Sau hơn 6 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40) trên địa bàn tỉnh đã thực sự “thẩm thấu” vào cuộc sống, tạo bước đột phá kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh hỗ trợ những đối tượng yếu thế vượt qua đói nghèo, thay đổi cuộc sống, để không ai trong số họ “bị bỏ lại phía sau”, thể hiện rõ nét tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội riêng có dành cho người nghèo của Đảng, Nhà nước.
Được Ngân hàng CSXH huyện Xuân Trường hỗ trợ vay vốn, anh Trịnh Văn Dương, ở xóm 19C, xã Xuân Kiên có vốn để duy trì sản xuất cơ khí nâng cao thu nhập. |
Tạo đột phá từ tư duy
Từ khi thực hiện Chỉ thị 40, ngân sách tỉnh đã bổ sung 21,2 tỷ đồng, các huyện, thành phố bổ sung 13,8 tỷ đồng, các nguồn khác là 2,3 tỷ đồng đưa tổng nguồn vốn ủy thác từ địa phương qua Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đạt 37,3 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cùng các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác trên địa bàn toàn tỉnh trong việc thực hiện Chỉ thị 40 tạo sự chuyển biến từ tư duy nhận thức đến hành động, với nhiều cách làm sáng tạo của các địa phương với tín dụng CSXH. Từ sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò tín dụng CSXH, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ phát huy vai trò chỉ đạo, giám sát của mình, mà còn nhập cuộc, dành phần ngân sách địa phương uỷ thác sang ngân hàng tạo thêm nguồn cho các đối tượng chính sách vay, góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo, xoá nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ngày càng tươi đẹp, giàu mạnh tạo thêm nguồn hơn. Đặc biệt, việc lồng ghép triển khai và đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 40 tại các hội nghị, giao ban trong buổi giao dịch ở xã, thị trấn đã giúp nhiều lãnh đạo, cán bộ địa phương nhận thức sâu sắc về vai trò chủ lực, trụ cột của tín dụng chính sách trong giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, từ đó chủ động ưu tiên nguồn lực lớn ủy thác qua Ngân hàng CSXH. Cấp uỷ chính quyền các cấp đã xác định công tác tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai các chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh đó, bổ sung lồng ghép các nội dung hoạt động tín dụng CSXH với các kế hoạch, chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, đào tạo nghề giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hệ thống các chương trình tín dụng chính sách ngày càng được hoàn thiện phù hợp yêu cầu thực tiễn với những chương trình chính sách tín dụng mới, như nâng cao mức vay, đẩy nhanh tốc độ thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, cho vay hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ làm nhà ở đối với hộ nghèo. Cùng với sự tận tâm, tận tụy, trách nhiệm của từng cán bộ và nhân viên Ngân hàng CSXH không quản ngày nghỉ, luôn đúng giờ giao dịch cố định là có mặt phục vụ nhân dân đã kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo nên thành công chung của Chỉ thị 40.
Cộng hưởng sức mạnh cho bảo đảm an sinh xã hội
Những “chiếc cần câu” từ tín dụng CSXH đã giúp hàng trăm nghìn hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Hơn nữa, việc sử dụng công cụ tín dụng chính sách hiệu quả còn là “đòn bẩy” giúp phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, đến nay, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã giải ngân cho 266.783 lượt hộ nghèo, 56.458 hộ cận nghèo, 21.865 hộ mới thoát nghèo và 393.463 đối tượng chính sách khác có vốn để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống. Đã có 85.784 hộ thoát nghèo, 15.096 hộ thoát cận nghèo, 113.580 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, có điều kiện tiếp tục học hành; tạo việc làm cho 56.434 lao động, xây dựng 233.745 công trình nước sạch và 222.437 công trình vệ sinh, 4.088 căn nhà cho hộ nghèo, 193 căn nhà cho người có thu nhập thấp, đóng góp tích cực vào việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 7 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã giải ngân cho 19.405 khách hàng với số tiền 758,6 tỷ đồng. Dư nợ đạt 3.385,9 tỷ đồng với 99.838 hộ còn dư nợ. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,13% tổng dư nợ. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh. Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ngân hàng CSXH được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng được phương thức cho vay uỷ thác tín dụng CSXH hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng CSXH, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng CSXH mạnh dạn quyết tâm vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng.
Sự đồng hành, thấu hiểu “Ý Đảng, lòng dân”, nhất là hiệu quả của tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh thời gian qua là cơ sở để Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 102/KH-UBND ngày 26-8-2021 triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Trong đó, tập trung tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành trong hoạt động tín dụng chính sách. Tập trung nguồn lực nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng CSXH. Tiếp tục phát huy vai trò của tín dụng CSXH trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nâng cao năng lực trong hoạt động tín dụng CSXH. Tăng cường chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng CSXH. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng CSXH đến cán bộ, công chức và nhân dân. Thực hiện tốt công tác huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả, phấn đấu đến năm 2025, nguồn vốn uỷ thác đầu tư từ ngân sách tỉnh, các huyện, thành phố chiếm khoảng 7% tổng nguồn vốn hoạt động. Tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức vận động, động viên các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn dành nguồn vốn uỷ thác hoặc mở tài khoản, gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng CSXH để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại điểm giao dịch xã, thực hiện công khai, dân chủ tín dụng CSXH để mọi tầng lớp nhân dân biết và giám sát. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tiếp tục phấn đấu làm tốt vai trò là “cầu nối” đưa vốn tín dụng CSXH đến với người dân; khẳng định vai trò trụ cột về vốn giúp xoá đói giảm nghèo bền vững ở địa phương góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XX của tỉnh./.
Bài và ảnh: Đức Toàn