Gia tăng kỷ luật, kỷ cương hành chính

07:11, 09/11/2021

Nhằm xây dựng chính quyền trong sạch, liêm chính, thượng tôn pháp luật, gắn với phục vụ nhân dân, thời gian qua thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC), tỉnh chú trọng chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương (KLKC) hành chính. Qua đó, đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả CCHC, củng cố niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, đến nay KLKC nền hành chính của tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục.

Cán bộ y tế huyện Hải Hậu tận tình thăm khám, điều trị sức khỏe cho người dân.
Cán bộ y tế huyện Hải Hậu tận tình thăm khám, điều trị sức khỏe cho người dân.

Tại Giao Thủy, trong số những hạn chế của công tác CCHC giai đoạn 2016-2020 huyện cũng chỉ rõ, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tuy đã được nâng lên nhưng chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ; tinh thần, thái độ, trách nhiệm, lề lối tác phong làm việc, đạo đức công vụ của số ít CBCCVC còn hạn chế; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết công việc ở một số khâu, lĩnh vực còn lúng túng, chưa chặt chẽ. Ở huyện Hải Hậu đa số CBCCVC của huyện đã đảm bảo đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực tế, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; tác phong, thái độ phục vụ nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, năng lực của đội ngũ CBCCVC chưa đồng đều; kết quả thực hiện nhiệm vụ của một số người chưa cao, chưa thực hiện đúng, đủ chức trách, nhiệm vụ của vị trí việc làm, còn biểu hiện né tránh trách nhiệm, đùn đẩy lên cấp trên. Một số CBCCVC có biểu hiện hách dịch, cửa quyền, những nhiễu, lãng phí, “tham nhũng vặt”, ý thức tổ chức, kỷ luật chưa cao, có biểu hiện coi nhẹ sự chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát của lãnh đạo cấp trên. Huyện Trực Ninh qua kiểm tra công tác CCHC tại 21 xã, thị trấn vào tháng 9-2021 đã nhận thấy tình trạng Chủ tịch UBND một số xã, thị trấn chưa thực hiện đúng trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CCHC được quy định tại Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 25-4-2017 của UBND tỉnh, chưa thực sự quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp, chưa đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công trực tuyến. Thực trạng trên dẫn đến số lượng hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) được nộp, xử lý trực tuyến còn hạn chế; có nơi thực hiện công tác cải cách TTHC theo cơ chế một cửa chưa đạt yêu cầu, còn mang tính hình thức, chất lượng thấp; các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết chưa được rà soát, cập nhật, công khai kịp thời; sổ theo dõi giải quyết TTHC của bộ phận “một cửa” chưa được ghi chép đầy đủ theo quy định.

Trong đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh nhận định, thực hiện KLKC hành chính tại một số sở, ngành, địa phương chưa nghiêm, chưa tuân thủ chỉ đạo của cấp trên; chất lượng tham mưu của một số sở, ngành chưa đảm bảo yêu cầu, còn chung chung, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Nhất là trong lĩnh vực giải quyết thủ tục xây dựng, quản lý đất đai, thu hút đầu tư; thực hiện Chính quyền điện tử, giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại một số đơn vị, địa phương chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, kết quả chỉ số CCHC năm 2020 của tỉnh cho thấy: Năm 2020 toàn tỉnh có 44 CBCCVC bị kỷ luật; trong đó 28 người bị khiển trách, 4 người bị cảnh cáo, 1 người bị cách chức, 1 người bị bãi nhiễm, 10 người buộc thôi việc. Qua điều tra công chức làm việc tại bộ phận nhận và trả kết quả giải quyết TTHC toàn tỉnh tỷ lệ làm hài lòng người dân và doanh nghiệp chỉ đạt 81,53%, vẫn còn 19,47% chưa làm người dân và tổ chức hài lòng. Những hạn chế đó ảnh hưởng đến KLKC hành chính, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân và doanh nghiệp.

Để tăng cường KLKC hành chính, tạo sự chuyển biến rõ nét, nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín, củng cố niềm tin của chính quyền địa phương đối với nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, đảm bảo nghiêm minh trong thực thi pháp luật, các ngành, các địa phương, đơn vị phải khẩn trương khắc phục những hạn chế, tồn tại. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện KLKC hành chính, thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm của cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc CBCCVC thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong tiếp nhận, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp (nhất là trong thực hiện thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, xuất nhập cảnh, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...). Xây dựng quy chế hoạt động, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết công việc của từng CBCC nhằm giúp họ giải quyết công việc nhanh, chủ động; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc và tiếp xúc với tổ chức, công dân. Thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ CBCCVC, trên cơ sở đó lựa chọn, bố trí, phân công người có đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức đảm nhiệm các công việc thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Các ngành, các địa phương yêu cầu mỗi CBCCVC phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền; tăng cường phối hợp xử lý các nội dung liên quan; trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; phải nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, né tránh công việc. Trong năm 2021, các ngành, các địa phương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trang bị kiến thức quản lý Nhà nước, kỹ năng quản lý, điều hành và thực thi công vụ chuyên ngành cho 5.960 CBCCVC, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, xóm, tổ dân phố; 161 CBCC tham gia đào tạo sau đại học. Thời gian tới, các ngành, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác CCHC, thi hành công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những CBCCVC vi phạm kỷ luật, có hành vi gây phiền hà, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; kiên quyết đưa ra khỏi cơ quan Nhà nước những người năng lực yếu, vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật.

Với các giải pháp kể trên, toàn tỉnh hướng tới mục tiêu xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài; đội ngũ CBCCVC có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định; phấn đấu giai đoạn 2021-2025 chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC được nâng lên trên 90%./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com