Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn tới đời sống kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, sản xuất bị đình trệ, hàng hóa giao thương kém. Tuy nhiên, với sự năng động của tuổi trẻ, nhiều đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã khắc phục khó khăn tìm hướng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Cơ sở mộc mỹ nghệ của anh Trịnh Văn Lợi ở xã Phương Định (Trực Ninh). |
Sau khi tốt nghiệp Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chị Đào Thị Hồng Quyên ở xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) luôn ấp ủ mơ ước xây dựng một trang trại làm nông nghiệp sạch trên quê hương. Thời gian đầu, do bận rộn với công việc giảng dạy nên chị chưa thực hiện được ý tưởng khởi nghiệp. Đầu năm 2021, chị Quyên quyết định nghỉ dạy tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong để về quê lập nghiệp. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, chị Quyên đã thuê lại ruộng bỏ hoang của các hộ dân trong xã với diện tích 1,1ha trồng các loại cây rau màu. Vụ đầu tiên tưởng như suôn sẻ nhưng gần đến vụ thu hoạch thì diện tích rau trồng bị sâu bệnh phá hoại. Chị lại tự mày mò học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi qua sách vở, internet và qua kinh nghiệm của những người đi trước để cây trồng có sức chống chịu tốt, khả năng đậu quả cao. Chị đầu tư trồng các giống cây ăn quả như dưa lê, dưa chuột, dưa lưới bò… kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như thuê máy móc cải tạo những vùng đất chua, bạc màu, tạo hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Những cố gắng, nỗ lực của tuổi trẻ, chị Quyên đã được đền đáp, khi vụ dưa lê đầu tiên cho thu hoạch hiệu quả với sản lượng 2 tấn/vụ, với giá bán từ 15-20 nghìn đồng/kg; dưa lưới với sản lượng 1,5 tấn, với giá bán 20-25 nghìn đồng/kg và vụ dưa chuột đang cho thu hoạch với sản lượng ước đạt khoảng 5 tấn đã đem lại nguồn thu nhập ổn định. Chị Quyên cho biết, trong tương lai sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng thêm các loại dược liệu cũng như tìm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định.
Anh Nguyễn Văn Lạng (SN 1994) ở xã Hải Minh (Hải Hậu) là một trong những thanh niên tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình. Với nghề mộc truyền thống, anh Lạng không ngừng đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng các cơ sở sản xuất, đồng thời học hỏi, tìm tòi phát triển những kiểu mẫu bàn ghế, mẫu tủ, kệ mới để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Theo anh Lạng, trong xu thế thị trường luôn biến đổi như hiện nay nếu chậm cải tiến sẽ bị tụt lại, vì thế các mẫu mã phải cách tân, biến đổi liên tục. Hiện nay, các mặt hàng đồ gỗ nội thất của gia đình anh đã có mặt tại nhiều địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh… và xuất khẩu sang cả Trung Quốc, với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Ngoài tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng, anh Lạng còn giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên trong xã về vốn, kỹ thuật và liên kết trong sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế.
Thực hiện chủ đề công tác năm 2021 “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các huyện, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách về khởi nghiệp, lập nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên; thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức của cán bộ Đoàn các cấp về khởi nghiệp, tổ chức các hoạt động tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức kinh tế và kỹ năng quản lý, vận động liên kết cho cán bộ Đoàn làm công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tích cực triển khai các chương trình tư vấn, hướng nghiệp, tổ chức Ngày hội việc làm, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên lập hồ sơ vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm 2021 đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức 14 hoạt động tư vấn, hướng dẫn kỹ năng và giới thiệu việc làm cho thanh niên, 3 hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp thu hút gần 14 nghìn đoàn viên, thanh niên tham gia. Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Báo Tuổi trẻ và các đơn vị tổ chức chương trình “Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2021” cho gần 3.000 học sinh THPT trên địa bàn thành phố Nam Định. Ngoài ra Tỉnh Đoàn chỉ đạo Đoàn các cấp chú trọng triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Từ đó, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã hăng hái thi đua đề xuất các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn các cấp đã có nhiều giải pháp phát huy tinh thần sáng tạo, cũng như hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh phong trào thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tiêu biểu như các mô hình: Trồng dưa leo, dưa lê Hàn Quốc trong nhà màng công nghệ cao ở thị trấn Quỹ Nhất; Nuôi trồng thủy hải sản ở các xã Nam Điền, Nghĩa Hải, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); Sản xuất đồ gỗ của Đoàn xã Xuân Bắc, Xuân Phương (Xuân Trường); Chế biến, kinh doanh thực phẩm của anh Phạm Văn Phong, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); Sản phẩm OCOP “Trà sáng tạo” của đoàn viên Bùi Thị Thủy, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường)… Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã thanh niên; xây dựng chương trình hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp; tăng cường phát hiện, hỗ trợ, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả tại địa phương.
Qua phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi đã phát huy tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ trong tỉnh xứng đáng với vai trò là lực lượng xung kích trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh