Năm 2021, các doanh nghiệp ngành Xây dựng gặp nhiều khó khăn bởi hoạt động xây dựng của nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc bị ngưng trệ do thực hiện giãn cách xã hội; giá nguyên liệu tăng, sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm; phải gia tăng chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân… Tuy nhiên, bằng nỗ lực tự thân, cùng với việc tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ của các ngành chức năng, các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng có uy tín đều trụ vững và tiếp tục phát triển.
Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH Hòa Phát, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định). |
Theo Sở Xây dựng, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn do sản lượng sản xuất và tiêu thụ một số chủng loại vật liệu giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp do thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế, nên chỉ đầu tư, sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất vật liệu với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ; khâu bảo quản sản phẩm lưu kho và vận chuyển chưa đúng quy trình đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa vào công trình. Nhóm cơ sở sản xuất gạch tự phát chủ yếu dùng phương pháp thủ công nên chất lượng không đảm bảo theo tiêu chuẩn. Để ứng phó với khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã chủ động giảm sản lượng để hạn chế hàng tồn kho. Nhóm doanh nghiệp có chỗ đứng ổn định trên thị trường nỗ lực khắc phục khó khăn đổi mới công nghệ, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ gìn, phát triển thương hiệu. Theo anh Vũ Mạnh Trường, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Phát (Cụm công nghiệp An Xá) chuyên sản xuất gạch không nung cho biết: Hoạt động xây dựng từ nguồn vốn đầu tư công trong năm 2021, nhất là những tháng đầu năm, của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước bị chững lại khiến nhiều thời điểm sản lượng xuất bán của Công ty chỉ đạt 50-60% so với năm ngoái. Để giữ chân người lao động đảm bảo có thể tổ chức sản xuất chủ động đáp ứng đủ lượng hàng ngay khi nhu cầu thị trường chuyển biến tích cực, Công ty vẫn duy trì sản xuất với sản lượng thấp. Vì vậy Công ty đang gặp khó khăn do vừa vướng gia tăng chi phí phòng chống dịch về vốn bởi lượng hàng lưu kho. Để gỡ khó, trước mắt Công ty đã tăng cường kích cầu bán hàng cho công trình xây dựng trong dân các sản phẩm chính gồm: gạch bê tông xây, gạch terrazzo và gạch đá nhân tạo. Ở Công ty Cổ phần Bê tông Nam Thắng (thành phố Nam Định) anh Nguyễn Huy Chức, đại diện doanh nghiệp cho biết: Công ty có thương hiệu trong sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng không nung đạt tiêu chuẩn quốc gia 6477:2016. Sản phẩm gạch không nung của Công ty luôn đảm bảo khả năng chống thấm ưu việt, ngày càng được nhiều chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng các công trình vốn Nhà nước tin tưởng sử dụng. Đặc biệt, trong năm 2021, Công ty tích cực nghiên cứu nhu cầu thị trường, cho ra đời dòng sản phẩm gạch không nung với các tính năng tương tự như dòng sản phẩm gạch nung người dân ưa sử dụng. Chọn đúng hướng nên Công ty đã tiếp cận và kích thích được nhu cầu, sức mua.
Năm 2021 tỉnh tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm, các công trình an sinh xã hội, tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho nhóm doanh nghiệp thi công xây dựng hoạt động tại địa phương. Tuy nhiên, sự gia tăng về giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng cao khiến các doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ một số công trình. Theo đại diện của Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong: Đối với các hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, việc không được điều chỉnh do biến động giá tăng hoặc không được thanh toán các chi phí phát sinh khiến nhà thầu thi công bị giảm lợi nhuận. Do đó, để đảm bảo lợi nhuận trong điều kiện tăng nhiều chi phí từ giá nguyên liệu chi phí phòng chống dịch, các doanh nghiệp thi công xây dựng tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình, hạn chế tối đa thất thoát lãng phí. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đã phối hợp chặt chẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng giải quyết nhanh các thủ tục hồ sơ liên quan đến thẩm định hồ sơ thiết kế, hồ sơ quy hoạch, hồ sơ về đất đai…; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cao chất lượng xây dựng công trình. Theo đồng chí Đinh Văn Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh: Việc các nhà thầu thi công chủ động vượt khó, cùng với sự phối hợp hỗ trợ của các ngành chức năng, các địa phương đã góp phần đảm bảo tiến độ thi công của các công trình trọng điểm, các công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh.
Năm 2022, dự kiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng của tỉnh có nhiều dư địa, cơ hội để phát triển. Nhiều địa phương trên toàn quốc “bứt tốc”, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công; tại địa bàn tỉnh ta cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư và thực hiện đồng loạt nhiều công trình hạ tầng lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: các khu, cụm công nghiệp, các công trình cầu, đường giao thông, các tuyến đê kè, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung... Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương trong tỉnh tăng cường vận động, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, gia tăng các điều kiện giúp các doanh nghiệp xây dựng thuận lợi nhất trong hoàn tất các thủ tục hồ sơ liên quan. Hy vọng với sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng thích ứng linh hoạt, đẩy mạnh đầu tư công, với tinh thần thi đua bứt phá thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp sẽ tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp ngành xây dựng của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy