Những năm qua, Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh đã có nhiều chương trình thiết thực để vận động, thu hút đông đảo hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động của Hội, nhằm nâng cao tay nghề, kỹ năng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần phát triển sản phẩm gắn với thị trường để khẳng định vai trò, vị thế của ngành kinh tế SVC tại các địa phương.
Kinh tế sinh vật cảnh đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Trần Đức Hiệt, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng). |
Sinh ra và lớn lên trên vùng quê giàu truyền thống trồng hoa, cây cảnh Điền Xá (Nam Trực), nghệ nhân SVC Vũ Văn Hoa ở xóm 3, Vỵ Khê luôn cùng với các hội viên trong xóm tìm tòi sáng tạo, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm SVC phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay. Trao đổi với chúng tôi, bác Hoa cho biết: Ở xã Điền Xá, nhiều gia đình hội viên Hội SVC đã tích cực đầu tư để phát triển kinh tế từ mô hình nhà vườn sản xuất, kinh doanh SVC theo hướng kỹ thuật cao. Tiêu biểu như hội viên Đỗ Duy Bắc ở thôn Thượng, đầu tư thành lập Công ty Cổ phần Hoa cây cảnh Đỗ Hoàng Phúc với diện tích nhà vườn 1ha và thuê thêm đất của các gia đình khác trên địa bàn để trồng cây. Nhờ đó đến nay đã tạo dựng được vườn SVC đa dạng, với nhiều loại cây bonsai, chủng loại phong phú với tổng giá trị vườn cây hơn 80 tỷ đồng. Không chỉ cung cấp các loại cây cảnh cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, Công ty còn nhận thi công các công trình trang trí hoa, cây cảnh từ các khuôn viên tư gia, công sở, các công trình khách sạn đến khu nghỉ dưỡng, nhà vườn... ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ước tính tổng doanh thu của Công ty đạt 50-70 tỷ đồng/năm, tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục lao động địa phương; lợi nhuận thu được hàng năm đạt 2,2 tỷ đồng/năm.
Ở thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), nghề trồng đào thế đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân. Tiêu biểu như hộ các ông Vũ Ngọc Nhạ (tổ dân phố Nam Hà), Nguyễn Duy Chiến (tổ dân phố Thượng Đền) mỗi hộ sở hữu vườn đào thế rộng trên 1.000m2 với nhiều dáng đào cổ độc đáo, mỗi năm bán hàng trăm triệu đồng. Những năm gần đây, nhận thấy thị trường cây cảnh nghệ thuật có nhiều biến động, nghệ nhân SVC Trần Văn Bẩy ở tổ dân phố Song Khê chuyển sang sản xuất, kinh doanh các loại cây hoa trang trí, cây bóng mát. Bằng kinh nghiệm của một nghệ nhân lành nghề nên các sản phẩm do ông vun trồng, chăm sóc, cắt tỉa đã được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Hiện, ông Bẩy sở hữu 2 vườn cây với tổng diện tích 5.000m2 trồng các loại như: mẫu đơn, tường vi, cây công trình, cây bóng mát với tổng giá trị hàng tỷ đồng.
