Các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai là một trong chuỗi TTHC liên quan mật thiết đến năng lực cạnh tranh, sức thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, của địa phương. Vì vậy ngay trong giai đoạn đầu của lộ trình xây dựng chính quyền số, tỉnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành Tài nguyên và Môi trường quan tâm số hóa dữ liệu, tiếp nhận hồ sơ, thực hiện giải quyết các TTHC liên quan đến đất đai trên môi trường điện tử theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Công ty Cổ phần Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam (KCN Bảo Minh) xây dựng công trình xử lý nước thải giai đoạn 2. |
Từ năm 2016 đến nay, ngành Tài nguyên và Môi trường đã quan tâm triển khai xây dựng hoàn thiện và cập nhật Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Bên cạnh đó, ngành Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện kết nối điện tử liên thông trong giải quyết TTHC về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai. Hiện Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố đã triển khai dịch vụ công mức độ 3 cho 23 TTHC trong tổng số 95 TTHC của lĩnh vực đất đai... Tuy nhiên thời gian xử lý hồ sơ TTHC đất đai thường kéo dài hơn so với quy định và doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi lâu để nhận kết quả. Số lượng hồ sơ được thực hiện trên môi trường điện tử vẫn khiêm tốn so với các ngành khác và chưa đạt hiệu quả như mong muốn đề ra.
Trong báo cáo Chỉ số đánh giá Chi phí tuân thủ TTHC (APCI) 2020 Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ các lý do cản trở việc tiếp cận, thực hiện đăng ký hồ sơ giải quyết TTHC về đất đai trên môi trường điện tử. Theo đó, vướng mắc nhất đối với doanh nghiệp là bộ hồ sơ thực hiện TTHC đất đai còn phức tạp, cần thu thập và công chứng nhiều giấy tờ; phải thực hiện rất nhiều quy định bởi nhiều phòng ban, nhiều cấp quản lý Nhà nước khác nhau. Điều này gây khó cho cả cơ quan thụ lý hồ sơ và khiến việc chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ của TTHC là khâu chiếm tỷ trọng thời gian cao nhất khi thực hiện TTHC đất đai đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, các quy định về quản lý đất đai chưa thực sự rõ ràng, trong nhiều trường hợp cụ thể còn thiếu chặt chẽ và không thống nhất giữa các quy định dẫn đến việc các doanh nghiệp thực hiện thủ tục lần đầu phải nhiều lần chỉnh sửa hồ sơ TTHC, làm kéo dài thời gian xử lý hồ sơ liên quan đến đất đai. Một số ít doanh nghiệp cho biết có tìm hiểu thông tin trên internet nhưng không được đầy đủ, vẫn phải tìm hiểu trực tiếp tại cơ quan Nhà nước. Dù số lượng doanh nghiệp tìm hiểu thủ tục qua mạng internet có xu hướng tăng nhưng chưa ghi nhận trường hợp doanh nghiệp nào thực hiện việc nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp bằng phương thức điện tử. Nguyên nhân là do tâm lý e ngại tính bảo mật của mạng và cẩn trọng về các giấy tờ sở hữu đất đai khiến người sở hữu không thể chuyển giao cho bên thứ ba; ngoài ra việc nộp hồ sơ thủ tục về đất đai qua đường bưu điện hoặc bằng phương thức điện tử vẫn chưa được dễ dàng đối với người thực hiện TTHC. Công tác điện tử hóa TTHC về đất đai cũng còn nhiều khó khăn do thiếu dữ liệu chia sẻ giữa các TTHC liên quan đến đăng ký quyền sở hữu tài sản liên kết với đất giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng; chưa xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thủ tục công chứng hoặc chứng thực hợp đồng giao dịch về đất đai. Hạ tầng và dịch vụ thanh toán điện tử còn hạn chế. Phần mềm một cửa điện tử và công ty dịch vụ công chưa được tích hợp và nhiều tính năng chưa được hoàn thiện. Năng lực hạ tầng công nghệ thông tin (như máy quét, máy tính, internet, kỹ năng sử dụng tin học…) hạn chế; chưa có quy định về hồ sơ điện tử, TTHC về đất đai (quy trình, thành phần hồ sơ, biểu mẫu)...
Trước thực trạng kể trên, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương phải xác định việc thực hiện và giải quyết TTHC nói chung và các TTHC về đất đai trên môi trường điện tử không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà là một nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu của tỉnh trong lộ trình xây dựng Chính quyền điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Để thúc đẩy thực hiện giải quyết TTHC về đất đai trên môi trường điện tử, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành, các địa phương phải tăng cường phối hợp, khẩn trương hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, liên kết, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt việc công khai thông tin và hỗ trợ cung cấp thông tin liên quan đến đất đai cho người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả; chú trọng công khai TTHC tại bộ phận một cửa, trên trang điện tử của các sở, ngành, địa phương và Cổng thông tin điện tử của tỉnh để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Quyết liệt cải cách, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy định hành chính về đất đai liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là TTHC trên môi trường điện tử để hạn chế tối đa tình trạng người dân, doanh nghiệp phải liên hệ làm thủ tục nhiều lần, khắc phục tình trạng quá hạn trong giải quyết TTHC về đất đai. Sở Tài nguyên và Môi trường đang tập trung tham mưu để UBND tỉnh sớm ban hành quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC trong lĩnh vực đất đai đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, đơn vị trong Sở, giữa Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh với Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thành phố. Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ giao dịch của tổ chức, cá nhân liên quan đến đất đai thuộc thẩm quyền của Sở đã công bố trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tập trung xác thực, định danh, cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC liên quan đến đất đai tại bộ phận một cửa các cấp; số hóa kết quả giải quyết TTHC về đất đai còn hiệu lực và tiếp tục số hóa, ký số, lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC trong mỗi năm để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi cho các ngành chức năng và giúp người dân đã thực hiện thành công TTHC về đất đai trước đó khi làm thủ tục đất đai lần sau không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cùng loại đã được chấp nhận. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và có giải pháp hiệu quả để người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trên môi trường điện tử.
Với các biện pháp đồng bộ kể trên hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy, nâng cao tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện, giải quyết TTHC về đất đai trên môi trường điện tử, giúp tỉnh không ngừng củng cố môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và tạo dựng niềm tin để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy