Phát huy hiệu quả chương trình mục tiêu về công nghệ thông tin (kỳ 1)

07:11, 09/11/2021

Thực hiện Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh ta đã hoàn thành 6 nhiệm vụ hoạt động ứng dụng CNTT, góp phần cải thiện một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 của chương trình. Để tiếp tục khai thác, phát huy các giá trị đạt được từ chương trình, thời gian tới tỉnh cần chủ động lựa chọn những dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT thiết thực, phù hợp với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), hướng tới Chính quyền số.

Vùng sản xuất rau hữu cơ xã Yên Cường (Ý Yên) đã được cập nhật thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu cây trồng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Vùng sản xuất rau hữu cơ xã Yên Cường (Ý Yên) đã được cập nhật thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu cây trồng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Kỳ I: Bước đầu số hóa hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung

Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016-2020 tại tỉnh ta được triển khai từ năm 2018. Do nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, phải phụ thuộc vào kinh phí phân bổ từ Trung ương, vì vậy tỉnh đã quyết định tập trung triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ ứng dụng CNTT thiết thực phù hợp với quá trình xây dựng CQĐT và ưu tiên các lĩnh vực kinh tế - xã hội trọng yếu. Cụ thể là: Chuẩn hóa dữ liệu cũ sang dữ liệu mới phục vụ CQĐT; Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý các cơ sở, vùng sản xuất nông nghiệp, cây trồng; Tạo lập, chuyển đổi cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực văn hóa, thông tin thuộc phạm vi quản lý của tỉnh và chuẩn hóa quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Chuẩn hóa quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Tạo lập mới cơ sở dữ liệu giáo dục của tỉnh.

Quá trình triển khai thực hiện, chương trình đã nhận được sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, các địa phương. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn theo quy định của bộ, ngành Trung ương giúp công tác triển khai thực hiện cả 6 nhiệm vụ đều thuận lợi, đúng hướng, sát mục tiêu. Đối với mỗi nhiệm vụ, việc tổ chức triển khai thực hiện được tỉnh yêu cầu phải tuân thủ đúng quy trình, quy định về đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; trước khi hoàn thành bàn giao, cơ quan tổ chức nhiệm vụ có trách nhiệm vận hành thử để nghiệm thu đưa vào sử dụng; sản phẩm dịch vụ CNTT được kiểm tra, theo dõi để đảm bảo phát huy hiệu quả.

Cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Giao Thủy cập nhật dữ liệu các di tích lịch sử trên địa bàn huyện lên hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.
Cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Giao Thủy cập nhật dữ liệu các di tích lịch sử trên địa bàn huyện lên hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, qua thực hiện chương trình mục tiêu CNTT tỉnh đã huy động được 6,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hoàn thành hiệu quả cả 6 nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, nhiệm vụ chuẩn hóa dữ liệu cũ sang dữ liệu mới phục vụ xây dựng CQĐT đã đạt 5 kết quả nổi bật gồm: Xây dựng được phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ công chức tập trung trong toàn tỉnh, đảm bảo tính thống nhất về thông tin quản lý, quy trình quản lý trong tỉnh; triển khai thí điểm phần mềm tại Sở Thông tin và Truyền thông, từ đó hoàn thiện phần mềm để sẵn sàng triển khai mở rộng trong toàn tỉnh; chuyển đổi dữ liệu từ phần mềm cũ sang, cập nhật, bổ sung các thông tin, dữ liệu còn chưa đầy đủ; tạo CSDL về hồ sơ cán bộ công chức, viên chức của tỉnh, sẵn sàng chia sẻ, tích hợp với các hệ thống khác của tỉnh; nâng cao trình độ ứng dụng CNTT của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý hồ sơ cán bộ công chức, viên chức, góp phần xây dựng CQĐT của tỉnh. Nhiệm vụ xây dựng CSDL quản lý các cơ sở, vùng sản xuất nông nghiệp, cây trồng đã hình thành bộ CSDL số giúp các cơ quan quản lý trong việc định hướng phát triển về nông nghiệp và các làng nghề truyền thống; hiển thị các thông tin dữ liệu các vùng nuôi trồng thủy sản, các vùng trồng trọt, các làng nghề truyền thống trên bản đồ miễn phí (Google map); hỗ trợ quảng bá, giới thiệu hình ảnh về cơ sở sản xuất, vùng sản xuất nông nghiệp, trồng trọt của tỉnh trên trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiệm vụ tạo lập, chuyển đổi CSDL trong lĩnh vực văn hóa, thông tin và chuẩn hóa quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã giúp tỉnh xây dựng được các quy trình chuẩn hóa của các dịch vụ công lĩnh vực văn hóa, thông tin đưa vào ứng dụng trong công tác quản lý để tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính; hình thành được kho lưu trữ điện tử về di sản, di tích, văn hóa trong tỉnh; xây dựng được ứng dụng phần mềm quản lý các dữ liệu số hóa về di sản, văn hóa, du lịch với đầy đủ dữ liệu có tính chính xác cao giúp lãnh đạo các cấp thuận lợi trong việc định hướng phát triển văn hóa, tra cứu nhanh, tổng hợp chính xác dữ liệu, tình hình phát triển văn hóa và dễ dàng quảng bá hình ảnh về các di tích, cơ sở lưu trú, các sản phẩm du lịch trên Trang thông tin điện tử. Nhiệm vụ chuẩn hóa quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã góp phần xây dựng hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh theo mô hình kiến trúc CQĐT, đáp ứng các yêu cầu cung cấp dịch vụ công đơn giản, nhanh, chính xác cũng như yêu cầu quản lý, điều hành của cán bộ, lãnh đạo tỉnh trong việc theo dõi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính trong tỉnh; hỗ trợ tốt hơn cho công dân, tổ chức cho việc sử dụng và khai thác dịch vụ công của tỉnh; xây dựng quy trình quản lý và kiểm soát thủ tục hành chính trong tỉnh, tích hợp với CSDL thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia để trao đổi thông tin về thủ tục hành chính, hồ sơ và trạng thái hồ sơ, tích hợp thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; nâng cao nhận thức và trình độ CNTT giúp cho cán bộ quản trị hệ thống CNTT đáp ứng khả năng tiếp nhận, vận hành và duy trì hệ thống phần mềm. Nhiệm vụ tạo lập mới CSDL giáo dục của tỉnh đã xây dựng được phần mềm quản lý thi đua khen thưởng ngành Giáo dục với ngân hàng dữ liệu số về thông tin cán bộ trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, dữ liệu thi đua khen thưởng của các cá nhân giai đoạn 2015-2020 có trữ lượng lớn, hệ thống bảo mật cao, tính năng sử dụng dễ dàng, giúp giảm bớt gánh nặng trong quá trình lưu trữ, tham vấn tài liệu và định hướng thi đua khen thưởng của ngành.

Điểm nhấn quan trọng sau thực hiện 6 nhiệm vụ ứng dụng CNTT trọng yếu của tỉnh là đã khai thác hiệu quả nguồn ngân sách Trung ương phân bổ thực hiện lồng ghép nhiệm vụ xây dựng kiến trúc CQĐT phiên bản 1.0 cũng như các nhiệm vụ ứng dụng CNTT hàng năm và toàn giai đoạn 2016-2020 mà tỉnh phải thực hiện; bước đầu hình thành được một số hệ thống thông tin, CSDL dùng chung, đáp ứng yêu cầu xây dựng CQĐT tỉnh trong giai đoạn hiện tại và tương lai. Qua thực hiện chương trình mục tiêu CNTT, tỉnh còn nâng cấp được cơ sở hạ tầng CNTT, hiện đại hóa nền hành chính, cung cấp cơ bản các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hiệu lực quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền địa phương. Những kết quả đạt được trong thực hiện chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016-2020 tạo nền tảng cho phát triển Chính quyền số của tỉnh.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Nguyễn hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com