Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng góp phần phát triển nông nghiệp an toàn

08:11, 05/11/2021

Đầu năm 2019, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng được thành lập trên cơ sở sáp nhập các trạm: Chăn nuôi và Thú y, Trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV), Khuyến nông của huyện. Sau gần 3 năm hoạt động theo mô hình mới, Trung tâm đã bước đầu được khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa Hưng kiểm tra tình hình sâu bệnh cuối vụ mùa năm 2021 tại xã Nghĩa Sơn.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa Hưng kiểm tra tình hình sâu bệnh cuối vụ mùa năm 2021 tại xã Nghĩa Sơn.

Ở mô hình tổ chức cũ, các trạm đều làm nhiệm vụ chuyên môn về nông nghiệp nhưng hoạt động độc lập bằng các nguồn lực sự nghiệp cho từng lĩnh vực, do vậy rất khó tập trung nguồn lực lớn đủ để hỗ trợ, giải quyết những vấn đề phát sinh trong sản xuất, nhất là vào thời điểm xảy ra dịch bệnh, thiên tai. Đồng chí Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng cho biết: Khi chưa sáp nhập, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện chỉ có 3 cán bộ, trong khi địa bàn huyện rộng nên việc tăng cường bám sát cơ sở, nắm tình hình chăn nuôi, giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Việc sáp nhập các đơn vị đúng thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp đã giúp bổ sung 3 cán bộ BVTV và khuyến nông cho công tác thú y. Từ đó, Trung tâm có thể tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi như: giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lợn ốm, chết bất thường hoặc nghi mắc bệnh, không để lây lan thành dịch ra diện rộng; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt VietGAP; tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, nhất là hoạt động vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu vào địa phương… góp phần giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Hàng năm, Trung tâm tham mưu cho UBND huyện kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo như: thống kê nắm chắc tổng đàn gia súc, gia cầm; xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng chống dịch bệnh động vật; tăng cường quản lý chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi… giúp công tác phòng, chống dịch bệnh động vật ở Nghĩa Hưng luôn đạt hiệu quả cao. 

Từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đã phát sinh tại 9 xã từ tháng 1 đến tháng 5; bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại các xã Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm và thị trấn Quỹ Nhất từ ngày 11-5 đến 6-6. Trung tâm đã phân công cán bộ theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn và các cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định. Đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm trong 2 vụ xuân và thu. Kết quả, trong vụ xuân đã tiêm vắc-xin phòng dịch tả cho đàn lợn đạt 88% kế hoạch; phòng bệnh lở mồm long móng cho trâu, bò, dê, lợn nái, lợn đực giống đạt 100% kế hoạch; phòng bệnh dại cho chó đạt 57%. Ở vụ thu, toàn huyện đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn cho gần 21 nghìn con lợn; lở mồm long móng cho 980 con lợn nái, lợn đực giống và 3.060 con trâu, bò, dê. Hiện Trung tâm đang tiếp tục nhận vắc-xin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) để cấp cho các xã, thị trấn thực hiện kế hoạch tiêm phòng vụ thu và tiêm bổ sung. Bên cạnh đó, Trung tâm đã cấp phát 1.500 lít thuốc sát trùng cho các xã, thị trấn để thực hiện khử trùng, tiêu độc ngăn chặn dịch bệnh không lây lan sang địa bàn khác. Hàng tháng, Trung tâm đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành lấy mẫu trên đàn gia cầm, mẫu phủ tạng lợn, mẫu thịt, mẫu cám để giám sát dịch trên địa bàn. Nhờ đó đã góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Cùng với lĩnh vực thú y, các lĩnh vực công tác phòng, chống sâu bệnh bảo vệ cây trồng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông… cũng được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa Hưng tổ chức thực hiện hiệu quả nhờ được tăng cường nhân lực và vật lực. Thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh; các đơn vị chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn cho HTX, nông dân về kiến thức, kỹ thuật sử dụng vắc-xin, thuốc thú y trong chăn nuôi; kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, sử dụng phân bón; canh tác lúa hiệu quả, bền vững và giảm phát thải khí nhà kính… Qua các lớp tập huấn giúp nông dân tiếp thu, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phòng trừ dịch bệnh gây hại và sản xuất có hiệu quả. Năm 2021, Trung tâm đã phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương xây dựng mô hình trình diễn giống lúa VNR20 tại thị trấn Quỹ Nhất ở vụ xuân và xã Nghĩa Đồng trong vụ mùa với quy mô mỗi mô hình 1ha. Kết quả cho thấy, đây là giống chịu thâm canh, chất lượng gạo ngon, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt là bệnh bạc lá trong vụ mùa và cho năng suất thực thu đạt 220-240kg/sào/vụ. Ngoài ra, Trung tâm còn trình diễn, khảo nghiệm một số giống lúa triển vọng khác như: Hương Cốm 4, KOJI, CS6-NĐ, Thiên Trường 900… nhằm bổ sung vào cơ cấu giống của huyện, thay thế cho các giống lúa cũ đã thoái hóa hoặc khả năng chống chịu kém. Trong chăn nuôi, Trung tâm đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xây dựng 2 mô hình cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại xã Nghĩa Lạc với khả năng phòng, chống dịch bệnh tiên tiến và hiệu quả, tránh được rủi ro, thiệt hại, mở ra hướng phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Trong công tác quản lý dịch hại cây trồng, Trung tâm đã phân công cán bộ tích cực bám sát đồng ruộng, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác điều tra, giám sát; dự tính, dự báo chính xác thời gian phát sinh, phạm vi và mức độ gây hại; đề xuất chủ trương, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật và thông báo kịp thời tình hình dịch hại cây trồng trên địa bàn toàn huyện. Ngoài ra, Trung tâm còn thường xuyên theo dõi, giám sát và quản lý tốt những đối tượng dịch hại chính như: ốc bươu vàng, cỏ dại, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh đen lép hạt... nên mức độ gây hại nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể tới năng suất và chất lượng cây trồng, góp phần đưa năng suất lúa của huyện Nghĩa Hưng đứng tốp đầu của tỉnh.

Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân; làm tốt công tác dự tính, dự báo chính xác các đối tượng dịch hại trên cây trồng; tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, hoạt động của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa Hưng góp phần xây dựng nền nông nghiệp địa phương phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com