Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong hội viên phụ nữ

06:11, 25/11/2021

Từ nhiều chương trình, đề án quan trọng của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai nhiều năm qua như: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939); hoạt động “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”, cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp”… đã xuất hiện nhiều ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu, tạo đà cho phụ nữ tiếp tục nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, chứng minh năng lực, vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội. 

Cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan các mô hình giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của hội viên phụ nữ được trưng bày tại Nhà văn hóa Trung tâm 3-2 (thành phố Nam Định).  Bài và ảnh: Hoa Xuân
Cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan các mô hình giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của hội viên phụ nữ được trưng bày tại Nhà văn hóa Trung tâm 3-2 (thành phố Nam Định). 

Chứng kiến các công đoạn hoàn thiện 1 mẻ ruốc cá trắm đen từ khâu sơ chế, luộc, sao, đóng hộp… của gia đình chị Trần Thị Nga, xóm 1, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) mới cảm nhận hết được sự cầu kỳ, cẩn trọng trong từng khâu chế biến, hoàn thiện sản phẩm. Với đam mê làm nông nghiệp sạch, cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, năm 2016, chị Nga và chồng quyết định bỏ các công việc hướng dẫn viên du lịch và kế toán doanh nghiệp ở Hà Nội về nhà mở trang trại VAC. Chị Nga cho biết: “Bạn bè gọi quyết định bỏ phố về quê của vợ chồng tôi là điên rồ, tuy nhiên tôi không thấy hối hận.

Việc mở trang trại, tôi có một số thuận lợi như có sẵn ao nuôi của gia đình với diện tích 3ha”. Tuy nhiên, phải tính toán nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì thực tế, mô hình nuôi cá trước đây của gia đình chị chưa thực sự hiệu quả”, chị Nga cho biết. Sau khi nghiên cứu nhu cầu thị trường, điều kiện thổ nhưỡng ao nuôi, chị Nga và chồng quyết định chọn các giống cá trắm đen và cá Koi để “khởi nghiệp”. Anh chị thuê người kè bờ ao, xây hệ thống thoát nước xung quanh, xây bể, mua cá giống… với tổng tiền đầu tư trên 1 tỷ đồng, trong đó chị vay của Ngân hàng NN và PTNT, bạn bè, người thân hơn 500 triệu đồng. Quá trình nuôi, chị Nga áp dụng triệt để các biện pháp khoa học kỹ thuật từ chế độ dinh dưỡng đến vệ sinh, phòng bệnh cho cá. Cá trắm đen ít khi bị bệnh nhưng do nhu cầu ô xi cao hơn các loại cá nước ngọt khác và mật độ lớn trên một đơn vị diện tích nên hằng tuần chị đều đặn bơm thêm nước mới, đầu tư máy sục khí ô xi giúp cá phát triển khỏe mạnh. Định kỳ từ 10-15 ngày, chị sử dụng chế phẩm sinh học và vôi bột khử trùng nguồn nước. Thời điểm tháng 5, tháng 6, cá hay bị tuột vẩy, thối mang lúc thời tiết chuyển mùa nên cho ăn thêm thuốc thảo mộc để phòng bệnh. Chị Nga đặc biệt chú ý đến việc cung cấp thức ăn cho cá theo phương pháp hoàn toàn mới. Khi cá đạt trọng lượng dưới 2kg, chị chỉ cho ăn cám, cá từ 2kg trở lên chị chuyển sang cho ăn ngô và ấu trùng ruồi lính đen cá trắm đen với chất lượng vượt trội, thơm ngon và chắc thịt. Do được chăm sóc cẩn thận, đúng kỹ thuật nên đàn cá của gia đình ít bị dịch bệnh, mang giá trị dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên chị Nga thấy chỉ bán cá thịt hiệu quả kinh tế không cao, nên đã nghĩ ra cách sơ chế cá trắm đen thành các món cá nướng và làm ruốc cá. Chị tìm đến các cơ sở làm ruốc cá trong và ngoài huyện học hỏi thêm kinh nghiệm, mua các loại nước mắm ngon, dầu gấc cho thêm vào ruốc, từ đó “khử” được mùi tanh của cá, tăng độ bắt mắt cho sản phẩm. Dù giá bán “nhỉnh” hơn thị trường với 250 nghìn đồng/kg cá trắm đen thịt, 450 nghìn đồng/kg cá trắm đen nướng, 150-160 nghìn đồng/lạng ruốc cá trắm đen nhưng gia đình chị Nga luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Mỗi năm trang trại của chị cung ứng cho thị trường 10 tấn cá trắm đen, 2 tấn cá Koi, trừ chi phí thu về từ 400-500 triệu đồng, trong đó cả 3 sản phẩm cá trắm đen nguyên liệu, cá nướng, ruốc cá của trang trại đang được các ngành, địa phương hỗ trợ xây dựng đạt sản phẩm OCOP.

