Dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản... đang đặt ra nhiệm vụ cấp thiết phải tổ chức các kênh tiêu thụ phù hợp, hiệu quả để hỗ trợ hoạt động sản xuất. Vì thế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản để thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế trong thời điểm dịch bệnh khó khăn.
Nhân viên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso hướng dẫn thành viên Hiệp hội nông sản sạch Nam Định bán hàng trực tuyến. |
Thực hiện kế hoạch đảm bảo sản xuất, tiêu thụ nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã xây dựng phương án sản xuất, tiêu thụ nông sản theo từng cấp độ dịch. Trong đó, đối với trường hợp cấp độ dịch nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình thì đẩy mạnh phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, thế mạnh địa phương theo chuỗi liên kết gắn với thị trường chế biến, tăng tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng. Với trường hợp cấp độ dịch nguy cơ cao và nguy cơ rất cao thì các địa phương cần khoanh vùng sản xuất, có các biện pháp sản xuất an toàn dịch bệnh như: Sử dụng bảo hộ lao động, phun khử khuẩn cho các phương tiện vận chuyển nông sản…; đối với cây trồng, vật nuôi đến lứa thu hoạch thì tiến hành thu hoạch sớm “cuốn chiếu” từng khu vực để hạn chế tập trung đông người. Trong trường hợp có thể duy trì được thì kéo dài thời gian thu hoạch để tiện cho việc bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh phương án sản xuất an toàn, Sở NN và PTNT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương lân cận kịp thời triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong tỉnh và tăng cường kết nối, đa dạng các kênh tiêu thụ ngoài tỉnh không để tắc nghẽn, ùn ứ nông sản. Đồng thời thiết lập, duy trì và khai thác hiệu quả các kênh phân phối, giao dịch mua bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử hỗ trợ các đơn vị vận chuyển, tiêu thụ nông sản...
Điểm nhấn trong năm 2021, ngành NN và PTNT đã triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong cả việc xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cũng như đưa nông sản lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, Sở đã ký kết hợp tác chiến lược với Viettel Nam Định, Bưu điện Nam Định đưa hơn 100 sản phẩm OCOP của các địa phương đăng tải trên các sàn giao dịch thương mại điện tử Voso và Postmart với khoảng 1.000 lượt truy cập mỗi ngày. Sau hơn 2 tháng triển khai bán hàng trên gian hàng trực tuyến, mặc dù dịch bệnh phức tạp, người dân cắt giảm chi tiêu nhưng với cách tiếp cận hiện đại, số đơn đặt hàng mua nông, thủy sản qua sàn thương mại điện tử tăng mạnh, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia sàn đạt doanh thu tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Anh Lê Văn Thanh, đại diện Công ty TNHH Thương mại Thanh Đoàn, xã Việt Hùng (Trực Ninh) cho biết: Sản phẩm chủ lực của đơn vị là lúa gạo, dịch bệnh khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Đây không chỉ là khó khăn cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến các hộ dân ký kết hợp đồng cung ứng nguyên liệu và mối liên kết doanh nghiệp - nông dân. Do đó việc thiết lập thêm kênh tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử mang tính tất yếu trong thời đại công nghệ, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng số, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thương lái và ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời tạo kênh thông tin nhanh, đầy đủ với chi phí thông tin, quảng bá sản phẩm thấp, các doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể có thể trực tiếp tham gia dễ dàng liên kết với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các sản phẩm đưa lên sàn thương mại giúp cho việc quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài việc đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử, chuỗi các cửa hàng tiện ích của Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định, VinMart, MinMart và cửa hàng giới thiệu nông sản sạch của các huyện, thành phố liên tục khai trương, đi vào hoạt động ở cả khu vực thành phố, nông thôn và các tỉnh lân cận. Trong đó, Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định đã khai trương thêm 4 gian hàng cung ứng sản phẩm nông nghiệp tại thành phố Nam Định, các huyện Ý Yên, Trực Ninh và mở rộng địa bàn cung ứng sang thị trường Hà Nội, Hải Phòng, góp phần hình thành hệ thống chuỗi trên 50 cửa hàng tiện ích kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn, trong đó có 5 cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm OCOP; đồng thời mời gọi các doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh (Vingroup, Co.opMart…) tham gia các chuỗi liên kết tiêu thụ nông, thủy sản. Liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng, miền Bắc thiết lập kênh phân phối sản phẩm nông nghiệp. Cùng với kết nối tiêu thụ nội địa, Sở NN và PTNT đã tranh thủ hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương, linh hoạt tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, thủy sản; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản trên địa bàn sang thị trường Trung Quốc, các nước trong khối EU.
Nhờ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản gắn với sản xuất và nhu cầu thị trường, đã tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt “mục tiêu kép”. Nhờ đó, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn đạt kết quả tốt. Năm 2021, sản lượng lương thực có hạt ước đạt 895 nghìn tấn, bằng 102% kế hoạch với nhiều sản phẩm gạo chất lượng cao được thị trường ưa chuộng như: ST25-888; gạo Rươi của Công ty TNHH Toản Xuân; gạo hữu cơ trang trại Toán Lý, gạo tím của Hợp tác xã Hải Toàn… Riêng ngành chăn nuôi, nhờ định hướng, hỗ trợ chuyển hướng chăn nuôi đúng đắn, kịp thời nên tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, có xu hướng phục hồi với tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 158,5 nghìn tấn, tăng 21% so với năm 2020; tổng sản lượng thủy sản đạt 177.280 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Do làm tốt khâu tiêu thụ, ngành NN và PTNT tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Thời gian tới, ngành NN và PTNT tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương và người dân đẩy mạnh 2 mũi nhọn chiến lược là phát triển nông nghiệp số, xây dựng chuỗi liên kết bền vững, tổ chức sản xuất theo nhu cầu, đơn hàng, chuỗi giá trị và đưa nông sản kênh bán lẻ hiện đại và tập trung thu hút đầu tư các nhà máy chế biến nông sản và tổ chức thường xuyên các diễn đàn xúc tiến thương mại với các nước trên thế giới để tiêu thụ nông sản cho người dân trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương