Sau những năm tháng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trở về cuộc sống đời thường với phần cơ thể không còn lành lặn nhưng nhiều thương binh, bệnh binh trên địa bàn tỉnh vẫn vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, trong đó có nghề trồng hoa, cây cảnh.
Ông Lê Quang Vinh, bệnh binh trên 61% ở xã Nam Toàn (Nam Trực) chăm sóc cây cảnh. |
Trồng, kinh doanh hoa cây cảnh còn là một nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều người, trong đó có nhiều thương, bệnh binh trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Xuân Phái ở xóm 2, xã Xuân Hòa (Xuân Trường) là nạn nhân chất độc da cam trên 81%. Sau khi xuất ngũ trở về quê hương, ông Phái phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả trong đó có nỗi lo về kinh tế nhưng là người lính ông không nản lòng. Ông tích cực tham gia các phong trào của địa phương và phát triển kinh tế gia đình trên mảnh đất quê hương. Những năm 1999, 2000, nhận thấy trồng cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế không cao, thị trường cây cảnh lại đang rất sôi động nên ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây phong lan, tùng la hán, sanh... Ban đầu ông cũng gặp khó khăn khi chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho cây phong lan. Nhưng với sự chịu khó tìm tòi, thậm chí không ngại học hỏi cả những người trẻ tuổi, đến nay, ông Phái đã nắm khá vững kỹ thuật chăm sóc các loại lan. Cây hoa lan ông trồng khỏe mạnh, ít bệnh lại đẹp nên được khách hàng ở nhiều nơi tìm về để mua. Có những giò lan được ông bán với giá 100 triệu đồng. Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh, mỗi ngày, ông Phái đều dành phần lớn thời gian của mình cho việc chăm sóc cây. Hiện nay, vườn cây cảnh của ông có diện tích hơn 100m2 với khoảng gần 100 giò phong lan, 36 cặp tùng la hán được uốn thế và hàng chục cây sanh. Khi kinh tế gia đình ngày càng được ổn định, ông Phái sẵn sàng giúp đỡ đồng đội, cũng như người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm bản thân tích lũy được trong trồng, chăm sóc hoa cây cảnh. Với sự năng động trong phát triển kinh tế, nhiệt tình với đồng đội, ông được hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Xuân Hòa bầu là Chủ tịch Hội.
Thương binh Nguyễn Xuân Quang ở xóm Tây Cát, xã Hải Lý (Hải Hậu) có hơn 2 mẫu trồng cây sanh. Theo ông Quang, sanh là một loại cây có thân cành dẻo dễ uốn nên dễ biến thế và tạo dáng phù hợp với những người cần mẫn, tỉ mỉ, hạn chế về sức khỏe. Từ khi đến với cây cảnh, mỗi cây được ông coi như “đứa con tinh thần”, muốn làm được những cây cảnh đẹp, sinh động thì người trồng sanh phải có niềm đam mê, lòng kiên trì, nhẫn nại, vốn hiểu biết và đặc biệt là phải có đôi bàn tay khéo léo, con mắt thẩm mỹ thì mới “thổi hồn” được vào tác phẩm nghệ thuật của mình, tạo nên những thế cây, dáng cây đẹp. Cùng với đó, người làm nghề cũng cần kịp thời nắm bắt thị hiếu của khách hàng để tư vấn cho người chơi. Có những cây sanh khi mua ban đầu rất bình thường, nhưng chỉ sau vài tháng chăm sóc, tạo dáng, giá trị có thể tăng lên gấp hàng chục lần. So với việc trồng các loại cây nông nghiệp thì việc trồng cây cảnh khá nhẹ nhàng, tao nhã, không tốn nhiều công sức, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại thì cao. Trung bình mỗi năm, ông Quang thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng từ bán cây sanh.
Ông Lê Quang Vinh, xóm 4, xã Nam Toàn (Nam Trực) mặc dù là bệnh binh trên 61%, sức khỏe kém nhưng nổi tiếng xa gần bởi trồng đa dạng các loại cây cảnh như: vạn tuế, sung, sanh... Ông Vinh cho biết, ban đầu ông trồng cây cảnh để cho vui nhưng trồng được cây nào, khách đến chơi lại hỏi mua cây đó nên ông bắt đầu kinh doanh cây cảnh. Sau nhiều năm, dưới bàn tay khéo léo cùng sự kiên trì của mình, ông Vinh đã uốn nắn, chăm sóc và sáng tạo được nhiều chậu cây cảnh quý. Hiện nay, trong vườn nhà ông có hàng trăm chậu cây cảnh với đủ thế dáng được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Vinh cho rằng, trồng cây cảnh ngoài niềm đam mê còn phải mạnh dạn đầu tư và kiên nhẫn. Vì cây cảnh không như những loại cây khác, có khi vài ba tháng không bán được cây nào nhưng có ngày lại bán được cả chục triệu đồng. Để có một vườn cây cảnh đẹp như hôm nay ông đã phải trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng chừng không thể theo đuổi được. Nhưng với niềm đam mê cây cảnh, cộng với ý chí, nghị lực ông Vinh đã thành công với nghề. Ông thường xuyên áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, số tiền bán cây cảnh mỗi năm lại được dành để đầu tư tiếp.
Những người lính cụ Hồ như ông Phái, ông Quang, ông Vinh và nhiều thương, bệnh binh khác trên địa bàn tỉnh nói chung là những tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ noi theo về nỗ lực vươn lên, năng động phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa