Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội nhưng xuất khẩu của tỉnh từ đầu năm đến nay vẫn có sự tăng trưởng, là tiền đề quan trọng để tỉnh ổn định phát triển sản xuất - kinh doanh. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính chung 10 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 2.129 triệu USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 1.551,2 triệu USD, tăng 49,1%, khu vực Nhà nước là 46,2 triệu USD, tăng 48,2%...
Sản xuất tại Công ty CP Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản. |
Có được kết quả trên trước hết là từ các giải pháp hỗ trợ đã được tỉnh chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành như: đẩy mạnh sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu xúc tiến thương mại, tiếp cận, ký kết hợp đồng trực tuyến. Hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia các hội nghị, hoạt động giao thương trực tuyến hàng hóa với các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…; hội nghị kết nối trực tuyến với các tham tán Việt Nam tại nước ngoài, giúp doanh nghiệp tìm hiểu về xu hướng, diễn biến, nhu cầu thị trường, nghiên cứu thị trường và các yếu tố cạnh tranh trên thị trường. Ở trong nước thì hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện điều kiện sản xuất và hồ sơ cần thiết để tham gia xuất khẩu chính ngạch; duy trì các mối liên hệ không gián đoạn với thị trường xuất khẩu mục tiêu. Nhờ những kết quả ấn tượng trong kiềm chế và kiểm soát dịch COVID-19 tại địa phương trong 9 tháng đầu năm 2021, góp phần hạn chế tác động tiêu cực của dịch đối với khu vực đầu tư FDI tại địa bàn. Ngoài ra, tỉnh không ngừng cải cách hành chính cải thiện năng lực cạnh tranh và đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận trên cả những lĩnh vực khó như kiểm soát tham nhũng, thuế, mặt bằng sạch. Nhờ đó, trong một năm nhiều khó khăn, tỉnh vẫn đạt được thành công đáng kể, tăng cường vị thế của mình, là địa bàn nhiều sức hút cho lựa chọn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài; nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn đã tin tưởng tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Sản xuất đồ chơi trẻ em xuất khẩu tại Công ty TNHH Quốc tế KAM FUNG Việt Nam, Cụm công nghiệp Thịnh Lâm, huyện Giao Thủy. |
Không chỉ nhóm doanh nghiệp FDI có quy mô, công nghệ, năng lực cao được sản xuất và xuất khẩu mà các doanh nghiệp xuất khẩu nội tỉnh cũng nỗ lực tận dụng kết quả trong công tác kiểm soát dịch bệnh tranh thủ khai thác hiệu quả đà phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu, nắm bắt xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng hàng hóa trong những tháng đầu năm khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc khiến phải tạm dừng hoạt động sản xuất. Nhóm các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đã khẩn trương tổ chức sản xuất ngay khi khai thác, ký kết được các đơn hàng mới, đơn hàng lớn nỗ lực đáp ứng tối đa yêu cầu về tiến độ, chất lượng sản xuất của bạn hàng. Các doanh nghiệp đã linh hoạt cơ cấu lại đơn hàng, linh hoạt các phương án sản xuất. Do vậy các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu của tỉnh đã được nhiều đối tác mới tin tưởng, ký kết nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn, dài hạn. Các doanh nghiệp thuộc các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khác của tỉnh như xuất khẩu nông sản, cơ khí chế tạo cũng nỗ lực chắt chiu, khai thác tích cực từng cơ hội. Theo ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lenger Việt Nam: Công ty đã tích cực khai thác tối đa các yếu tố thuận lợi, ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) để gia tăng xuất khẩu các dòng sản phẩm ngao chế biến sang thị trường EU. Nhờ đó, doanh thu xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2021 tại thị trường EU của Công ty tiếp tục tăng trưởng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Công ty tiếp tục phương châm gia tăng sản lượng với đảm bảo nghiêm ngặt các quy chuẩn về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ để khai thác sâu hơn nhu cầu tiêu dùng tại thị trường xuất khẩu. Theo đại diện Công ty TNHH Thắng Lợi (thành phố Nam Định), dù phải gia tăng chi phí cho phòng chống dịch COVID-19 nhưng Công ty đã đặt mục tiêu bảo đảm an toàn cho người lao động lên trên hết. Đồng thời đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trong tiếp cận, khai thác hiệu quả hệ thống máy móc hiện đại; chủ động đảm bảo tất cả các sản phẩm trước khi xuất ra khỏi nhà máy phải được kiểm định tại Trung tâm kiểm định kim loại quy mô khu vực của Công ty. Nhờ đó, các thị trường yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng như Nhật Bản, Đức, Hà Lan... ngày càng tin tưởng, giúp Công ty ổn định được các đơn hàng cung ứng sản phẩm cơ khí phục vụ ngành khai khoáng, nhiệt điện, xi măng, hóa chất, chế tạo máy cả trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Từ nay đến cuối năm 2021, được đánh giá là thời điểm “vàng” để gia tăng xuất khẩu do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong các dịp lễ lớn cuối năm ở các thị trường nước ngoài. Vì vậy tỉnh chỉ đạo, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người lao động của các doanh nghiệp; gia tăng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng khai thác tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực. Ngành Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp chú trọng khai thác các thị trường nhỏ và thị trường ngách; tận dụng triệt để cơ hội xuất khẩu nông sản sang các thị trường Nam Á, Đông Á bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Toàn tỉnh phấn đấu tổng giá trị hàng xuất khẩu năm 2021 đạt khoảng 2.600 triệu USD, tăng 23,1% so với năm 2020./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy