Chuyển đổi số - Nỗ lực bứt phá để thành công

10:12, 30/12/2021

Đón năm mới 2022, tỉnh ta được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) xếp hạng thứ 11/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số (CĐS) ngay trong lần đánh giá đầu tiên. Đây là thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân trong điều kiện tỉnh ta còn nhiều khó khăn cả về kinh phí và nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT).

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 giữa UBND tỉnh với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel.  Ảnh: Thanh Thúy

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 giữa UBND tỉnh với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel.

Ảnh: Thanh Thúy

Bứt phá thành công

Đồng chí Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở TT và TT phấn khởi chia sẻ: Kết quả này được Bộ TT và TT đánh giá khách quan trên các chỉ tiêu thành phần ở cả 3 trụ cột căn bản của CĐS là chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Trong đó, các chỉ số cơ bản như mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT index), hiện đại hóa nền hành chính và độ mở của Cổng thông tin điện tử của tỉnh lần lượt xếp hạng theo thứ tự là 11, 14 và 11 trên 63 tỉnh, thành phố. Kết quả của quá trình CĐS đã bước đầu hình thành được kiến trúc nền tảng của chính quyền điện tử; cơ sở hạ tầng TT và TT được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin trọng yếu triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp. Trong đó, Hệ thống thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp được hoàn thiện với việc 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tích hợp Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh triển khai đến 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, 226 xã, phường, thị trấn phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết TTHC. Đặc biệt tỉnh ta đã chính thức triển khai dịch vụ nhắn tin tự động thông báo tình hình giải quyết TTHC trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó khi thực hiện giải quyết TTHC, người dân sẽ nhận được 3 tin nhắn thông báo về tiến độ tiếp nhận, quá trình giải quyết và thời điểm nhận kết quả từ Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đến thuê bao điện thoại di động của người dân, doanh nghiệp mà không phải tiếp xúc trực tiếp với cơ quan quản lý Nhà nước. Đây là bước chuyển đổi mạnh mẽ nâng cao được chất lượng, tính minh bạch trong thực hiện giải quyết TTHC trên nền tảng số. Năm 2021, tỉnh ta hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc hoàn thành việc kết nối và chính thức sử dụng dịch vụ liên quan đến người dân từ bộ cơ sở dữ liệu này. Từ bộ cơ sở dữ liệu này, mỗi người dân có thể tạo lập được kho dữ liệu điện tử của cá nhân để xác lập nền tảng công dân số, thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện TTHC, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân.  

Kinh tế số bước đầu đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; công nghệ số đang được ứng dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, dịch vụ và xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số và internet, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Đơn cử như ngành Giáo dục đã ứng dụng dạy học trực tuyến; ngành Y tế đã số hóa việc đăng ký khám, chữa bệnh, mỗi người dân được trang bị sổ sức khoẻ điện tử, lưu trữ quá trình khám chữa bệnh và tiền sử bệnh tật của bệnh nhân; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng sàn giao dịch nông sản để kết nối thương mại điện tử hỗ trợ khâu tiêu thụ cho nông sản địa phương,… Đặc biệt, tỉnh đã kêu gọi các tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu như VNPT, Viettel và một số doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số trên địa bàn như: Công ty Cổ phần Tập đoàn AIC, Công ty TNHH Phát triển kỹ thuật và thương mại Tân Dân… hợp tác cung ứng hạ tầng viễn thông, các giải pháp CNTT. Với sự hợp tác của hai tập đoàn công nghệ - viễn thông lớn VNPT, Viettel, công cuộc CĐS của tỉnh được bổ sung nguồn lực để thực hiện toàn diện số hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đồng chí Nguyễn Đức Châu, Giám đốc tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Viettel chi nhánh Nam Định cho biết: Với thế mạnh là doanh nghiệp công nghệ, Tập đoàn Viettel rất tự hào được tỉnh tin tưởng lựa chọn đồng hành trong công cuộc CĐS. Viettel sẽ phát huy khả năng, thế mạnh, nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ hợp tác, chú trọng việc đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông, nghiên cứu đưa ra những giải pháp giúp tỉnh hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh; triển khai thực hiện CĐS trong các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh.

Gấp rút hoàn thành mục tiêu CĐS

Để tiếp tục đẩy nhanh lộ trình CĐS, phấn đấu tỉnh luôn nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu của cả nước về thực hiện các trụ cột CĐS chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đến năm 2030 tỉnh cơ bản hoàn thành CĐS và xây dựng đô thị thông minh, ngày 15-10-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết toàn khóa số 09-NQ/TU về CĐS tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ này xuyên suốt nhiệm kỳ. Trong đó xác định lấy người dân làm trung tâm, chuyển đổi nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội hiểu rõ vai trò của mỗi cá nhân với CĐS để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động; chủ động thực hiện CĐS trên cơ sở nguồn lực sẵn có của địa phương trong suốt quá trình xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; thực hiện CĐS đồng bộ, sâu rộng đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh; ưu tiên CĐS đối với những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân. Theo đó đến năm 2022, tỉnh sẽ xây dựng những hình mẫu về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cụ thể, chính quyền số tập trung vào cung cấp dịch vụ công số; kinh tế số tập trung vào nông nghiệp số, năng lượng, logistics và môi trường; xã hội số tập trung vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phát triển cộng đồng số. Căn cứ trên kết quả thực hiện, giai đoạn 2 năm tiếp theo sẽ nhân rộng mô hình trong các lĩnh vực then chốt và đến năm 2025 nhân rộng ra toàn xã hội. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu về chính quyền số: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; từ 90% trở lên hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% trở lên ở cấp huyện và 60% trở lên ở cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình; 100% xã phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G; xây dựng thành công nền tảng đô thị thông minh tỉnh… Đến năm 2030, phấn đấu 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 90% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang và dịch vụ mạng 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%... Hiện nay bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CĐS, tỉnh chú trọng ban hành cơ chế chính sách, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ; đào tạo phát triển nhân lực số; thúc đẩy ứng dụng số đối với hoạt động kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng số trong xã hội, cộng đồng dân cư. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu CĐS.

Với quyết tâm cao, định hướng phát triển đúng, sự nỗ lực triển khai của ngành chức năng, các địa phương, lộ trình CĐS của tỉnh hứa hẹn sẽ đạt kết quả cao vào những năm tiếp theo, tạo niềm tin và thu hút người dân chủ động tham gia, hướng ứng CĐS với chính quyền, góp phần tác động tích cực đến mọi lĩnh vực đời sống, xã hội và cuộc sống của người dân./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com