý nước thải sinh hoạt, mạng lưới cống thoát nước thải chính để thu gom và xử lý nước mưa, nước thải.
UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập 5 xã của huyện Nam Trực, 3 xã của huyện Vụ Bản và toàn bộ huyện Mỹ Lộc về thành phố Nam Định theo quy hoạch đã được phê duyệt, thời gian hoàn thành trong năm 2022. Phối hợp với UBND thành phố Nam Định và các đơn vị liên quan, nghiên cứu, lập Đề án nâng cấp 3 xã (thuộc thành phố hiện nay) thành phường; phối hợp với UBND huyện Mỹ Lộc lập Đề án nâng cấp, kèm theo phương án, kế hoạch, lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính (thị trấn Mỹ Lộc và xã Mỹ Hưng) thành phường sau khi hoàn thành mở rộng địa giới hành chính thành phố. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong khu vực phát triển đô thị; nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù áp dụng đối với hoạt động đầu tư xây dựng trong khu vực phát triển đô thị. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về khu vực phát triển đô thị; tổ chức rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong đô thị thuộc địa phương quản lý. Lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị trong phạm vi, địa bàn khu vực phát triển đô thị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý. Theo dõi, giám sát việc thực hiện chương trình phát triển đô thị thành phố, các dự án đầu tư phát triển đô thị đảm bảo đúng theo quy hoạch, kế hoạch, tiến độ theo các nội dung dự án đã được phê duyệt; tổng hợp, đề xuất và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư./.
Bài và ảnh: Thành Trung