Hải Hậu phát triển kinh tế biển thành động lực tăng trưởng

08:12, 21/12/2021

Khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển (KTB) được tỉnh xác định là 1 trong 9 giải pháp trong Chương trình hành động để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX đã ban hành Nghị quyết chuyên đề với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh. Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của tỉnh, huyện Hải Hậu, địa phương có nhiều tiềm năng phát triển KTB với 32km bờ biển, 2 cửa sông lớn và 1 cảng biển đã định hướng đưa KTB trở thành ngành kinh tế động lực của huyện.

Huyện Hải Hậu chú trọng khai thác phát triển kinh tế du lịch biển gắn với làng nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ Hải Minh.
Huyện Hải Hậu chú trọng khai thác phát triển kinh tế du lịch biển gắn với làng nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ Hải Minh.

Huyện đã đánh giá nhận diện những bất cập, hạn chế đang tồn tại để đề ra các giải pháp khả thi phát triển KTB. Theo đó, KTB của huyện đã có chuyển biến tích cực trong những năm qua song chưa phát triển tương xứng với lợi thế sẵn có. Nhiều tiềm năng chưa được khai thác, các ngành kinh tế mũi nhọn chưa được phát huy, nhất là du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến thủy sản. Phát triển nuôi thủy sản còn tự phát, chưa theo quy hoạch, còn xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật đê điều và công trình thủy lợi. Phát triển KTB chưa gắn kết hài hòa với ứng phó biến đổi khí hậu, chống xâm thực và bảo vệ môi trường. Ô nhiễm môi trường biển do rác sinh hoạt còn diễn ra. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo của người dân ven biển có xu hướng ngày càng tăng. Việc giữ gìn giá trị, phát huy bản sắc văn hóa biển chưa được quan tâm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện khai thác tiềm năng KTB của các cấp uỷ, chính quyền nhìn chung chưa thường xuyên, quyết liệt, chưa được thể chế hóa và chưa có giải pháp cụ thể. Vai trò quản lý Nhà nước trong phát triển KTB chưa rõ nét, thể hiện qua công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển các lĩnh vực KTB còn thiếu tính tổng thể, đồng bộ với các ngành, lĩnh vực liên quan, chưa thu hút được các thành phần kinh tế đủ tiềm lực đầu tư, phát triển các lĩnh vực KTB chủ đạo.

Từ đó, huyện yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương xác định phát triển KTB là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị; phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền về phát triển KTB, nhất là phát huy những lợi thế về hạ tầng kinh tế - xã hội. Để xây dựng, phát triển KTB giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, huyện sẽ tập trung thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Hiện nay huyện đang tập trung lập quy hoạch tổng thể phát triển KTB huyện theo hướng đồng bộ, thống nhất với quy hoạch chung của tỉnh, của huyện và các quy hoạch khác có liên quan, gắn liền với đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển, ứng phó hiệu quả với thiên tai, thích ứng với biển đổi khí hậu, nước biển dâng; tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu: Du lịch - dịch vụ; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản. Huyện phấn đấu chậm nhất đến quý II-2022 hoàn thành lập các quy hoạch phát triển các ngành KTB chủ yếu. Cùng với các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh, huyện ưu tiên ngân sách địa phương để đầu tư, hoàn thiện và kết nối hạ tầng KTB gồm: Tuyến đường bộ ven biển đi qua huyện, tuyến đường trục trung tâm huyện, các tuyến đường du lịch, các tuyến đường huyện, đường liên xã, các khu, cụm công nghiệp (CCN), hạ tầng các đô thị trên địa bàn và các điểm du lịch - dịch vụ, thương mại. Giai đoạn 2021-2023, hoàn thành xây dựng tuyến đường bộ ven biển đi qua huyện, các tuyến đường trục trung tâm huyện (giai đoạn I), tuyến đường Nam Trung..., hoàn thành hạ tầng khu đô thị thương mại Cồn - Văn Lý, khu tái định cư và khu dân cư tập trung xã Hải Xuân. 

Trong thu hút nguồn lực phát triển KTB, giai đoạn từ 2021-2023 huyện ưu tiên thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch - dịch vụ. Trước hết là thu hút xây dựng hạ tầng các khu, CCN với lộ trình đến năm 2025 hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác các CCN Hưng Bắc, Hải Xuân, đầu tư các CCN làng nghề Hải Minh, Hải Anh và mở rộng CCN làng nghề Hải Vân; đến năm 2030 hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác KCN Nam Hải Hậu. Thu hút đầu tư phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng nuôi công nghiệp, nuôi thâm canh và nuôi công nghệ cao; hình thành một số doanh nghiệp lớn chế biến thủy sản; xây dựng Tổng kho xăng dầu quy mô khoảng 38ha tại thị trấn Thịnh Long; đầu tư xây dựng khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu nhà thờ đổ Văn Lý, phát triển khu du lịch biển Thịnh Long; thu hút đầu tư phát triển các cơ sở hậu cần nghề cá, cơ sở dịch vụ vận tải thủy... 

Nhiệm vụ phát triển các ngành kinh tế, huyện tập trung phát triển song hành, hiệu quả, bền vững nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và du lịch, dịch vụ. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng của tuyến đường bộ ven biển, đường trục trung tâm huyện và các khu đất bãi ven sông, ven biển; khai thác hiệu quả lợi thế nguồn nhân lực và các ngành nghề truyền thống, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phát triển thủy sản gắn với việc áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ về bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các sản phẩm thủy sản; đảm bảo khai thác hiệu quả và phát triển bền vững các vùng nuôi thủy sản tập trung ven biển (khoảng 1.500ha và khoảng 700ha nội đồng); phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, kinh nghiệm khai thác xa bờ và tuân thủ tốt các quy định quốc tế của ngư dân. Phát triển đa dạng các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch. Chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tôn giáo - tâm linh gắn với du lịch nông thôn mới, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm cộng đồng. Phát triển các địa điểm du lịch: Khu du lịch biển Thịnh Long, khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu Nhà thờ đổ Văn Lý, di tích Chùa Lương - Cầu Ngói, các mô hình điểm trong xây dựng nông thôn mới... Hình thành 3 tuyến du lịch biển gắn với du lịch văn hóa tâm linh và 1 tuyến du lịch liên huyện, 2 tuyến du lịch liên tỉnh kết nối với Hà Nội, Ninh Bình. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và xây dựng 4 tiêu chí kiểu mẫu cấp huyện về hạ tầng, cảnh quan, môi trường, văn hóa. Chú trọng ngăn ngừa, kiểm soát hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường biển; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Với những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu kể trên, toàn huyện phấn đấu tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng bình quân 13,2%/năm, đến năm 2025 đạt 32.730 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 63.860 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 12%; ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 88%. Tạo đủ việc làm tại chỗ và nâng cao thêm một bước về đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 110 triệu đồng/năm; đến năm 2030 đạt 200 triệu đồng/năm. Phấn đấu đến năm 2025 có trên 95% lượng rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đảm bảo yêu cầu về môi trường./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com