Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) xã Trực Mỹ (Trực Ninh) đã tích cực vận động hội viên phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu.
Hội viên nông dân Nguyễn Văn Thành, thôn 10, xã Trực Mỹ với mô hình nuôi rắn, cho thu nhập cao. |
HND xã Trực Mỹ hiện có 951 hội viên. Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo những năm qua được các chi HND trong xã tích cực vận động hội viên chuyển đổi phát triển các mô hình phù hợp với kinh tế thị trường; xây dựng vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hoá có giá trị kinh tế cao; chỉ đạo các chi hội rà soát, nắm chắc số hộ nghèo để chủ động có giải pháp giúp đỡ hộ thoát nghèo. Các ngành nghề trong xã như nghề hàn xì, nghề may công nghiệp, nghề mộc, nghề thợ xây, nghề dệt chiếu, nghề kết hoa, đan bèo tây được hội viên nông dân duy trì, phát triển. Một số hội viên chủ động liên kết với các doanh nghiệp, đứng ra nhận nguyên liệu về cho hội viên làm. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, đưa nghề phụ về địa phương, tạo việc làm cho từ 5-7 hội viên thường xuyên có việc làm, thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng như cơ sở may của anh Hà (chi hội 7), cơ sở mộc của anh Hữu (chi hội 8), cơ sở vật liệu xây dựng của anh Long (chi hội 11), anh Cương (chi hội 12), cơ sở may của anh Bình (chi hội 12)… Trong sản xuất nông nghiệp, các hộ nông dân đã đổi mới mạnh mẽ về cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ; mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống lúa đặc sản vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Trong chăn nuôi, một số hộ bị ảnh hưởng dịch, giá con giống tăng cao đã năng động tìm hướng đi mới, chuyển đổi sang nuôi gia cầm như vịt, ngan, chim bồ câu. Trước đây, hộ gia đình ông Ngô Minh Chiến ở xóm 14 lựa chọn nuôi lợn thương phẩm để phát triển kinh tế; tuy nhiên do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, ông Chiến quyết định chuyển đổi sang đối tượng con nuôi khác. Qua tìm hiểu và sự giúp đỡ của các cấp HND, ông Chiến đã lựa chọn triển khai mô hình chăn nuôi thỏ theo phương pháp hữu cơ. Thức ăn cho thỏ chỉ gồm cám gạo, rau, cây chuối băm nhỏ nên dù thời gian nuôi dài nhưng thỏ khỏe mạnh, ít dịch bệnh, chất lượng thịt chắc, thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Sau 3 năm triển khai, hiện ông đang có hơn 100 thỏ sinh sản; trung bình mỗi năm sinh trên 3.000 thỏ con. Cùng với đó, mỗi tháng, ông xuất bán được khoảng 7-8 tạ thỏ thương phẩm với giá 80 nghìn đồng/kg. Cũng giống ông Chiến, sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Văn Thành ở thôn 10 đã quyết định lựa chọn mô hình nuôi rắn sinh sản để chuyển đổi sản xuất. Là hộ đầu tiên trong xã triển khai mô hình, ông Thành đã gặp không ít khó khăn. Ông tự tìm hiểu trên mạng internet về kỹ thuật nuôi rắn hổ trâu, hổ mang bành; lặn lội sang Ninh Bình mua giống về nuôi thử nghiệm. Với tinh thần không ngại khó, lại tìm được thị trường đầu ra ổn định, đến nay mô hình nuôi rắn sinh sản của ông đã bước đầu mang lại hiệu quả, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Còn hội viên Vũ Xuân Luân ở xóm 9 hiện đang sở hữu trang trại rộng gần 2ha với 4 ao nuôi các loại cá truyền thống, nuôi 400 đôi bồ câu Pháp, ngan… cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, đến nay các hội viên đều duy trì và phát triển đàn tốt, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, để khuyến khích hội viên tham gia thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, HND xã đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ về nguồn vốn, vật tư nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên. Thực hiện chương trình phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, đến nay, dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 6,7 tỷ đồng cho 245 hộ vay; dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên 34,6 tỷ đồng cho 219 hộ vay và đều đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, HND xã còn tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm của các mô hình làm kinh tế giỏi trong và ngoài huyện.
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của nông dân xã Trực Mỹ thời gian qua đã giúp hội viên đổi mới cách nghĩ, cách làm, vận dụng tối đa sự hỗ trợ từ các nguồn vốn vay, tiềm năng về lao động, đất đai để phát triển sản xuất, góp phần nâng cao mức sống cho các hộ gia đình. Từ đó hội viên là hộ giàu tăng nhanh, hộ nghèo giảm rõ rệt, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Lam Hồng