Với mong muốn đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm lúa gạo sạch, tốt cho sức khỏe, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị canh tác của cây lúa, năm 2020, chị Tạ Thị Thu Hà, hội viên phụ nữ thôn Tân Lập, xã Minh Tân (Vụ Bản) đã quyết tâm khởi nghiệp bằng dự án: “Ứng dụng vi sinh trồng lúa thảo dược sạch để giảm chi phí đầu vào và gia tăng giá trị sau thu hoạch”. Theo đó, trên diện tích 1 mẫu đất, chị chọn mua giống lúa tím thảo dược của Nghệ An về trồng thử nghiệm. Không trồng và chăm sóc lúa theo cách truyền thống, chị tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như: ốc bươu vàng, cá tạp, cám gạo, rác hữu cơ… ngâm ủ cùng vi sinh để làm phân bón, từ đó giảm chi phí mua phân bón, lượng rác thải hữu cơ ra môi trường. Để phòng bệnh cho lúa, chị Hà còn tận dụng các loại cây, thảo dược có sẵn trong vườn như riềng, xả, ớt, húng chanh, lá trầu không… ngâm cùng vi sinh để làm thuốc bảo vệ thực vật, giúp diệt sâu bọ từ trong trứng cũng như xua đuổi sâu non, sâu trưởng thành cho cây lúa. Chăm sóc đúng quy trình, vụ mùa đầu tiên, chị Hà thu được trên 1 tấn lúa, năng suất cao hơn so với các mô hình trồng lúa bằng thảo dược khác. Thu hoạch lúa xong, chị Hà xay thành gạo, đóng bao bì, hút chân không chuyển bán cho khách với giá 45 nghìn đồng/kg. Đây là loại gạo có giá trị dinh dưỡng rất cao, đặc biệt tốt cho những người bị bệnh tiểu đường, ung thư, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, trẻ em ăn dặm, những người ăn thực dưỡng. Ngoài gạo thảo dược, hiện chị còn chế biến gạo thành kẹo gạo lứt, trà gạo lứt cũng rất được thị trường ưa chuộng, tin dùng. Sau 4 vụ thu hoạch, theo tính toán của chị Hà mô hình cho thu nhập gấp 2 lần so với trồng, canh tác các giống lúa truyền thống. Điều đáng quý hơn, mô hình giúp “gợi mở” cho nông dân nhiều hướng đi mới như: chủ động trong việc trồng và chăm sóc các giống lúa khác nhau, không cần và không phụ thuộc vào người cung cấp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; chủ động chế biến sản phẩm và tự định giá sản phẩm để không bị thương lái ép giá; bảo vệ môi trường sống… Thời gian tới, chị Hà còn rất nhiều ấp ủ cho dự án trồng lúa thảo dược sạch từ các khâu chế biến; tổ chức các hoạt động trải nghiệm gieo cấy, gặt hái, chuyển giao kỹ thuật trồng lúa, chụp ảnh trên cánh đồng lúa, tổ chức các buổi thăm quan học hỏi kinh nghiệm…

Ruốc cá trắm đen, trồng lúa thảo dược sạch chỉ là 2 trong số nhiều mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của hội viên phụ nữ toàn tỉnh trong năm 2021 được Hội LHPN tỉnh vinh danh, trao thưởng. Cùng với những hỗ trợ thiết thực của các cấp Hội Phụ nữ, hy vọng rằng thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều chị em phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng./. 

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com