Tăng cường minh bạch thông tin cơ chế chính sách ngân hàng

08:11, 02/11/2021

Được ví là “huyết mạch” của nền kinh tế, qua gần 2 năm sống trong đại dịch COVID-19, các chính sách tín dụng ưu đãi của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng lan toả, thẩm thấu vào đời sống, tiếp sức, vực dậy cả “cơ thể” nền kinh tế, từng bước tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. 

Cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Bắc Nam Định hướng dẫn khách hàng sử dụng thẻ thấu chi nông nghiệp phục vụ tiêu dùng cá nhân.  Bài và ảnh: Đức Toàn
Cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Bắc Nam Định hướng dẫn khách hàng sử dụng thẻ thấu chi nông nghiệp phục vụ tiêu dùng cá nhân. 

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), kể từ khi dịch bùng phát cũng là lúc hàng loạt gói tín dụng ưu đãi được các ngân hàng tung ra để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. NHNN Chi nhánh tỉnh đã làm việc trực tiếp với các ngân hàng thương mại, hiệp hội các doanh nghiệp để kịp thời triển khai, nắm bắt khó khăn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ để đề xuất kiến nghị với cấp có thẩm quyền tháo gỡ nhằm thực hiện tốt. Thiết lập đường dây nóng cùng bộ phận thường trực tiếp nhận, xử lý vướng mắc liên quan đến Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 của NHNN. Bổ sung nội dung và tiến hành thanh tra chấn chỉnh thực hiện chính sách tín dụng và hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đảm bảo chính sách được thực thi đúng, thiết thực và hiệu quả. Hàng loạt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi, phí; cho vay mới cùng với các gói tín dụng ưu đãi đã được các tổ chức tín dụng (TCTD) đồng loạt triển khai sâu rộng, bài bản, hiệu quả đến tận các doanh nghiệp và người dân. NHNN cũng liên tục chỉ đạo các ngân hàng tích cực giảm lãi suất cho vay, đưa ra các gói tín dụng ưu đãi… đã giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như áp lực trả nợ để vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong suốt thời gian vừa qua. Ngoài ra, các ngân hàng còn tích cực giảm phí hỗ trợ khách hàng…

Cùng với đó, NHNN Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các TCTD phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh như: Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh các huyện, xã, thị trấn chủ động phổ biến thông tin về những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trong 2 năm qua, Báo Nam Định đã có hơn 300 tin, bài, ảnh về hoạt động của ngành Ngân hàng đặc biệt là các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ người dân. Các TCTD trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng phối hợp truyền thông với các cơ quan thông tin đại chúng, sử dụng đa hình thức, phương tiện truyền thông để thông tin về cơ chế, chính sách của từng ngân hàng nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung. Triển khai các chiến lược truyền thông về giáo dục tài chính nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho công chúng về các chính sách, pháp luật, quy định của NHNN góp phần hình thành hành vi tài chính đúng đắn, tăng cường khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng, giảm thiểu tình trạng “tín dụng đen”, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện. Các TCTD cũng xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cụ thể và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quy trình, thủ tục, các dịch vụ trực tuyến...

Công tác thanh toán của hệ thống ngân hàng trên địa bàn đối với doanh nghiệp, tổ chức, người dân được đẩy mạnh thực hiện nhanh chóng, an toàn, chính xác, kịp thời, hiệu quả, nhất là thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng tốt về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp. Hầu hết ngân hàng lớn trên địa bàn đã thực hiện giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt đối với một số sản phẩm dịch vụ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhằm chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp và người dân. Nhiều ngân hàng đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động, quản trị, điều hành, phát triển dịch vụ, chuyển đổi số, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. 

Với việc đẩy mạnh tuyên truyền, minh bạch hoá thông tin cùng với nỗ lực của từng cán bộ ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh, các cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và người dân bị khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đóng góp không nhỏ vào việc giữ vững và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh trong 2 năm qua. Đến nay, các TCTD đã thực hiện hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng có dư nợ là 8.905 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ là 4.861 tỷ đồng, trong đó các TCTD đã thực hiện miễn, giảm 8,3 tỷ đồng lãi vay cho 4.364 khách hàng trên tổng dư nợ là 3.509 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 1.027 khách hàng với dư nợ được cơ cấu lại là 1.436 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã thẩm định, phê duyệt vốn vay trả lương ngừng việc của 4 đơn vị với kinh phí trên 557 triệu đồng cho 48 lao động. Song hành cùng nhiệm vụ kinh doanh, các TCTD cũng tích cực hưởng ứng, ủng hộ các Quỹ phòng, chống dịch, Chương trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19 của địa phương và vận động cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị tham gia quyên góp, ủng hộ đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, người dân tại các khu phong toả, khu cách ly tập trung; có giải pháp hỗ trợ cụ thể đối với các chi nhánh TCTD trên các địa bàn bị cách ly, phong tỏa. Mới đây, NHNN Việt Nam tiếp tục cam kết sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các chương trình hỗ trợ giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có giải pháp đảm bảo hỗ trợ thực chất nhất cho người dân và khách hàng. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Đồng thời, sẽ công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, phí của từng ngân hàng định kỳ hàng tháng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây được coi là nỗ lực cao nhất nhằm minh bạch hoá thông tin chính sách của ngân hàng để truyền tải nhanh chóng, đầy đủ, chính xác các chính sách vào cuộc sống đảm bảo thiết thực, hiệu quả, góp phần cùng Chính phủ thắng lợi mọi mặt trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. 

Dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Thời gian tới, ngành Ngân hàng tỉnh quyết tâm giữ vững vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế, duy trì ổn định tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, không ngừng đổi mới, chuyển đổi số cùng với ngành Ngân hàng thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2030./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com