Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả xử lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường. Toàn tỉnh đã có 182 xã, thị trấn đầu tư xây dựng công trình xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó có 109 xã, thị trấn lắp đặt lò đốt, góp phần giải quyết đáng kể lượng rác thải sinh hoạt, giảm hiện tượng vứt rác ven đường kênh mương nội đồng, gây ô nhiễm. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện vẫn còn 73 xã, thị trấn đang xử lý rác thải tập trung bằng bãi chôn lấp. Đây là phương pháp xử lý rác có nhiều điểm hạn chế, không còn được khuyến khích áp dụng do tốn diện tích, phát sinh nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường. Gần đây, ngành chức năng và các địa phương đều nhận rõ tình trạng các bãi chôn lấp rác tập trung cơ bản đã bị lấp đầy, việc xý rác thải chưa được thực hiện đầy đủ theo quy trình, kỹ thuật dẫn đến tình trạng ô nhiễm cục bộ. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, là nội dung được kiến nghị, đề xuất tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri các cấp.
Tại huyện Trực Ninh, mới đây cử tri tại không ít xã đã phản ánh về hiện trạng trên. Cụ thể, cử tri xã Trực Hùng phản ánh một số bãi chôn lấp rác thải đã quá tải, hết thời gian sử dụng gây ảnh hưởng đến môi trường, đề nghị UBND huyện có quy hoạch để thực hiện mô hình lò đốt rác thải tập trung liên xã. Cử tri xã Trực Chính phản ánh về bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt của xã Phương Định gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân đề nghị UBND huyện chỉ đạo kịp thời có biện pháp xử lý. Cử tri xã Trực Thuận phản ánh việc xử lý bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt của xã Trực Mỹ không đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân xã Trực Thuận. Tại thành phố Nam Định, mới đây cử tri phường Lộc Hòa tiếp tục đề nghị thành phố nghiên cứu thành lập đoàn kiểm tra để xử lý tình trạng ô nhiễm do tình trạng quá tải của bãi chôn lấp rác thải tại thôn Lương Xá khiến môi trường ở đây đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
Công nhân thu gom rác thải tại phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) chủ động phân loại, giảm lượng rác phải xử lý tại bãi chôn lấp tập trung. |
Nhiều năm qua tỉnh đã xây dựng lộ trình đầu tư đồng loạt các khu xử lý rác thải tập trung quy mô liên vùng, liên huyện bằng công nghệ hiện đại để tiến tới thực hiện quy trình đóng cửa các bãi chôn lấp cũ, tiến hành trồng cây xanh trên phần diện tích đất đã phủ lấp để cải tạo, tái sử dụng diện tích đất bãi chôn lấp. Tuy nhiên thực tế đây là lộ trình dài hơi đòi hỏi đầu tư lớn, do vậy hiện tỉnh còn nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư, quy hoạch, bố trí địa điểm cũng như triển khai thi công xây dựng công trình, không thể đầu tư đồng loạt theo nhu cầu thực tế. Để giải quyết vấn đề trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường hướng dẫn, giám sát các địa phương thực hiện các biện pháp giảm thiểu tối đa lượng rác thải chuyển ra các khu chôn lấp; thực hiện nghiêm quy trình, kỹ thuật xử lý rác thải tại các khu chôn lấp. Hiện tại, các huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn yêu cầu đơn vị vận hành bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tập trung phải vận hành công trình xử lý rác thải theo đúng hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường; tiến hành rà soát lại tình trạng vận hành công trình, từ đó lập phương án cải tạo, sửa chữa, thay thế phù hợp, đáp ứng xử lý toàn bộ lượng rác phát sinh trong ngày.
Các huyện đẩy mạnh xây dựng, duy trì các mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo tính bền vững, lâu dài tránh làm hình thức theo hướng chỉ đạt mục tiêu trước mắt. Chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai toàn diện việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình ở tất cả các khu dân cư. Huyện Trực Ninh đặt ra mục tiêu phấn đấu 100% số xóm, tổ dân phố và trên 95% số hộ gia đình thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn theo hướng: rác hữu cơ sau khi phân loại được ủ chế phẩm vi sinh để làm phân bón; rác vô cơ cũng được phân loại có thể tái chế và không thể tái chế chuyển cho đơn vị thu gom rác xử lý. Bằng cách này, vừa giảm công phân loại khi xử lý, vừa giảm lượng rác phải chôn lấp. Mặt khác, các huyện hiện cũng đang tập trung lựa chọn địa điểm quy hoạch xây dựng khu xử lý rác thải tập trung liên xã, liên huyện, tìm kiếm công nghệ xử lý tiên tiến hiện đại, phù hợp với điều kiện của địa phương, cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030. Đẩy mạnh kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp có tiềm năng tích cực tham gia đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải công nghệ cao quy mô liên vùng. Tại thành phố Nam Định đã thu hút được nhà đầu tư triển khai dự án xây dựng Nhà máy điện rác Greenity Nam Định tại xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc). Tuy nhiên, hướng tới mục tiêu phát huy tối đa năng lực của nhà đầu tư, nâng cao hiệu suất xử lý rác thải với quy mô liên vùng, bao trùm cả địa bàn thành phố và các huyện lân cận nên nhà đầu tư đã đề xuất, được các cấp chính quyền, ngành chức năng hỗ trợ thay đổi quy mô đầu tư dự án. Hiện nhà máy điện rác Greenity Nam Định đang được tập trung hoàn thiện các điều kiện để sớm triển khai khởi công xây dựng với quy mô: Công suất khoảng 495 tấn rác/ngày đêm trên tổng diện tích 7ha, tổng vốn đầu tư trên 1.437 tỷ đồng. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động vào tháng 12-2022 góp phần thu gom, xử lý rác sinh hoạt, rác công nghiệp thông thường cho thành phố Nam Định và 5 huyện gồm Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên.
Cùng với các nỗ lực kể trên, các cấp chính quyền, ngành chức năng mong muốn người dân trên toàn tỉnh cùng tích cực chung sức thực hiện hiệu quả công tác thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn để giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, phải xử lý tại bãi chôn lấp. Toàn tỉnh đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025: 70% rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn được phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển đúng quy cách về nơi xử lý theo quy định; 95% bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại nông thôn không sử dụng, đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy