Nhìn lại vụ lúa mùa năm 2021

07:11, 08/11/2021

Trong điều kiện thời tiết biến đổi bất thường, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các huyện, thành phố và bà con nông dân đã tập trung khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch nên vụ lúa mùa đã giành thắng lợi.

Nông dân xã Yên Khang (Ý Yên) thu hoạch lúa xuân.  Bài và ảnh: Văn Đại
Nông dân xã Yên Khang (Ý Yên) thu hoạch lúa xuân.

Đánh giá sản xuất vụ mùa năm 2021 của địa phương, đồng chí Lê Quang Đản, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Nông nghiệp xã Giao An (Giao Thủy) cho biết: Vụ mùa năm nay, toàn xã gieo cấy hơn 392ha, trong đó 90% diện tích cấy giống lúa Đài Thương và 10% cấy các giống lúa đặc sản. Mặc dù giai đoạn cuối vụ, việc thu hoạch lúa mùa gặp khó khăn do ảnh hưởng của mưa sau cơn bão số 7, số 8 nhưng xã đã tuyên truyền, vận động bà con tranh thủ lách thời tiết, tập trung huy động máy gặt, lực lượng lao động gặt nhanh, gọn toàn bộ diện tích lúa mùa. Nhờ đó, năng suất bình quân lúa mùa của xã ước đạt 63,8 tạ/ha, cao hơn 7,8 tạ/ha so với vụ mùa năm 2020. Sau khi gặt xong, người dân đã chủ động dùng quạt máy để hong phơi lúa tại gia đình, không để lúa bị ẩm mốc; liên hệ với các đơn vị, cơ sở có lò sấy khô bảo đảm chất lượng lúa thương phẩm trước những diễn biến bất lợi của thời tiết… Trước những diễn biến cực đoan của thời tiết, đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở NN và PTNT, các huyện, thành phố đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo và động viên bà con nông dân thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng” trong thu hoạch lúa mùa, huy động tối đa máy gặt thu hoạch lúa nhanh gọn, tổ chức gặt lúa từ sáng sớm tới 23 giờ đêm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt do ảnh hưởng gió bão. Đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Liên Phương (Vụ Bản) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của huyện, rút kinh nghiệm từ những vụ trước, vụ mùa năm nay trước khi gặt, HTX đã tổ chức họp, yêu cầu các chủ máy gặt thống nhất giá dịch vụ thu 120 nghìn đồng/sào, phải có trách nhiệm bảo vệ hệ thống đường, kênh mương nội đồng và bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19. Do vậy, các chủ máy đều thực hiện nghiêm các yêu cầu đã thống nhất, phục vụ gặt lúa cho bà con với tinh thần trách nhiệm cao, hạn chế hư hao.

Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) cho biết: Năm nay, do tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất, nhất là khâu thu hoạch thuận lợi cộng với thời tiết nên vụ xuân kết thúc sớm đã tạo điều kiện sản xuất vụ mùa sớm hơn. Trong vụ mùa năm nay các địa phương đã tích cực đưa “máy cấy, mạ khay” vào sản xuất nên đã hạn chế được tình trạng lúa cỏ, giảm diện tích gieo sạ, đồng thời rút ngắn thời gian gieo cấy, lúa mùa nhanh chóng bén rễ, hồi xanh và phát triển tốt. Việc gieo cấy lúa mùa đã cơ bản hoàn thành trước ngày 15-7, sớm hơn từ 12-15 ngày so với vụ mùa năm 2020. Các đối tượng sâu bệnh diễn ra ở thể nhẹ và trung bình so với các năm. Tuy nhiên, tình trạng sâu đục thân lứa 4 xuất hiện dày đặc, mật độ cao chưa từng có trên trà lúa mùa sớm và mùa trung sớm, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Trực Ninh, Hải Hậu. Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Thực hiện khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con bám sát đồng ruộng, kịp thời phát hiện và phun trừ đúng thời điểm, đủ liều lượng nên hiệu quả phòng trừ cao. Nhờ đó, toàn bộ diện tích lúa mùa nhiễm sâu đục thân vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó, bà con nông dân quan tâm cắt bỏ lúa cỏ, lúa ma, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa mùa. Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, vụ mùa năm 2021, toàn tỉnh gieo cấy 73.300ha, cao hơn 389ha so với vụ mùa năm 2020. Năng suất lúa bình quân ước đạt 52 tạ/ha, là 1 trong những vụ được mùa nhất trong 5 năm trở lại đây. Ngoài ra, các địa phương, doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân cũng tăng cường phối hợp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa thành phẩm, lúa giống, nhất là giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá với quy trình thâm canh riêng do Sở NN và PTNT, doanh nghiệp hướng dẫn. Tiêu biểu như mô hình liên kết của Công ty TNHH Cường Tân thuê gom tích tụ ruộng đất thành các cánh đồng lớn sản xuất lúa giống với quy mô 750ha; lợi nhuận bình quân đạt 30-50 triệu đồng/ha/vụ, bảo đảm thu nhập của người nông dân trên mỗi ha đất canh tác cao gấp trên 3 lần so với cách làm cũ. Mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định của Công ty TNHH Toản Xuân với các hộ nông dân có diện tích đất sản xuất lớn, các HTX nông nghiệp trong tỉnh quy mô 550ha, với sản lượng thu mua khoảng 5.000 tấn thóc, thu nhập của người dân trên mỗi ha/vụ tăng khoảng 10-12% so với gieo cấy lúa đại trà... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 7, một số diện tích úng, trũng và cấy muộn bị ảnh hưởng, năng suất giảm nhẹ. Vì vậy các địa phương cần giúp kinh nghiệm đẩy sớm thời vụ hơn nữa cho những vụ tới sẽ hạn chế được những thiệt hại mưa, gió cuối vụ. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn khiêm tốn do nguồn kinh phí hạn hẹp, diện tích sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ không thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất nhằm gia tăng giá trị thu nhập.

Mặc dù vẫn còn một số hạn chế nhưng kết quả sản xuất vụ mùa năm 2021 là rất đáng ghi nhận trong điều kiện có nhiều khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, thời tiết, sâu bệnh... Những thành quả đó góp phần quan trọng trong việc bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com