Như tin Báo Nam Định đã đưa, ngày 18-12, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 3 (Cục QLTT Nam Định) đã phát hiện và xử lý vụ việc vận chuyển, tiêu thụ 500kg thịt lợn cùng nhiều sản phẩm giò nạc vi phạm điều kiện lưu thông, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa bàn xã Nam Lợi (Nam Trực). Hàng hóa vi phạm là thịt lợn sề (theo lời khai của lái xe) được thu gom tại một số lò mổ tại địa phương và một số nơi ở tỉnh Thái Bình về giao cho các đầu mối chế biến giả “thịt bò, nai” khô phân phối ở thị trường Nam Định. Đây là mặt hàng đang “hot” được quảng cáo, rao bán trên mạng xã hội; lợi dụng sản phẩm đặc sản địa phương đã có thương hiệu được bán trực tuyến trên mạng. Tuy nhiên nhiều người mua không có kinh nghiệm nên không thể phân biệt thật giả khi thịt được trải qua quá trình tẩm ướp gia vị, hóa chất và sấy khô nên có khi đặt mua hàng thật nhưng được giao hàng “cọp”.
Trước đó, dịp đầu năm, tại địa bàn các huyện Hải Hậu, Vụ Bản, lực lượng QLTT và Công an liên tục triệt phá các tổng kho hàng lậu mỹ phẩm, “hàng hiệu”… vi phạm gian lận thương mại trị giá hàng hóa vi phạm hàng tỷ đồng. Cuối tháng 7-2021, lực lượng QLTT phối hợp với lực lượng Công an và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản qua kiểm tra phát hiện gần 500kg thực phẩm đông lạnh (gồm các loại: trứng gà non, cánh gà, cá nục, cá thu khúc, cá bống biển, mực sim, sườn lợn, chim cút) vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại kho hàng ở địa chỉ số 5A, đường Phan Bội Châu, phường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định). Hàng hóa được cất giữ trong tủ đông, thùng xốp, thùng giấy và các khay nhựa để dưới sàn nhà; hầu hết sản phẩm không có tem nhãn hoặc có tem nhãn nước ngoài sản xuất nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định pháp luật. Theo những người kinh doanh, các mặt hàng này thường được cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu bình dân; rao bán online.
Thời gian gần đây tại thành phố Nam Định xuất hiện ngày càng nhiều các kho “bách hóa” nhỏ tập kết hàng hóa các loại, phân phối bán hàng qua mạng xã hội và cho cả người mua trực tiếp. Hàng hóa đủ chủng loại, từ hàng có nhãn hiệu đầy đủ tồn kho lẫn với hàng hóa tem nhãn, nguồn gốc không rõ ràng; thậm chí có cả thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống, thức ăn chế biến sẵn; rau củ, cây giống… Việc sắp đặt, bảo quản hàng hóa chỉ quan sát trực tiếp đã thấy không đảm bảo quy cách khi tất cả các loại được để chất đống lẫn lộn trên các kệ hàng, dưới nền nhà, tràn ra cả vỉa hè; hàng công nghệ, hóa chất tẩy rửa để lẫn với thực phẩm chế biến đóng gói sẵn; chưa kể mối nguy cháy nổ nếu xuất hiện chập điện hay có khách hàng vô ý hút thuốc lá…
Tết Nguyên đán đang đến gần. Trước, trong và sau tết, lễ hội xuân là thời điểm gia tăng đột biến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng các loại. Theo kinh nghiệm từ nhiều năm, đây cũng là thời điểm hàng hóa vi phạm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái được gian thương lợi dụng trà trộn đưa vào thị trường để trục lợi. Việc mua phải và sử dụng các loại hàng hóa này khiến người tiêu dùng không chỉ thiệt hại về kinh tế mà có khi còn nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe nếu chẳng may bị ngộ độc thực phẩm vì các hóa chất tẩm ướp bảo quản không đúng quy định, liều lượng, thậm chí cả chất cấm, tồn dư trong thực phẩm. Mặt khác, các hành vi này gây mất ổn định thị trường, ảnh hưởng đến người sản xuất kinh doanh nghiêm túc.
Thời điểm này, cả nước đã chuyển sang giai đoạn “Thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi phát triển, tạo nguồn thu cho người dân để có một cái tết tươm tất đủ đầy. Đặc biệt, thời gian qua, thương mại điện tử đã phát triển rất nhanh, nhiều người dân, kể cả địa bàn nông thôn cũng đã tiếp cận phương thức mua sắm này. Điều này rất có ý nghĩa đối với công tác phòng chống dịch và đảm bảo hoạt động liên tục của nền kinh tế. Tuy nhiên với phương thức kinh doanh này, nếu công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái không được làm tốt thì cũng gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế, đời sống nhân dân, quyền lợi của người tiêu dùng không được bảo vệ, tạo nên hình ảnh méo mó, xấu xí về thương mại điện tử, ảnh hưởng đến uy tín, các giá trị văn hóa kinh doanh của các thương hiệu chân chính.
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã có kế hoạch tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022 từ ngày 20-12-2021 đến 12-3-2022 với mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022. Các cấp, các ngành chức năng cần có biện pháp quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn không để hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại “đến hẹn lại bung”./.
Vân Thi