Đấy chỉ là 2 trong số rất nhiều hội viên SVC tiêu biểu trong phong trào phát triển SVC trở thành ngành kinh tế của các địa phương. Để phát triển kinh tế SVC theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả cao, trong 5 năm qua các cấp Hội SVC tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nhân giống, trồng, chăm sóc cây cảnh; đẩy mạnh phong trào tìm tòi, sáng tạo các loại hoa, cây cảnh đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Các cấp Hội SVC đã phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Trung tâm dạy nghề các huyện: Nam Trực, Nghĩa Hưng, Hải Hậu và thành phố Nam Định tổ chức 51 lớp dạy nghề, truyền nghề, chế tác SVC cho 960 hội viên và người dân. Các học viên tham gia lớp học được trang bị, đào tạo kiến thức về kỹ thuật trồng các giống hoa, các loài hoa cao cấp, cây cảnh truyền thống, cây cảnh nghệ thuật, đá mỹ nghệ, đá phong thủy, chim, thú cảnh; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, Hội SVC tỉnh còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tại các nhà vườn tiêu biểu Mai Xuân Thỉnh, Đỗ Văn Cường, Phan Văn Thìn; đồng thời tiếp đón các đoàn hội viên SVC của các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên… về tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh SVC. Để thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên phát triển kinh tế SVC, Thường trực Hội SVC tỉnh đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và trực tiếp làm việc với Huyện ủy, UBND các huyện: Mỹ Lộc, Ý Yên, Vụ Bản, Xuân Trường nhằm thu hút sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức Hội; hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật và định hướng cho người dân phát triển các vùng chuyên canh SVC. Các cấp Hội SVC đã phát huy vai trò định hướng kịp thời cho hội viên trong quá trình phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm SVC. Đồng thời trở thành cầu nối, tạo cơ hội để các hội viên giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm phát triển đa dạng sản phẩm cây cảnh để nâng cao giá trị kinh tế SVC; kết nối tổ chức cho hội viên đem cây cảnh tham gia triển lãm SVC tại huyện Hải Hậu, tổ chức trưng bày, triển lãm SVC tỉnh Nam Định lần thứ III với sự tham gia của 30 tỉnh, thành phố trong cả nước; tham gia triển lãm SVC Việt Nam tại làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Lễ hội SVC châu Á - Thái Bình Dương (Thành phố Hồ Chí Minh); qua đó đã giúp hội viên quảng bá, mua bán thành công hàng trăm tác phẩm cây cảnh nghệ thuật. Tích cực triển khai các biện pháp nên phong trào kinh tế SVC phát triển mạnh mẽ, đều khắp ở các địa phương. Theo số liệu thống kê của Hội SVC tỉnh, năm 2020 diện tích trồng hoa, cây cảnh của tỉnh đạt hơn 1.860ha, trong đó huyện Hải Hậu có 580ha, Nam Trực 333ha, Trực Ninh 327ha, Xuân Trường 205ha… Toàn tỉnh có 1.289 nhà vườn, trang trại; 35 câu lạc bộ; 16 doanh nghiệp; 28 làng nghề SVC và 20 tổ chức hoạt động SVC. Có 4 mô hình SVC đang được hội viên xây dựng, đó là kinh tế trang trại; kinh tế gia trại - kinh tế vườn; kinh tế doanh nghiệp SVC và mô hình câu lạc bộ chuyên sâu, câu lạc bộ nghệ nhân. Các mô hình trên đã, đang phát triển chuyên sâu và là nòng cốt cho phong trào kinh tế SVC phát triển rộng khắp, tương đối đồng đều ở các địa phương. Các nhà vườn, trang trại trở thành nòng cốt cho sự phát triển bền vững của các câu lạc bộ, làng nghề, doanh nghiệp SVC. Nhờ đó thu nhập từ kinh tế SVC toàn tỉnh hàng năm ước đạt 200 tỷ đồng, trong đó huyện Nam Trực 130 tỷ đồng, Hải Hậu 50 tỷ đồng, Trực Ninh 16,2 tỷ đồng… Thu nhập bình quân đạt từ 200-250 triệu đồng/ha/năm. Các nhà vườn ước tính còn khoảng hơn 500 nghìn tác phẩm với tổng giá trị khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Nhiều hội viên SVC còn tích cực tham gia công tác xã hội ở nơi cư trú, tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, tự nguyện trồng nhiều tuyến đường hoa, đưa cây xanh, cây cảnh bài trí tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, trường học, nghĩa trang liệt sĩ… góp phần làm đẹp cảnh quan, môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí. Tiêu biểu như Hội SVC huyện Nam Trực đã trồng 2.100 cây bóng mát với chiều dài hàng trăm km đường làng; Hội SVC huyện Hải Hậu trồng hơn 15 nghìn cây xanh tại các cơ quan công sở, trường học, trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, tạo diện mạo mới cho nhiều vùng quê.
Thời gian tới, Hội SVC tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 16/CT-UBND về phát triển SVC thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu lao động, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn./.
Bài và ảnh: Văn Đại