Những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện một số ổ dịch COVID-19 trong cộng đồng ở nhiều huyện và thành phố Nam Định với số lượng ca bệnh và các trường hợp F1, F2 nhiều khiến người dân lo lắng. Mặc dù không có tình trạng ồ ạt mua tích trữ hàng tiêu dùng thiết yếu như trước đây nhưng sức mua vẫn tăng nhanh với tâm lý mua sẵn để hạn chế phải ra ngoài phòng dịch. Từ chiều ngày thứ hai khi phát hiện ca bệnh dương tính tại thành phố Nam Định, không khí mua sắm hàng thiết yếu đã có dấu hiệu tăng nhiệt. Chủ động ứng phó với tình hình này, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa lớn trên địa bàn, các tiểu thương đã nhập một lượng lớn hàng hóa về phục vụ người dân nên đến thời điểm hiện tại không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá, người dân mua sắm thỏa mãn nhu cầu. Ở tất cả các chợ dân sinh, siêu thị và cửa hàng tiện lợi đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như khai báo y tế, quét mã QR-Code, khử khuẩn, đo thân nhiệt và đeo khẩu trang trước khi vào mua sắm. Sở Công Thương cũng đã rà soát thị trường, kích hoạt các phương án cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để người dân yên tâm phòng, chống dịch.
Khách hàng quét mã khai báo y tế tại Siêu thị Co.opmart khi đến mua sắm. |
Với dân số khoảng 1,78 triệu người, trung bình mỗi tháng, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân trong tỉnh gồm 14 nghìn tấn gạo; 18 nghìn tấn thịt, cá, thủy hải sản; 27 nghìn tấn rau, củ, quả; 26,7 triệu quả trứng… Dự kiến lượng thực phẩm này, trong điều kiện bình thường, sản xuất nội tỉnh đáp ứng tốt nhu cầu và được cung ứng qua hệ thống thương mại gồm 192 chợ, trong đó có 2 chợ đầu mối nông sản, 190 chợ dân sinh, 5 siêu thị kinh doanh hàng thiết yếu, 65 cửa hàng tiện lợi và trên 1.000 cửa hàng tạp hóa. Ngoài ra còn có các kênh bán hàng đa phương tiện hoặc bổ sung thêm các điểm bán hàng lưu động do các đơn vị cung ứng tổ chức phục vụ nhân dân. Có thể nói hệ thống cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu đã phủ khắp các xã, phường, thị trấn đã đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh. Thông thường ở địa bàn nông thôn, người dân có thể tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu được khoảng 7 ngày, địa bàn thành phố là 5 ngày. Thực tế thời gian qua phương án điều phối hàng hóa tại các khu vực thực hiện giãn cách đã phát huy hiệu quả, hệ thống cung ứng hàng hóa thiết yếu đã đáp ứng tốt yêu cầu của người dân. Tình hình cung cầu, lưu thông hàng hóa vẫn thông suốt, giá cả ổn định. Trong trường hợp phải áp dụng giãn cách một huyện hoặc thành phố Nam Định, Sở Công Thương phối hợp với UBND thành phố Nam Định, các sở, ngành liên quan thực hiệc cung ứng hàng hóa theo phương châm 4 tại chỗ “Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ” và 3 sẵn sàng “Chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương” không để người dân bị khó khăn trong mua sắm hàng hóa thiết yếu. Theo đó các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn hàng, thông tin số điện thoại, trang web của các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn để người dân liên hệ mua hàng. Các địa phương thành lập tổ tiếp nhận, điều phối nhu yếu phẩm của các xã, phường, thị trấn để thực hiện việc cung ứng hàng hóa, hỗ trợ, vận chuyển đưa hàng đến phục vụ nhân dân để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Bố trí các vị trí trung chuyển và các phương tiện vận chuyển hàng hóa để thực hiện giao nhận. Trường hợp thiếu hàng cục bộ tại một số điểm bán do nhu cầu mua hàng tăng cao, Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện điều tiết trong hệ thống đảm bảo phục vụ nhân dân và triển khai ngay các điểm bán lưu động. Nếu có điểm bán hàng phải tạm ngừng kinh doanh do có liên quan đến yếu tố dịch tễ sẽ có phương án triển khai ngay các điểm bán lưu động, tăng thời gian mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân nhằm giãn cách người dân không tụ tập mua sắm đông vào một giờ cao điểm. Đối với tình huống phải giãn cách cả tỉnh, việc cung ứng lưu thông hàng hóa thiết yếu có thể bị gián đoạn tạm thời. Do đó, ngoài việc triển khai phương án phòng dịch sẽ tập trung thông tin, tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh cơ sở về công tác chuẩn bị, dự trữ lực lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, địa chỉ bán hàng và khu vực bán hàng lưu động, số điện thoại đầu mối tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng, dịch vụ đi chợ hộ, giao hàng để tránh tình trạng người dân tụ tập mua gom, tích trữ hàng hóa. Duy trì hoạt động của các chợ truyền thống hoặc chợ tạm với điều kiện: Chỉ kinh doanh hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu; kiểm soát tốt mật độ, tần suất người mua bán tại chợ; tổ chức mua bán theo nguyên tắc một chiều; bảo đảm số lượng điểm kinh doanh phù hợp, giãn cách giữa người mua và người bán; xét nghiệm người bán hàng để đảm bảo an toàn phòng dịch. Tổ chức phát phiếu đi mua hàng thiết yếu cho người dân nhằm hạn chế tối đa người dân ra ngoài. Triển khai ngay các điểm bán lưu động, điểm giao dịch của hệ thống Bưu điện, các địa điểm tập kết trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh về. Bố trí các khu đất trống cho các tiểu thương trong chợ dân sinh di chuyển địa điểm khi chợ bị dừng hoạt động hoặc cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu bán thực phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn.
Huy động các Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại, vận tải... tham gia cung ứng hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Chỉ đạo sản xuất, kết nối giữa đơn vị sản xuất với người tiêu dùng thông qua số điện thoại đầu mối vừa để tiêu thụ nông sản đến hạn và cung ứng hàng hóa cho người dân, đặc biệt là các loại rau xanh, củ quả ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch, các sản phẩm gia súc, gia cầm (thịt trâu, bò, gà, vịt), thủy hải sản... cố gắng tự cân đối cung cầu ngay trên địa bàn.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án theo từng cấp độ của dịch bệnh để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân trong tỉnh và các địa phương nỗ lực đảm bảo người dân có đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để sinh hoạt và lao động sản xuất trong bất cứ tình huống nào./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương